Ngủ ít hại sức khỏe, ngủ quá nhiều cũng tiềm ẩn không ít bệnh lý nguy hiểm
Giấc ngủ ngon là điều cần thiết bởi nó giúp cơ thể tái tạo năng lượng sau ngày dài mệt mỏi. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều hoặc luôn cảm thấy buồn ngủ có thể là cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim, tăng nguy cơ tử vong.
Ngủ bao nhiêu là quá nhiều?
Theo Giáo sư, tiến sĩ Vsevolod Polotsky, Johns Hopkins Medicine, nhu cầu ngủ của từng lứa tuổi, giới tính khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành khỏe mạnh nên ngủ trung bình khoảng 7-9 tiếng mỗi đêm.
Tuy nhiên, thời gian này có sự thay đổi theo từng cá nhân. Ví dụ, người trưởng thành chỉ cần ngủ 8-10 tiếng cho cả ngày. Nhưng trẻ sơ sinh cần thời gian ngủ dài hơn. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, khuyến cáo thời gian ngủ đủ dựa trên từng lứa tuổi như sau:
Lứa tuổi |
Thời gian (giờ) |
Trẻ sơ sinh (0-3 tháng tuổi) |
14-17 |
Trẻ 4-11 tháng tuổi |
12-15 |
Trẻ mới biết đi (1-2 tuổi) |
11-14 |
Trẻ học mẫu giáo (3-5 tuổi) |
10-13 |
Trẻ 6-13 tuổi |
9-11 |
Thanh, thiếu niên (14-17 tuổi) |
8-10 |
Người trưởng thành (18-64 tuổi) |
8-10 |
Người cao tuổi (trên 64 tuổi) |
7-8 |
Giáo sư Vsevolod Polotsky khuyến cáo nếu một người ngủ nhiều hơn thời gian bình thường, luôn cảm thấy thiếu ngủ, mệt mỏi, uể oải, bạn cần lắng nghe và kiểm tra lại sức khỏe.
Ngủ quá nhiều tiềm ẩn các nguy hại cho cơ thể. Ảnh: Freepik. |
Hệ lụy khi ngủ quá nhiều
Rối loạn giấc ngủ khiến chúng ta buồn ngủ cả ngày, thường xuyên mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nhiều người bị chứng thèm ngủ, ngủ nhiều còn gặp phải dấu hiệu lo lắng, năng lượng thấp và vấn đề về trí nhớ. Những bệnh lý dưới đây có thể là thủ phạm khiến một người ngủ quá nhiều.
Chứng ngủ rũ
Theo Mayo Clinic, chứng ngủ rũ là rối loạn giấc ngủ mạn tính, đặc trưng bởi các cơn buồn ngủ vào ban ngày, đột ngột. Người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo trong thời gian dài, bất kể hoàn cảnh, có thể dẫn tới những gián đoạn nghiêm trọng khi sinh hoạt hàng ngày.
Ở một số trường hợp, chứng ngủ rũ có thể đi kèm tình trạng mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy), kích hoạt bởi cảm xúc mạnh. Chứng bệnh này không có cách chữa trị. Cách giảm ảnh hưởng của nó là sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Suy giáp
Các tình trạng thể chất như suy giáp cũng có thể ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Tuyến giáp hoạt động kém là thủ phạm khiến một người cảm thấy ủ rũ, ngái ngủ dù đã nghỉ ngơi cả đêm.
Hậu quả là bệnh nhân thường xuyên buồn ngủ vào buổi trưa, sáng hoặc ngủ quên. Triệu chứng phổ biến khác của suy giáp như luôn thấy lạnh, yếu cơ, tăng cân không rõ nguyên nhân.
Chứng ngủ rũ là rối loạn không có cách điều trị, khiến người mắc thường xuyên mệt mỏi, thèm ngủ. Ảnh: Freepik. |
Ngưng thở khi ngủ
Tắc nghẽn, khó thở khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân khiến chúng ta thèm ngủ liên tục. Ngưng thở khi ngủ là một người bị ngừng thở trong thời gian ngắn. Nó xảy ra nhiều lần mỗi đêm, gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của bạn. Hệ lụy là bạn buồn ngủ vào ban ngày, luôn muốn nghỉ ngơi, cần ngủ nhiều hơn.
Các triệu chứng khác của chứng ngưng thở khi ngủ là khó tập trung, gặp vấn đề về trí nhớ, nhức đầu, khô miệng khi thức dậy, giảm ham muốn tình dục, tiểu đêm…
Trầm cảm và sức khỏe tâm thần
Ngủ quá giấc được coi là một triệu chứng tiềm ẩn của bệnh trầm cảm. Trong khi đó, nhiều người bị trầm cảm báo cáo họ bị mất ngủ, hoặc ngủ quên (15%). Theo Thư viện Quốc gia Mỹ, người ngủ nhiều có khả năng bị trầm cảm dai dẳng hoặc triệu chứng lo lắng.
Nghiên cứu khác cũng phát hiện người ngủ hơn 10 tiếng mỗi ngày gặp phải vấn đề về sức khỏe nhiều hơn.
Béo phì
Ngủ quá nhiều hoặc qusa ít cũng có thể gây tăng cân, béo phì. Theo WebMD, nghiên cứu tại Canada cho thấy người ngủ 9-10 giờ đồng hồ mỗi đêm có nguy cơ bị béo phì cao hơn 21% so với người ngủ 7-8 tiếng.
Ngủ nhiều còn liên quan nguy cơ đột quỵ, tử vong, béo phì... Ảnh: Shutter Stock. |
Nguy cơ đột quỵ
Nghiên cứu xuất bản ngày 11/12/2019 trên tạp chí Neurology đã cho thấy mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ đột quỵ. Nhóm tác giả phân tích nguy cơ đột quỵ của gần 32.000 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 62.
Họ phát hiện những người ngủ từ 9 tiếng trở lên mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 23% so với người ngủ ít hơn 8 giờ. Nguy cơ cao hơn 25% ở những người ngủ trưa ít nhất 90 phút so với nhóm ngủ trưa ít hơn 30 phút.
Nghiên cứu khác trên 9.700 người, kéo dài 11 năm, do Đại học Cambridge (Anh), thực hiện đã phát hiện, ngủ trên 8 tiếng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 46%. Những người có thời gian ngủ tăng lên trong quá trình nghiên cứu, được cho là mang nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần.
Tuy nhiên, các tác giả cũng không kết luận mối quan hệ nhân quả giữa giấc ngủ với nguy cơ đột quỵ. Không phải tất cả người ngủ nhiều đều dễ đột quỵ hơn. Nó còn tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Nguy cơ tử vong
Theo WebMD, nhiều nghiên cứu đã phát hiện những người ngủ từ 9 giờ trở lên mỗi đêm có tỷ lệ tử vong cao hơn với người ngủ từ 7 đến 8 giờ. Tuy nhiên, họ không tìm ra lý do chính xác cho mối tương quan này.
Nhóm tác giả suy đoán trầm cảm, tình trạng kinh tế xã hội cũng liên quan giấc ngủ dài hơn và trở thành yếu tố gia tăng tỷ lệ tử vong ở những người này.
Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nguy-hai-khi-ban-ngu-qua-nhieu-post1196310.html