Trẻ có nguy cơ cao bị tự kỷ nếu có các dấu hiệu này
Tôi – cũng giống như bao bà mẹ trẻ khác, có ước mơ và hoài bão mãnh liệt về cuộc sống tươi đẹp phía trước. Khi mang bầu con trai tôi bây giờ, tôi cũng đã đem những hy vọng tốt đẹp ấy và mong gia đình tôi sẽ có cuộc sống thật vui vẻ, hạnh phúc sau khi con chào đời. Mỗi khi có ai đó hỏi rằng tôi muốn có con trai hay con gái, câu trả lời của tôi đều chỉ là: Tôi mong có 1 đứa con khỏe mạnh. Thế là đủ!
Nhưng thật không may, số phận trớ trêu đã bắt con trai tôi mang trong mình căn bệnh mà trước đó tôi cũng không hề biết là gì: Tự kỉ. Con trai tôi khá cao, nhưng con lại thích tự ném người mình thật đau vào đồ vật xung quanh rồi hét lên, con cũng hay tự lao người xuống sàn nhà thật nhanh và thật mạnh. Người ta nói con là kẻ chuyên gây rắc rối, con bị bệnh tự kỉ, và đương nhiên người ta cũng nói rằng con không phải là 1 đứa trẻ khỏe mạnh.
Thú thực mà nói căn bệnh của con đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cả gia đình tôi, ngoại trừ con. Con vẫn ăn, chạy nhảy, sờ mó và yêu thích theo cách mà bộ não của 1 đứa trẻ bị bệnh tự kỉ phải như vậy. Tôi đã thay đổi bản thân để phù hợp với chính con trai của mình. Tôi bắt đầu tìm các phương pháp để trị liệu cho con, dạy con từng chút từng chút một, kiên nhẫn ở bên con. Đôi khi chính tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Nhưng chỉ nghĩ đến bàn tay nhỏ xíu của con đặt lên má mẹ mỗi khi ngủ, hay khi con ôm cuốn sách yêu thích vào lòng là tôi lại tự động viên phải cố gắng vì con, vì tương lai tươi sáng hơn của con.
Tôi kể cho bạn nghe quãng thời gian khi con trai tôi bắt đầu được chẩn đoán mắc bệnh tự kỉ. Bởi tôi luôn mơ ước về 1 đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng sự thật thì luôn phũ phàng như vậy đấy. Con tôi mắc bệnh, con không khỏe mạnh và bình thường. Lúc đó tôi cảm thấy bất lực và chán nản vô cùng. Tương lai của con và cả gia đình gần như biến mất đằng sau tờ giấy khám sức khỏe đó.
Nhưng sau 1 thời gian suy nghĩ, tôi đã thức tỉnh và nhận ra mình không có quyền đem con ra để thỏa mãn mơ ước về 1 gia đình hoàn hảo. Tôi rất hối hận vì đã đặt gánh nặng đó lên đôi vai bé nhỏ của con. Tôi sẽ ở đây vì con. Con có quyền được yêu thương và được chấp nhận, con có quyền được trở thành con người bình thường nhất có thể, có giá trị riêng của bản thân. Con không mất đi giá trị bản thân sau khi chẩn đoán mắc bệnh, con vẫn là con – một cậu bé với tương lai tươi sáng phía trước.
Trên thế giới vẫn có rất nhiều người mắc bệnh tự kỉ nhưng họ vẫn vượt lên và sống hạnh phúc, không có rào cản nào khiến họ nản lòng. Đúng vậy, trẻ tự kỷ cần phải có sự giúp đỡ, nhưng điều đó không khiến con trở thành kẻ có tiềm năng ít hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác. Vậy nên khi mang thai lần 2 và tiếp tục được hỏi tôi muốn nhất điều gì. Tôi đã không còn trả lời là 1 đứa trẻ khỏe mạnh nữa, thay vào đó là: Tôi chỉ muốn có 1 em bé. Vậy thôi.
Tự kỷ là một tình trạng thần kinh phức tạp bao gồm những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp kết hợp với hành vi cứng nhắc, lặp đi lặp lại. Do có nhiều triệu chứng, tình trạng này hiện nay được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder - ASD). Tự kỷ là chứng rối loạn về sự phát triển hành vi, có thể ảnh hưởng đến các kĩ năng cơ bản của trẻ như: kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng. Trẻ bị tự kỷ cũng bị giảm hứng thú đối với môi trường bên ngoài đi rất nhiều. Thế giới quan của một trẻ tự kỷ trở nên rất khác biệt so với những trẻ bình thường.
Các triệu chứng của chứng tự kỷ thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời. Một số trẻ em có dấu hiệu từ khi sinh ra, nhưng một số trẻ khác dường như phát triển bình thường lúc đầu, các triệu chứng đột ngột xuất hiện khi trẻ 18-36 tháng tuổi. Mẹ nên cân nhắc xem liệu con có nguy cơ cao bị tự kỷ hay không nếu nhận thấy bé các dấu hiệu sau đây:
• Trẻ không bập bẹ âm tiết nào hoặc không tạo được điệu bộ nào. Ví dụ như: dùng tay chỉ hoặc vẫy tay, dù đã 12 tháng tuổi.
• Trẻ không tự nói được cụm từ gồm 2 chữ (không phải chỉ là lặp lại theo người khác) dù đã được 2 tuổi.
• Trẻ bị mất bất cứ kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội nào (ở bất kỳ tuổi nào).
• Không thể kết bạn và chỉ thích chơi 1 mình.
Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy con đang phát triển chậm hơn so với độ tuổi và có một trong những dấu hiệu trên.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/can-benh-tu-ki-cua-con-trai-da-thay-doi-hoan-toan-nhan-sinh-quan-cua-toi-theo-cach-khong-the-nao-ngo-duoc-20190515224814537.chn