Tỷ phú, doanh nhân Mỹ chạy đua lấy lòng ông Trump

21:19' 21-12-2024
Khi chính quyền mới chuẩn bị tiếp quản Nhà Trắng, ngay cả những doanh nhân từng quay lưng với ông Trump cũng vội vã tìm tới Mar-a-Lago.


    Ted Sarandos, giám đốc điều hành (CEO) 60 tuổi của Netflix, là nhà tài trợ nổi tiếng cho đảng Dân chủ trong nhiều năm. Nhưng giờ mối quan tâm của ông lại đặt ở Mar-a-Lago.

    Ông là một trong số nhiều doanh nhân Mỹ đã tới dinh thự nghỉ dưỡng của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Florida trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền sắp tới.

    Sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, các giám đốc điều hành cấp cao từ Hollywood tới Thung lũng Silicon hay Phố Wall đều nhanh chóng tìm cách lấy lòng Tổng thống đắc cử. Số lượng cuộc gặp đã tăng lên gần đây và vượt ra khỏi phạm vi những nhà tài trợ của đảng Cộng hòa.

    Ngoài Sarandos, ông Trump đã gặp tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, vào ngày 18/12. Amazon đã cam kết tài trợ một triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump.

    Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cũng đã tới thăm Mar-a-Lago hồi đầu tuần, chỉ vài giờ sau khi ông Trump đứng cạnh Masayoshi Son để công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD mà tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank rót vào Mỹ.

    Từ trái qua phải: Ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, Tổng thống đắc cử Doanld Trump, CEO tập đoàn Nhật Bản SoftBank Masayoshi Son tại Mar-a-Lago, Mỹ ngày 16/12. Ảnh: AP

    Từ trái qua: Ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, Tổng thống đắc cử Donald Trump, CEO tập đoàn Nhật Bản SoftBank Masayoshi Son tại Mar-a-Lago, Mỹ ngày 16/12. Ảnh: AP

    Đối với những người thân cận của ông Trump, các cuộc gặp như vậy được xem như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho Tổng thống đắc cử Mỹ và những cam kết chính sách kinh tế của ông.

    Sau khi nhiệm kỳ đầu của ông Trump khép lại trong hỗn loạn, nhiều người trong giới kinh doanh đã ngừng tương tác với ông. Một số thậm chí đã ủng hộ đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, nhưng mọi thứ thay đổi sau khi cuộc đua ngã ngũ.

    "Một số giám đốc điều hành đang cho thấy họ sẵn sàng là đối tác của chính quyền mới và nói họ muốn tập trung vào những lĩnh vực có thể hợp tác, ngay cả khi họ từng không ủng hộ ông về mặt chính trị", Jason Miller, cố vấn cấp cao của ông Trump, nói.

    Miller lạc quan rằng sẽ có thêm nhiều doanh nhân trong nước và quốc tế tìm gặp Tổng thống đắc cử.

    Mỗi người tới gặp ông Trump đều có những mục tiêu riêng. Giám đốc điều hành TikTok muốn tìm cách cứu ứng dụng trước nguy cơ bị Mỹ cấm cửa vào năm tới và hy vọng có thể nhận được sự đồng cảm từ ông Trump. Các doanh nhân khác như Tim Cook của Apple, Sundar Pichai của Google hay Mark Zuckerberg của Meta muốn tìm kiếm môi trường pháp lý dễ chịu hơn.

    "Phải mất rất nhiều thời gian để giới doanh nhân, trong đó nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ, quyết định tìm kiếm mối quan hệ với ông Trump. Nhưng họ có lựa chọn nào khác?", một nhà vận động hành lang ở Washington nói.

    Các giám đốc điều hành ở Phố Wall cũng tin rằng ông Trump sẽ đảo ngược nhiều chính sách của Tổng thống Joe Biden, vốn được xem là không có lợi cho doanh nghiệp như chống độc quyền và thuế.

    Họ cũng có những lo ngại về ông Trump, đặc biệt là kế hoạch áp thuế quan, trục xuất người nhập cư không giấy tờ và rút một số trợ cấp sản xuất. Tuy nhiên, họ tin ông là người có thể tạo ra các thỏa thuận.

    "Tôi đã nói với các CEO rằng sẽ thật tốt để gặp Tổng thống Trump, nói cho ông ấy biết họ đang làm gì và muốn phát triển kinh doanh như thế nào", Nikki Haley, người từng là đối thủ tranh đề cử của đảng Cộng hòa và hiện là phó chủ tịch công ty tư vấn Edelman, nói.

    Ngoài tới gặp ông Trump và cam kết đầu tư mới, một số doanh nhân khác đang bày tỏ ủng hộ Tổng thống đắc cử bằng cách tài trợ cho lễ nhậm chức của ông vào tháng 1/2025.

    "Tất cả đều đang tìm cách bày tỏ sự kính trọng với ông Trump, dù là trực tiếp hay gián tiếp", một cố vấn hàng đầu cho các CEO ngân hàng nói.

    Ông Trump (giữa) tại Sàn Chứng khoán New York ngày 12/12. Ảnh: AP

    Ông Trump (giữa) tại Sàn Chứng khoán New York ngày 12/12. Ảnh: AP

    Giới vận động hành lang ở Washington cho biết các công ty Mỹ xem chiến thắng bầu cử của ông Trump là sự xác nhận rằng người Mỹ ủng hộ ông. Đồng thời, ông Trump cũng đã đưa ra nhiều kế hoạch mang tính dân túy hơn nhiệm kỳ đầu và đây là lý do khác khiến các doanh nhân muốn củng cố quan hệ với đảng Cộng hòa.

    "Rất nhiều chính sách sẽ được hoạch định vào năm tới và những CEO thông minh nhận ra rằng tốt hơn hết là đi theo thay vì chống lại", Alex Conant, cộng sự của công ty quan hệ công chúng Firehouse Strategies, nói.

    Các doanh nhân cũng công khai thể hiện mong muốn được thân thiết hơn với ông Trump. "Chúng tôi muốn hợp tác để thúc đẩy nước Mỹ thành công và thịnh vượng cho mọi người", Marc Benioff, giám đốc điều hành công ty phần mềm Saleforces, viết trên X tuần trước.

    Brian Hughes, người phát ngôn đội chuyển giao quyền lực của ông Trump, cho biết chương trình nghị sự của chính quyền mới sẽ bao gồm các chính sách về kinh tế, năng lượng và cắt giảm quy định chính phủ, cho phép Mỹ có thể giành lại vị thế thống trị toàn cầu về sáng tạo và công nghệ.

    Cố vấn Miller cho biết ông Trump sẽ lập tức bãi bỏ loạt quy định về bảo vệ môi trường nhằm tạo điều kiện cho các dự án khoan thăm dò dầu khí nhiều hơn, cắt giảm thuế để cải thiện môi trường kinh doanh. Đây đều là những điều mà nhiều doanh nhân tới gặp ông Trump mong muốn.

    "Người lao động Mỹ biết rằng Tổng thống Trump sẽ bảo vệ ngành công nghiệp và bảo vệ họ khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Mọi người đều muốn tham gia", Miller nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ty-phu-doanh-nhan-my-chay-dua-lay-long-ong-trump-4829724.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ