Trận chiến thay đổi cục diện Thế chiến II tại tỉnh Kursk năm 1944
Cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên bãi biển Normandy của Pháp ngày 6/6/1944 thường được phương Tây coi là bước ngoặt đối với mặt trận châu Âu trong Thế chiến II.
Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng thất bại của phát xít Đức thực tế đã được định sẵn từ trước đó một năm, khi hàng triệu binh lính cùng hàng nghìn xe tăng, thiết giáp của Đức và Liên Xô giao tranh tại tỉnh Kursk từ ngày 5/7 đến 23/8.
Trận chiến tại tỉnh Kursk, còn gọi là "Trận vòng cung Kursk", manh nha từ mùa xuân năm 1943. Quân đội Đức ở mặt trận phía đông khi đó vừa chịu tổn thất nặng nề sau trận Stalingrad, nơi họ đã mất gần một triệu binh sĩ mà không đạt được những mục tiêu chiến lược như chiếm thành phố nằm bên bờ sông Volga, đánh bại quân đội Liên Xô và kiểm soát các mỏ dầu ở vùng Kavkaz.
Những mỏ dầu này có thể cung cấp nhiên liệu cho chiến dịch chinh phục toàn bộ châu Âu của phát xít Đức.
Vị trí Kursk năm 1943. Đồ họa: Tank Museum
Sau trận Stalingrad, quân Đức tiếp tục bị đẩy lùi ở mặt trận phía đông. Trong nỗ lực giành lại thế chủ động, các tướng lĩnh Đức quyết định mở chiến dịch có tên Citadel nhằm cắt đứt "mỏm nhô ra" dài khoảng 240 km dọc theo chiến tuyến bắc - nam do Liên Xô kiểm soát, với trung tâm là thành phố Kursk. Moskva có hơn một triệu quân phòng thủ ở khu vực này.
Các tướng Đức muốn tấn công vào mùa xuân năm 1943, song trùm phát xít Adolf Hilter đã trì hoãn kế hoạch để có thể triển khai một số mẫu xe tăng đời mới ra mặt trận.
Peter Mansoor, giáo sư chuyên ngành lịch sử tại đại học Bang Ohio ở Mỹ, cho rằng điều này giúp Liên Xô có thêm thời gian gia cố phòng tuyến trước khi đối phương tấn công. "Rất dễ thấy rằng Đức muốn loại bỏ chỗ nhô ra này trên tiền tuyến", ông cho hay.
Để chiếm khu vực, Đức đã huy động khoảng 800.000 binh sĩ và 3.000 xe tăng. Tuy nhiên, Liên Xô cũng đã chuẩn bị lưới phòng thủ kiên cố để đối phó.
Michael Bell, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Dân chủ Jenny Craig thuộc Bảo tàng Thế chiến II Quốc gia ở Mỹ, cho biết Moskva đã xây dựng hàng loạt phòng tuyến, đào hơn 4.800 hào chống tăng, gài 400.000 quả mìn nhằm cản bước đối phương. Họ cũng bố trí 40% nhân lực, 75% thiết giáp của mặt trận phía đông cho lực lượng bảo vệ Kursk và dự bị phía sau.
Tổ súng máy Liên Xô trong trận chiến tại vùng Kursk năm 1943. Ảnh: Wikimedia
Các xe tăng mới của Đức được đánh giá là có nhiều ưu điểm so với khí tài của Liên Xô, nhưng Moskva lại có lợi thế về quân số. Theo một số thống kê, Liên Xô ước tính đã huy động hơn hai triệu quân nhân và 7.000 xe tăng cho trận vòng cung Kursk.
Lợi thế về quân số còn nghiêng hơn nữa về phía Liên Xô sau khi quân Đồng minh ngày 9/7/1943 đổ bộ xuống đảo Sicily của Italy và mở thêm mặt trận mới, buộc Hitler điều động bớt binh lực từ phía đông sang Italy để phòng thủ.
Lực lượng còn lại của Đức không thể xuyên phá được phòng tuyến đối phương. Họ không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí chưa bao giờ xâm nhập được vào khu vực hậu phương Liên Xô. Quân đội Đức hứng chịu tổn thất rất lớn, lên tới 200.000 người và 1.000 xe tăng. "Họ không bao giờ đủ sức tập hợp lực lượng với quy mô như trận đánh này kể từ sau đó", Bell cho biết.
Xe tăng Đức bị phá hủy tại tỉnh Kursk năm 1943. Ảnh: Wikimedia
Theo chuyên gia Mansoor, lực lượng thiết giáp dự bị của Đức đã bị tiêu diệt trong trận chiến ở tỉnh Kursk, khiến Berlin không thể phòng thủ thành công tại mặt trận phía đông trong giai đoạn còn lại của Thế chiến II. "Họ đã mất đi lực lượng tinh nhuệ hàng đầu trong các quân đoàn thiết giáp và không còn khả năng bù đắp tổn thất về nhân lực", ông nhấn mạnh.
"Với chiến thắng ở đây, Liên Xô đã giành được quyền chủ động tại mặt trận phía đông và tiếp tục nắm lợi thế cho đến khi kết thúc Thế chiến II", Bell nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tran-chien-thay-doi-cuc-dien-the-chien-ii-tai-tinh-kursk-nam-1944-4786557.html