Sầu riêng có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Vua của các loại trái cây
Sầu riêng được trồng ở một số tỉnh phía Nam nước ta. Trái của nó vỏ có nhiều gai, ruột có mùi thơm đặc trưng. Bộ phận ăn được là phần cơm của trái sầu riêng. Phần cơm này có thể ăn trực tiếp, chế biến được nhiều món ăn như kem, chè, các loại bánh…
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cơm sầu riêng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm vitamin B, vitamin C, khoáng chất, các hợp chất thực vật, chất béo lành mạnh và chất xơ. Vì vậy được nhiều săn lùng để ăn nhưng cũng có nhiều người không ăn được vì mùi thơm đặc trưng của nó.
Sầu riêng là loại trái cây rất giàu dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Thu phân tích, 243g loại trái cây này cung cấp 357 calo, 13g chất béo, 66g carbohydrate, 9g chất xơ, 4g chất đạm. Sầu riêng chứa loại chất béo lành mạnh, có thể giúp cải thiện khả năng hấp thu các vitamin A, D, E và K. Ngoài ra, loại quả này cũng giàu các hợp chất thực vật, bao gồm anthocyanins, carotenoid, polyphenol và flavonoid. Nhiều chất trong số này có chức năng như chất chống oxy hóa. “Với bảng thành phần dinh dưỡng này, sầu riêng trở thành “vua của các loại trái cây”, bác sĩ Thu chia sẻ.
Sầu riêng có tác dụng gì?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cơm sầu riêng mang lại những lợi ích sức khỏe sau đây:
- Giảm nguy cơ ung thư: Theo bác sĩ Thu, chất chống oxy hóa của nó có thể vô hiệu hóa các gốc tự do gây ung thư. Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, chiết xuất sầu riêng đã ngăn chặn một dòng tế bào ung thư vú lây lan.
- Ngăn ngừa bệnh tim: Một số hợp chất trong sầu riêng có thể giúp giảm mức cholesterol và nguy cơ xơ vữa động mạch của bạn.
- Chống nhiễm trùng: Vỏ có chứa các hợp chất có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm men.
- Giảm lượng đường trong máu: Sầu riêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới khác, có nghĩa là nó có thể làm tăng lượng đường trong máu ít hơn.
Ngoài ăn trực tiếp, cơm sầu riêng còn dùng để chế biến nhiều món ăn nổi tiếng. Ảnh minh họa.
Người ăn tốt, người ăn sầu riêng lại thành “thuốc độc”
Bác sĩ Thu khuyến cáo, sầu riêng là loại quả giàu dinh dưỡng, tuy nhiên cần ăn có liều lượng, nhất là những người thừa cân, béo phì vì nó nhiều calo rất dễ gây tăng cân.
Với những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều sầu riêng bởi nó có nhiều đường fructose và glucose. Thừa các loại đường này có thể gây ra các triệu chứng như mờ mắt và buồn nôn.
Theo quan điểm của Y học cổ truyền, sầu riêng được coi là thực phẩm có tính "nhiệt", ăn quá nhiều sẽ xảy ra tình trạng nóng trong và xuất hiện triệu chứng như ngộ độc. Vì vậy người có thể trạng nóng, táo bón nặng không nên ăn sầu riêng.
Sầu riêng chứa hàm lượng kali dồi dào, ăn nhiều gây ứ đọng kali trong cơ thể. Vì vậy, người mắc bệnh thận và bệnh tim nên hạn chế ăn sầu riêng vì nếu ăn nhiều có thể làm rối loạn nhịp tim.
Đối với người cao tuổi cần hạn chế ăn sầu riêng vì chất cellulose chứa trong thịt sầu riêng có nguy cơ gây táo bón, tắc ruột.
Không nên ăn kết hợp sầu riêng với sữa và cà phê. Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu của Đại học Tsukuba (Nhật Bản), khi ăn sầu riêng không nên uống rượu do tỷ lệ cao của lưu huỳnh trong sầu riêng làm hạn chế hoạt động của gen aldehyde dehydrogenase (ALDH), làm khả năng lọc chất độc từ rượu của cơ thể giảm 70%.
Nghiên cứu của đại học này cũng chỉ ra, sau khi ăn sầu riêng không nên uống cà phê và sữa. Khi sầu riêng kết hợp với cà phê có trong các loại thức uống này sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, hơi thở nặng mùi. Trong sầu riêng chứa nhiều calo, khi kết hợp cùng với sữa cũng giàu dinh dưỡng có thể gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, khiến hoạt động của gan và dạ dày bị trở ngại, trường hợp tệ hơn có thể dẫn đến tăng huyết áp và đau tim.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/loai-qua-vua-xau-vua-boc-mui-nhung-nhieu-nguoi-san-lung-hoa-ra-an-dung-co-the-ngua-benh-ung-thu-tim-mach-c131a590895.html