Bốn "quy tắc vàng" để không phải đau đầu với việc "mang tiền đi trả nợ cuối năm"
Năm hết Tết đến, ai mà chẳng muốn mang tiền về cho mẹ và tận hưởng một cái Tết ấm no bên gia đình. Thế nhưng trước khi mang tiền về cho mẹ chúng ta phải đau đầu với việc "mang tiền đi trả nợ cuối năm" trước. Làm sao để tránh khỏi tình trạng này? Câu trả lời là hãy tuân thủ 4 quy tắc vàng trong chi tiêu dưới đây.
1. Quy tắc 50-20-30
Đây được xem là một cách hướng dẫn phân chia tỷ lệ giúp bạn vạch ra được kế hoạch chi tiêu hợp lý.
50% thu nhập - các chi tiêu cần thiết
Bạn hãy cố gắng không dành quá một nửa thu nhập để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như tiền ăn, tiền điện, tiền nước… Thông thường, những chi phí này thường giống nhau ở hầu hết mọi người nhưng nếu bạn biết cách tiết chế, số tiền chi ra sẽ ít hơn.
Nếu không thể điều chỉnh được mức chi dưới 50% tiền lương thì bạn buộc phải thay đổi những thói quen chưa thật sự cần thiết. Ví dụ thay vì đặt đồ ăn ngoài vừa mắc lại vừa tốn phí ship, hãy tự nấu ăn ở nhà. Một lần đi chợ cho 3 bữa ăn, phương pháp này tốt cho sức khỏe lại vô cùng tiết kiệm đấy.
Vạch ra kế hoạch chi tiêu hợp lý cho bản thân.
20% thu nhập dành cho mục tiêu tài chính
Đây là phần chi tiêu dành cho tiết kiệm, trả nợ và quỹ dự phòng. Khoản chi tiêu này giúp bạn có thể có 1 khoản ổn định và hoàn thành kế hoạch trả nợ nhanh hơn. Nếu bạn lâm vào các trường hợp khẩn cấp cũng có thể sử dụng nó.
30% thu nhập dành cho chi tiêu cá nhân
Các chi phí phục vụ cho mục đích cá nhân như vui chơi giải trí là danh mục khá linh hoạt. Do đó ta có thể giảm trừ tối đa các khoản chi không cần thiết. Cắt giảm tiền cà phê, ăn uống với hội bạn là một ví dụ. Hãy học cách nói "không" với những lời mời!
2. Không đầu tư vào các lĩnh vực bản thân chưa am hiểu
Tìm hiểu kỹ trước khi dấn thân vào đầu tư
Có rất nhiều lĩnh vực đầu tư tài chính khác nhau như cổ phiếu, tiền điện tử, bất động sản... và không phải lĩnh vực nào cũng dễ kiếm tiền. Để đem tiền đi đầu tư vào một kênh nào đó, bạn phải thật sự am hiểu bản chất của nó trước. Đặc biệt là các lĩnh vực trên thị trường điện tử, số hóa, có rất nhiều cạm bẫy tinh vi có thể khiến bạn mất trắng chỉ sau một đêm.
Ví dụ như muốn dấn thân vào thị trường bất động sản, bạn phải nghiên cứu cẩn thận thị trường nhà đất, sức cung cầu, dự án và khách hàng tiềm năng... Nếu không may mua phải những mảnh đất "ma", không những mất tiền mà có thể khiến bản thân vướng vào vòng pháp lý. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên đầu tư vào các lĩnh vực mà bản thân chưa thực sự am hiểu.
3. Hạn chế tiêu tiền bằng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là con dao 2 lưỡi, nó mang đến cho bạn nhiều lợi ích như tiện dụng và nhanh chóng nhưng cũng dẫn đến thói quen chi tiêu không kiểm soát. Nhiều bạn trẻ có thói quen quẹt thẻ không nhìn giá, chỉ cần 2 giây là có thể mua một món đồ yêu thích.
Cũng chính vì thẻ tín dụng không thể cho ta thấy hình ảnh trực quan số tiền đang vơi đi dần như dùng tiền mặt nên tâm lý "sợ hết tiền" vô tình bị triệt tiêu. Chỉ đến khi thẻ không thể thanh toán được nữa họ mới nhận thức được rằng mình đã hết sạch tiền. Hơn thế nữa, việc chỉ sử dụng thẻ tín dụng mà không để bất cứ khoản tiền mặt nào trong túi cũng có thể khiến bạn lâm vào các tình huống oái oăm.
Trả nợ trước, tận hưởng sau
4. Cẩn thận với vòng xoáy suy nghĩ "tận hưởng trước, trả nợ sau"
Đây là một thói quen rất nguy hiểm mà hầu hết đều tồn tại trong lối sống của các bạn trẻ. Đó chính là lối sống YOLO - You only live once (Tạm dịch là bạn chỉ sống một lần trong đời). Phong trào này được Drake - rapper nổi tiếng người Canada phổ biến từ năm 2011 và nhanh chóng lan ra khắp thế giới.
Bản chất lối sống này không hề xấu nhưng chính sự nuông chiều bản thân quá mức đã biến tấu chúng thành những "món nợ tài chính khổng lồ" mà giới trẻ đang gánh trên lưng. Lời khuyên cho bạn: nếu đã lỡ phạm phải sai lầm này, hãy từ bỏ và nhanh chóng trả nợ. Luôn ghi nhớ trong đầu rằng: "Trả nợ trước, tận hưởng sau", bạn nhé!
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/4-buoc-de-xoa-sach-cac-khoan-no-cuoi-nam-20220109214225223.chn