LHQ cùng Cộng hòa Dân chủ Congo ngăn chặn dịch bệnh Ebola lây lan
Nhân viên y tế khử trùng đồ đạc tại khu vực cách ly tại Muma, Cộng hòa Dân chủ Congo, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola.
Ngày 12/5, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo Oly Ilunga Kalenga cùng các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã có mặt tại tỉnh Equateur - nơi có báo cáo về trường hợp nghi nhiễm bệnh mới nhất.
Phát biểu tại đây, ông Kalenga cam kết đẩy nhanh mọi nỗ lực, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả đợt dịch mới này.
Đại diện WHO tại Congo Allarangar Yokouide cho biết WHO sẽ tăng cường sự hiện diện, đồng thời cử các chuyên gia dịch tễ học tới các khu vực được xác định là "điểm nóng" về dịch gồm Mbandaka, Bikoro và Iboko.
WHO ngày 11/5 cho biết cơ quan này hy vọng Cộng hòa Dân chủ Congo trong vài ngày tới sẽ cho phép triển khai một loại vaccine thử nghiệm.
Hiện WHO đã ban bố cảnh báo tới chín quốc gia láng giềng của Cộng hòa Dân chủ Congo, song hiện vẫn đánh giá nguy cơ lây lan dịch Ebola ra toàn khu vực ở mức "trung bình."
Trước đó, ngày 8/5 vừa qua, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đã công bố tái bùng phát dịch Ebola ở nước này sau khi một phòng thí nghiệm xác nhận hai trường hợp dương tính với loại virus chết người trên tại tỉnh miền Bắc Bikoro.
WHO cho biết từ ngày 4/4 và qua, tại Cộng hòa Dân chủ Congo ghi nhận 32 trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, trong đó 18 người đã tử vong.
Cộng hòa Dân chủ Congo đã trải qua chín đợt bùng phát dịch kể từ lần đầu tiên phát hiện virus Ebola ở nước này vào năm 1976.
Năm 2014, WHO đã đưa ra báo động khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola sau khi dịch hoành hành ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 11.300 người.
Năm 2016, WHO thông báo dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên thế giới và tuyên bố quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này.
Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng.
Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2174619