Thủ tướng Nhật Bản: Những khác biệt về đường lối giữa ứng cử viên tiềm năng so với người tiền nhiệm

06:00' 04-09-2020
Dù có những khác biệt nhất định trong đường lối quản trị, ông Yoshihide Suga được cho là sẽ duy trì đa phần các chính sách của ông Abe nếu trở thành thủ tướng Nhật Bản.


    "Tôi muốn tiếp nối và củng cố chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe (Abenomics)", đây là thông điệp của ông Yoshihide Suga khi tham gia cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP). Chính phủ kế tiếp duy trì các chính sách của Thủ tướng Abe cũng là điều LDP mong muốn, theo Nikkei Asia.

    Nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích chính sách tài khóa, những trụ cột của Abenomics, được kỳ vọng sẽ nằm ở trung tâm chính sách kinh tế của ông Suga nếu chính trị gia 72 tuổi này trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.

    Ưu tiên thắt chặt chi tiêu ngân sách

    "Thủ tướng tiếp theo sẽ phải tiếp quản chính phủ của ông Abe, cũng như các mục tiêu ông ấy theo đuổi", Hiroyuki Hosoda, chính trị gia dẫn đầu một trong những phe phái quyền lực nhất của LDP, cho biết. Phe của Hosoda đã đứng về phía ông Suga trước thềm cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 14/9.

    Sự khác biệt lớn nhất giữa ông Abe và người kế nhiệm tiềm năng Suga có lẽ nằm ở chính sách tài khóa. Trong khi ông Abe dựa vào các cố vấn ủng hộ việc bơm dòng tiền lớn vào nền kinh tế, ông Suga không có đội ngũ những nhà kinh tế theo đuổi học thuyết tiền tệ như vậy.

    Thay vào đó, ông Suga vận dụng sự hỗ trợ của những nhân vật như Chủ tịch Suntory Holdings Takeshi Niinami, CEO của tập đoàn Konishi Decorative David Atkinson, hay Chủ tịch tập đoàn Future Yasufumi Kanemaru.

    lua chon thu tuong Nhat Ban anh 1

    Mới đây, ông Atkinson đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy năng suất lao động tại Nhật Bản, như tăng lương tối thiểu và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Ứng cử viên Suga từ lâu giữ khoảng cách với những người ủng hộ việc tăng chi tiêu ngân sách, ví dụ như Satoshi Fujii, một cựu cố vấn của Thủ tướng Abe, người kêu gọi đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm chống lại các thảm họa tự nhiên.

    Là người ưu tiên thắt chặt chi tiêu chính phủ, ông Suga có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa hơn, kết hợp chính sách tài khóa tích cực với cải cách chi tiêu công.

    Tiếp nối chính sách kinh tế

    Ông Suga có những lý do thực tế để tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe về mặt tổng thể.

    Hôm 31/8, chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng 450 điểm sau khi xuất hiện thông tin ông Suga sẽ tham gia chạy đua vị trí lãnh đạo LDP. Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư trước triển vọng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Thủ tướng Abe được duy trì nếu ông Suga là người kế nhiệm.

    Nếu Ngân hàng trung ương Nhật Bản duy trì mua vào các quỹ giao dịch hối đoái, thị trường chứng khoán sẽ được giữ ổn định.

    Giá cổ phiếu tăng mạnh sẽ tạo ra làn sóng ủng hộ đối với chính phủ mới tại Nhật Bản. Dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, Thủ tướng Abe đã lãnh đạo đảng Dân chủ tự do chiến thắng trong 6 cuộc tổng tuyển cử gần nhất.

    Ông Suga nhiều khả năng sẽ hối thúc Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo dài thỏa thuận chính sách giữa chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã có từ năm 2013.

    lua chon thu tuong Nhat Ban anh 2

    Ông Suga được cho là sẽ kế thừa phần lớn các chính sách của Thủ tướng Abe. Ảnh: AFP.

    Các cấu phần về tỷ giá hối đoái và chính sách tiền tệ trong chính sách kinh tế tổng thể của Thủ tướng Abe thậm chí có thể được củng cố hơn nữa dưới thời ông Suga.

    Trên cương vị chánh văn phòng nội các, ông Suga tập trung kiểm soát đồng yen Nhật. Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính và Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản được yêu cầu thường xuyên nhóm họp để giám sát các giao dịch có dấu hiệu đầu cơ, kiềm chế sự tăng giá của đồng yen.

    Ông Suga cũng giám sát sự thay đổi trong lịch trình điều chỉnh giá thuốc, theo đó bảng giá thuốc được điều chỉnh hàng năm, thay vì sau mỗi 2 năm, nhằm làm giảm chi tiêu y tế của các hộ gia đình.

    Hiện tại, đối phó với đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của ông Suga. Nếu ông Suga trở thành thủ tướng, chính phủ của ông nhiều khả năng sẽ theo đuổi một chính sách tài khóa chủ động bao gồm các gói kích thích kinh tế cho tới khi đại dịch được kiểm soát.

    Chiến lược tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục theo định hướng mà Thủ tướng Abe đã vạch sẵn, tuy nhiên vai trò của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong chính phủ của ông Suga có thể sẽ không rõ nét như trước.

    Không giống như Thủ tướng Abe, ông Suga là chính trị gia theo đuổi sự cân bằng và sẽ không quá phụ thuộc vào Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Điều này có thể thúc đẩy quá trình tăng lương tối thiểu, vốn bị Bộ Kinh tế phản đối với lý do tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp.

    Ông Suga nhiều khả năng sẽ đánh giá lại thẩm quyền tất cả các bộ và cơ quan chính phủ, cắt giảm các quy định hành chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

    Trong thời gian là chánh văn phòng nội các, ông Suga đã thúc đẩy cải cách tại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, ví dụ như cước điện thoại. Nếu ông Suga trở thành thủ tướng, chính phủ của ông sẽ có những biện pháp cải cách mạnh tay hơn nữa.

    Củng cố quan hệ với Mỹ

    Nhật Bản là nước đối mặt tình trạng già hóa dân số tồi tệ nhất trong nhóm các quốc gia phát triển, việc giải quyết tình trạng này đòi hỏi thủ tướng tiếp theo của đất nước Mặt Trời mọc có một chính sách toàn cầu.

    Ông Suga trước đây từng bỏ qua sự phản đối trong nội bộ đảng LDP để thực hiện chương trình thị thực mở cửa cho lao động nước ngoài tay nghề thấp. Chương trình này tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài được trả mức lương tương đương với người Nhật Bản, tạo tiền đề thu hút nhân tài từ nước ngoài.

    lua chon thu tuong Nhat Ban anh 3

    Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters.

    Nỗ lực của ông Suga trong thu hút du khách quốc tế và gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu có thể giúp củng cố quan hệ kinh tế của Nhật Bản với phần còn lại của châu Á.

    Ông Suga được cho là sẽ duy trì định hướng của chính quyền Abe trong chính sách đối ngoại, tập trung củng cố quan hệ liên minh với Mỹ. Đối với các cơ sở sản xuất của Nhật Bản ở Trung Quốc, ông Suga hồi tháng 4 cho biết cần "đa dạng hóa các cơ sở sản xuất sang nhiều quốc gia khác".

    Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản đã kích hoạt một quy định mới giới hạn các khoản đầu tư nước ngoài tại các công ty trong nước. Tokyo chia sẻ lo ngại của Washington về nguy cơ rò rỉ công nghệ vào tay Bắc Kinh.

    "Một khi Nhật Bản đã hoàn toàn vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, ông Suga có thể khởi động những cải cách lớn", Nikkei Asia bình luận.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/nhung-khac-biet-cua-ung-vien-tiem-nang-ke-nhiem-ong-abe-post1127043.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ