Tiết kiệm mãi mà không thấy khá hơn, có thể bạn đã mắc lỗi...
Bạn cho rằng chỉ cần hàng tháng bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm là xong? Tiết kiệm có vẻ khá đơn giản trong mắt nhiều người, nhưng thực tế lại chứa đựng kha khá cạm bẫy có thể khiến bạn mất đi khả năng tối đa hóa khoản tiền đó. Dưới đây là một số sai lầm bạn dễ mắc phải:
1. Tiết kiệm trong khi còn nhiều khoản nợ chưa được trả
Một sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi bắt đầu tiết kiệm là quá nóng vội. Nghe có vẻ hơi phi lý nhỉ? Đồng ý rằng bạn phải có một khoản tiết kiệm để đề phòng những trường hợp bất trắc, thế nhưng đừng chỉ tập trung vào nó.
Chỉ tập trung vào tiết kiệm mà không lo trả các khoản nợ có thể khiến số tiền nợ tăng cao. Đặc biệt là nợ tín dụng, càng để lâu tiền lãi càng cao.
Trả hết nợ cũng chính là đang tiết kiệm
Một ví dụ đơn giản nhé: Bạn nợ ngân hàng 100 triệu, sau bao năm làm lụng bạn cũng có số tiền đó. Lúc này, tâm lý sợ mất đi khiến bạn không muốn trả liền mà lại giữ làm tiết kiệm. Qua 1 năm sau, số tiền tiết kiệm đó chẳng sinh lời thêm bao nhiêu nhưng khoản nợ lại tăng thêm vì lãi. Thế là việc tiết kiệm của bạn chẳng có nghĩa lý gì cả ngoài việc tự làm mình nợ thêm tiền.
Tốt hơn hết là bạn nên trả bớt món nợ lãi suất cao càng nhanh càng tốt, sau đó tập trung nỗ lực vào việc tăng số tiền tiết kiệm của mình. Nhiều khi, trả hết nợ cũng chính là đang tiết kiệm.
2. Tiết kiệm mà không có mục tiêu
Cần có mục tiêu tiết kiệm nhất định
Tiền của bạn cần có một nhiệm vụ hoặc một công việc dự định phải làm để tạo động lực cho bản thân. Nhiều lúc bạn sẽ tự hỏi: Mình tiết kiệm số tiền đó để làm gì? Nếu không có mục tiêu tiết kiệm bạn rất dễ bị sao nhãng, dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Cùng với việc tạo các mục tiêu để tiết kiệm, chẳng hạn như: nghỉ hưu, đem tiền về cho mẹ hoặc cưới chồng/vợ, hãy tạo một mốc thời gian và số tiền mục tiêu. Ví dụ: nếu bạn đang tiết kiệm để cuối năm mua một chiếc xe trị giá 60 triệu, thì mục tiêu tiết kiệm ngắn hạn mỗi tháng phải đạt được là 5 triệu.
Có mục tiêu rõ ràng cho từng khoản tiết kiệm sẽ khiến bạn ít có khả năng sử dụng các tài khoản đó khi cảm thấy khó khăn và coi trọng khoản tiết kiệm của mình hơn.
3. Không để tiền vào kênh tiết kiệm nhiều lợi nhuận nhất
Nhiều người cứ nghĩ tiết kiệm là để tiền đó, không đụng vào là được. Thực chất, tiết kiệm phải làm cho nó sinh lời nữa. Bỏ tiền mặt sang một bên để tiết kiệm là chưa đủ - bạn cần đảm bảo rằng khoản tiết kiệm của mình được bảo vệ trước lạm phát. Lạm phát (tăng giá hàng hóa và dịch vụ) có thể làm giảm giá trị khoản tiết kiệm của bạn theo thời gian.
Mỗi số tiền bạn bỏ ra ngày hôm nay sẽ có giá trị thấp hơn vào năm tới do giá cả tăng cao. Ví dụ: tỷ lệ lạm phát năm trước là 0,6% - điều này có nghĩa là bạn sẽ phải trả thêm 0,6% cho cùng một rổ hàng hóa so với năm trước.
Đây là lý do tại sao tiền tiết kiệm của bạn nằm trong tài khoản ngân hàng, nơi nó có thể tích lũy lãi suất, chứ không phải cất trong ngăn kéo của bạn hoặc dưới nệm để mất giá. Bên cạnh đó, việc gửi tiết kiệm theo lãi suất còn giúp bạn không dễ dàng rút ra để tiêu xài.
Bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ
4. Chờ đợi một sự kiện lớn trong đời để bắt đầu tiết kiệm
Một sai lầm khác mà mọi người thường mắc phải khi tiết kiệm tiền là trì hoãn. Một số người hay nói với bản thân rằng họ sẽ bắt đầu tiết kiệm sau khi đạt được một mốc cụ thể. Cột mốc quan trọng đó có thể là kiếm một việc làm có lương đủ cao hoặc cưới vợ về để cùng tiết kiệm...
Nhưng thời điểm tốt nhất để bắt đầu tiết kiệm là bây giờ, ngay cả khi bạn nghĩ mình "nghèo rớt mồng tơi". Tốt hơn hết bạn nên tập thói quen tiết kiệm thay vì chờ đợi. Tiền ít hay tiền nhiều cũng đều là tiền, nên nhớ rằng "tích tiểu thành đại" là điều sớm muộn.
Thêm vào đó, làm quen với việc tiết kiệm sớm có thể giúp bạn học cách sống bằng một số tiền nhất định, điều này có thể giúp bạn tăng khả năng thích nghi với hoàn cảnh khổ sở hơn.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/tiet-kiem-mai-ma-khong-thay-kha-hon-co-the-ban-da-mac-phai-nhung-loi-nghiem-trong-nay-20220109101831994.chn