Thói quen xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ mà nhiều người mắc phải
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể, khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi đâu là thủ phạm làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Sự thật là lối sống có thể ảnh hưởng đến khả năng bị đột quỵ. Để giảm nguy cơ đột quỵ, bác sĩ có thể khuyến cáo một số thay đổi trong lối sống. Tin tốt là các thói quen tốt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Vì thế nên thay đổi không bao giờ là muộn.
Tương tự, một số thói quen xấu có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Và một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng một thói quen ăn tối có thể khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng.
I. Nghiên cứu mới về thói quen ăn tối làm tăng nguy cơ đột quỵ
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nutrients đã xem xét mối liên hệ giữa thời gian ăn tối và nguy cơ bị đột quỵ, báo The Sun đưa tin.
Những người tham gia nghiên cứu được chia thành ba nhóm - nhóm ăn tối sớm (trước 8 giờ tối), nhóm ăn tối giờ giấc thất thường và nhóm ăn tối muộn (sau 8 giờ tối).
Nghiên cứu mới xem xét mối liên hệ giữa thời gian ăn tối và nguy cơ bị đột quỵ. (Ảnh minh họa)
Kết quả cho thấy những người ăn tối giờ giấc thất thường có nguy cơ tử vong do đột quỵ chảy máu não cao hơn. (Đột quỵ chảy máu não xảy ra khi một mạch máu bên trong hộp sọ vỡ ra và chảy máu vào não).
Trong xã hội hiện đại, có lẽ ăn tối giờ giấc thất thường là thói quen vô cùng phổ biến. Vào những ngày bận rộn vì phải làm quá giờ, ăn tối muộn đôi khi không thể tránh khỏi, đặc biệt là với dân văn phòng. Tuy nhiên, sau nghiên cứu này, có lẽ dân văn phòng hay ăn uống thất thường sẽ muốn thay đổi thói quen này của mình.
Các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Nutrients: "Chúng tôi phát hiện ra rằng việc ăn tối giờ giấc thất thường có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ chảy máu não so với việc ăn tối trước 8 giờ tối".
"Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu mối liên hệ giữa thời gian ăn tối và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch".
"Trong nghiên cứu rộng lớn này, sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, thời gian ăn tối thất thường có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ chảy máu so với những người ăn tối sớm".
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng béo phì cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn. Nhưng tại Anh, cứ bốn người bị đột quỵ thì có một người dưới 55 tuổi, vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết các dấu hiệu nhận biết đột quỵ ngay cả khi còn trẻ.
Thời gian rất quan trọng với người bị đột quỵ. Do đó, việc nắm bắt dấu hiệu đột quỵ là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)
II. Dấu hiệu đột quỵ
Quy tắc FAST - viết tắt của Face, Arms, Speech, Time - là cách dễ nhất để ghi nhớ các dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ:
F = Face: Nếu một người có nửa khuôn mặt bị xệ xuống hoặc tê liệt thì hãy yêu cầu họ mỉm cười, nếu nụ cười không đồng đều thì bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ cho họ.
A = Arms: Nếu một người có cánh tay bị yếu hoặc tê thì bạn nên yêu cầu người đó nâng cả hai cánh tay lên. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì họ có thể cần được trợ giúp.
S = Speech: Nếu một người bị nói nhịu, nói ngọng bất thường thì đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
T = Thời gian: Nếu một người có các dấu hiệu trên thì bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Nếu một người có các dấu hiệu của đột quỵ thì bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức. (Ảnh minh họa)
Ngoài các dấu hiệu phổ biến trên, có những dấu hiệu khác bạn cần cảnh giác:
- Yếu hoặc tê đột ngột ở một bên cơ thể, bao gồm cả chân, tay.
- Không thể nói thành câu rõ ràng, khó khăn khi tìm từ để diễn đạt.
- Nhìn mờ đột ngột hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Mất trí nhớ đột ngột hoặc lú lẫn, chóng mặt hoặc ngã đột ngột.
- Đau đầu đột ngột, dữ dội.
Gọi cấp cứu sớm là rất quan trọng vì đột quỵ có thể gây ra những ảnh hưởng kéo dài nếu không được điều trị kịp thời.
III. 5 yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, theo CDC Mỹ
Ngoài ăn tối giờ giấc thất thường, có những thói quen, lối sống khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Dưới đây là 5 yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Ngoài ăn tối giờ giấc thất thường, có những thói quen, lối sống khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. (Ảnh minh họa)
1. Chế độ ăn không lành mạnh
Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol đã được chứng mình là có mối liên hệ với đột quỵ và các bệnh liên quan, chẳng hạn như bệnh tim. Ngoài ra, bổ sung quá nhiều muối (natri) trong chế độ ăn cũng có thể làm tăng huyết áp.
2. Thiếu hoạt động thể chất
Thiếu hoạt động thể chất có khả năng dẫn đến các bệnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những bệnh này bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
3. Béo phì
Béo phì có liên quan đến tăng mức cholesterol "xấu", tăng mức chất béo trung tính (triglyceride) và giảm cholesterol "tốt". Béo phì cũng có thể dẫn đến huyết áp cao và tiểu đường.
4. Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ. Thói quen này cũng làm tăng mức độ chất béo trung tính (triglyceride) - một dạng chất béo trong máu có thể làm cứng động mạch.
- Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày.
- Nam giới không nên uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày.
5. Hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hút thuốc lá có thể tàn phá trái tim và mạch máu, qua đó tăng nguy cơ đột quỵ.
Chất nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và carbon monoxide từ khói thuốc làm giảm lượng oxy mà máu có thể vận chuyển. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, hít khói thuốc của người khác cũng có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ hơn.
IV. Phòng ngừa đột quỵ
Bạn có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh và kiểm soát bệnh nền (nếu có).
1. Lối sống lành mạnh
- Chọn thực phẩm và đồ uống lành mạnh
+ Các bữa ăn lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa đột quỵ. Hãy ăn nhiều trái cây tươi và rau quả.
+ Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và ăn thực phẩm nhiều chất xơ có thể giúp ngăn ngừa cholesterol cao. Hạn chế muối (natri) trong chế độ ăn cũng có thể làm giảm huyết áp. Cholesterol cao và huyết áp cao làm tăng khả năng bị đột quỵ.
- Giữ cân nặng hợp lý
Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để xác định xem cân nặng của bạn có nằm trong ngưỡng khỏe mạnh hay không, các bác sĩ thường tính chỉ số khối cơ thể (BMI), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét).
- Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và giảm cholesterol và huyết áp. Đối với người trưởng thành, bác sĩ khuyến nghị 2 giờ 30 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải mỗi tuần, chẳng hạn như đi bộ nhanh. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất 1 giờ mỗi ngày.
- Đừng hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu hút. Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ có thể đề xuất những cách giúp bạn bỏ thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia
Tránh uống quá nhiều rượu vì rượu bia có thể làm tăng huyết áp của bạn. Nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly mỗi ngày.
Các bữa ăn lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa đột quỵ. Hãy ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, theo khuyến cáo của CDC Mỹ. (Ảnh minh họa)
2. Kiểm soát bệnh nền (nếu có)
Nếu bạn bị bệnh tim, cholesterol cao, huyết áp cao hoặc tiểu đường, bạn có thể cần lưu ý kiểm soát bệnh để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm tra cholesterol
Bạn nên kiểm tra cholesterol của mình ít nhất 5 năm một lần. Nói chuyện với bác sĩ về xét nghiệm máu đơn giản này. Nếu bạn có cholesterol cao, việc uống thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao thường không có triệu chứng, vì vậy hãy nhớ kiểm tra huyết áp một cách thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ về tần suất bạn nên kiểm tra huyết áp. Bạn có thể kiểm tra huyết áp của mình tại nhà, tại phòng khám của bác sĩ hoặc tại hiệu thuốc.
Nếu bạn bị huyết áp cao, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, đề xuất một số thay đổi trong lối sống hoặc khuyên bạn chọn thực phẩm có hàm lượng natri (muối) thấp hơn.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường
Nếu bác sĩ cho rằng bạn có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, họ có thể khuyên bạn nên đi xét nghiệm. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi lối sống, chẳng hạn như hoạt động thể chất nhiều hơn hoặc chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Những hành động này sẽ giúp giữ cho lượng đường trong máu của bạn được kiểm soát tốt và giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Điều trị bệnh tim
Nếu bạn mắc bệnh tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành hoặc rung nhĩ (nhịp tim không đều), các bác sĩ có thể đề nghị điều trị hoặc phẫu thuật. Chăm sóc các vấn đề về tim có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ.
- Uống thuốc đầy đủ
Nếu bạn dùng thuốc để điều trị bệnh tim, cholesterol cao, huyết áp cao hoặc tiểu đường, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận. Luôn đặt câu hỏi nếu bạn không hiểu điều gì đó. Không bao giờ ngừng dùng thuốc mà không nói chuyện trước với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/thoi-quen-xau-lam-tang-nguy-co-dot-quy-chet-nguoi-nhieu-nguoi-mac-ma-khong-biet-tac-hai-20220525115936832.chn