Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khiến món lẩu mất hết dinh dưỡng
Theo BSCK II Đoàn Thị Anh Đào - Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn), lẩu là món ăn giúp đa dạng thực phẩm, bổ sung nhiều thực phẩm tươi, dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, khi ăn lẩu nên chú ý tới việc nhúng tới đâu ăn tới đó, tránh tình trạng thừa thức ăn lưu lại trong nồi lẩu. Nếu rau đun nấu quá lâu sẽ bị mất chất. Khi đó ăn rau chỉ là chất xơ chứ không còn vitamin và khoáng chất.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi ăn lẩu nên đảm bảo nguyên tắc vừa bổ sung được thực phẩm an toàn, vừa tiết kiệm mà vẫn vui vẻ và tốt cho sức khoẻ.
Bình thường khi nấu lẩu, các bà nội trợ thường nêm nước dùng đã đậm. Do vậy khi ăn không nên chấm thêm gia vị để tránh ăn quá mặn. Việc ăn mặn có thể gây ra gánh nặng cho thận, tim mạch, huyết áp.
Bác sĩ Sơn cho hay, khi ăn lẩu để đảm bảo vệ sinh, không nên dùng đũa mà nên dùng dụng cụ để gắp, vớt đồ ăn ra bát rồi sử dụng là tốt nhất. Vì nếu dùng đũa, mỗi người đều cho đũa riêng của mình vào nồi gắp sẽ khiến cho bữa ăn không thật sự hợp vệ sinh, thậm chí nguy cơ truyền bệnh cho những người khác nếu ai đó đang có mầm bệnh trong người.
Khi ăn lẩu, một nguyên tắc đảm bảo an toàn luôn phải tuân thủ đó chính là ăn chín, uống sôi. Trên thực tế rất nhiều người khi ăn lẩu thích ăn tái. Thói quen này có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, tiêu chảy.
Lẩu là món ăn giàu dinh dưỡng (ảnh minh hoạ)
"Để đảm bảo an toàn nên nhúng chín thực phẩm kỹ trước khi ăn. Với thực phẩm thái mỏng thì nên nhúng trong nồi đun khoảng 1 phút để thịt chín kỹ hoàn toàn. Còn với các loại thực phẩm viên hay các loại thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc thì nên nhúng trên 5 phút", bác sĩ Sơn cho biết.
Khi ăn lẩu chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên nên ăn rau trước và ăn thịt sau. Rau xanh cung cấp chất xơ, vitamin khoáng chất, đồng thời giúp giải độc, làm mát cơ thể và giúp cơ thể hấp thụ các chất béo tốt hơn.
Nhiều người ăn lẩu thường ngồi rất lâu, TS Sơn cho rằng đây là thói quen không tốt. Một bữa lẩu chỉ nên kéo dài 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Không nên ngồi quá thời gian này vì như vậy hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn, gây quá tải từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lẩu nhiều thịt, hải sản nên rất giàu protein và chất béo. Vì vậy, nhiều người sẽ thấy nhanh no và bỏ qua tinh bột. Tuy nhiên, TS Trương Hồng Sơn vẫn khuyên mọi người dù ăn lẩu vẫn nên ăn thêm chút cơm, bún, mỳ để giúp cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.
Một số lưu ý khác khi ăn lẩu được TS Sơn lưu ý đó là tránh nguy cơ xảy ra bỏng, không nên ăn khi thực phẩm quá nóng dễ làm tổn thương niêm mạc miệng. Thói quen uống rượu bia, chúc tụng nhau trong ngày Tết cũng cần lưu ý dùng vừa phải để không ảnh hưởng tới chức năng gan.
Để có một sức khoẻ tốt, an toàn trong dịp Tết, các chuyên gia khuyên nên có một chế độ ăn cân đối, đa dạng các thực phẩm. Bên cạnh đó, mọi người cần phải duy trì tập luyện thể thao đều đặn để nâng cao sức khoẻ.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nhung-sai-lam-khi-an-lau-ngay-tet-khien-mon-an-mat-het-dinh-duong-20230119112336094.chn