Ngắm nhìn nụ cười ấm áp của mẹ, lòng tôi cứ thế rưng rưng hạnh phúc!
Ngày anh em tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần bố tôi đi kéo rồng chung với mấy chú, hễ có cá trê, thể nào mẹ cũng để dành kho cho anh em tôi ăn. Các anh tôi háo hức đến lạ: “Gì chứ cá trê mà kho gừng thì mấy cơm cũng hết” Nhưng tôi lại không thích tẹo nào. Là bởi, tôi sợ cá trê. Tôi không mấy hứng thú khi nghe mẹ bảo sẽ kho cá trê với gừng thay vì cá lóc kho tiêu hay cá diếc kho khế. Bởi vậy, trong suốt bữa ăn ấy, hoặc tôi chỉ ăn qua loa cho xong, hoặc tôi chỉ dắm dúi gắp cà trường ăn với cơm canh rau muống.
Thế nhưng… tôi đã dần thay đổi quan niệm. Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa đông năm tôi lên 10, khi đi học về đến đầu ngõ, đã nghe thoảng thơm mùi hương của nồi cá kho mẹ nấu. Chẳng biết có phải vì đói bụng? Vì mùa đông, hương thức ăn càng thêm đậm vị? Vì món ấy mẹ nấu ngon? Tôi lại thèm được ăn thử món đó xem như thế nào. Bữa cơm gia đình được dọn ra, được mẹ bới cơm nóng, tức thì tôi gắp lấy miếng cá lên ăn khiến ai nấy đều ngạc nhiên và bật cười. Tôi bẽn lẽn cười: “Con thử xem món cá trê có gì khác với các món cá khác không thôi mà!” Và thế là tôi cứ thế ăn. Một miếng rồi hai miếng. Càng ăn càng thấy ngon, càng muốn gắp. Thế rồi tôi tự trách mình “Sao trước đây, mình lại chê món cá kho gừng vốn rất ngon này!”
Cá trê mua về còn tươi rói. Mẹ chọn mua đúng loại trê vàng. Mẹ bảo loại này thịt cá mới thơm ngon và đậm đà hơn. Vẫn như những ngày tôi còn thơ ấu, khi sơ chế cá, mẹ dùng ít tro bếp chà lên mình cá và vuốt dọc theo thân cá để loại bỏ lớp nhờn, nhớt bên ngoài, sau đó rửa lại với nước. Khi sơ chế cá, mẹ đặc biệt lưu ý, nếu mùi cá quá tanh sẽ làm cá ăn mất ngon. Cho nên, khi rửa cá, mẹ rửa thật sạch vùng bụng, đồng thời làm sạch hai bên ngạnh cá để loại bỏ máu tanh. Sau đó, mẹ còn rửa sạch lại một lần nữa với nước muối loãng rồi cắt thành các khúc vừa ăn.
Nhà tôi tuy ở phố nhưng cũng tận dụng được một khoanh đất nhỏ để trồng rau, trong đó không thể thiếu bụi gừng xanh tốt, vừa dùng được cả củ, cả lá mỗi khi cần. Tôi đào một nhánh gừng trong góc vườn, đem cạo vỏ, rửa sạch rồi xắc thành lát mỏng. Mẹ tôi thực hiện công đoạn ướp cá với gia vị đã chuẩn bị sẵn: gừng, hành lá, nước mắm, muối, tiêu,… rồi để khoảng 15 phút để cá thực sự thấm quyện vào gia vị.
Đến công đoạn nấu. Mẹ cho ít dầu vào nồi. Chờ khi dầu nóng, mẹ gắp từng miếng cá vào, trở qua trở lại để cá săn chắc và có màu đẹp. Sau đó đổ hết nước ướp cá vào chung xào cho săn cá lại. Mẹ cho thêm một chén nước sôi rồi tiếp tục kho. Trong quá trình kho, mẹ chú ý cho lửa liu riu, thường xuyên hớt bọt khi sôi. Khi mùi hương đậm đà bay lên, khi nước trong nồi kho sền sệt nghĩa là nồi cá kho đã hoàn thành. Cuối cùng, mẹ tắt bếp và gắp cá ra đĩa.
Món cá trê kho gừng không chỉ là món ngon quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Việt mà còn là liều thuốc dinh dưỡng trong những ngày đông giá lạnh. Tôi được mẹ giải thích, cá trê sống ở dưới nước có tính hàn; gừng lại cay nóng, có vị thơm mang tính nhiệt. Khi kho với nhau, cá và gừng được trung hòa, hài hòa âm dương.
Bữa cơm gia đình được bày ra với nồi cơm nóng hổi cùng đĩa cá trê kho gừng thơm nồng, đậm đà làm ai cũng háo hức. Hai cô con gái của tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen món ăn ngon, khen bà nội khéo tay. Ngắm nhìn nụ cười ấm áp của mẹ, lòng tôi cứ thế rưng rưng hạnh phúc!
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/ca-tre-kho-gung-nw248089.html