Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức đối diện thách thức từ xung đột Ukraine

22:00' 19-01-2023
Là chính trị gia kỳ cựu nhưng ít tiếng tăm, ông Boris Pistorius đối mặt bài toán khó đầu tiên là vấn đề Ukraine sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Đức.


    Boris Pistorius, 62 tuổi, ngày 17/1 được Thủ tướng Olaf Scholz bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức, thay thế bà Christine Lambrecht, người từ chức hồi đầu tuần.

    Ông từng là lãnh đạo cơ quan nội vụ bang Hạ Saxony, tây bắc Đức, từ năm 2013 và từng trong quân ngũ giai đoạn 1980-1981.

    Nhiệm vụ lớn đầu tiên mà ông Pistorius phải đối mặt sau khi nhậm chức là vấn đề hỗ trợ Ukraine, khi các quan chức quốc phòng phương Tây dự kiến gặp nhau tại căn cứ Ramstein của quân đội Mỹ ở tây nam Đức vào ngày 20/1 để thảo luận về cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho Ukraine.

    Đức đến nay vẫn rất thận trọng trong việc phê duyệt gói hỗ trợ xe tăng hạng nặng Leopard cho Ukraine, do lo ngại quyết định này có thể dẫn tới leo thang xung đột. Các quốc gia khác sở hữu xe tăng Leopard phải được Đức chấp thuận trước khi quyết định gửi chúng cho Ukraine.

    Pistorius, thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Thủ tướng Scholz, được coi là một nhà hoạch định chính sách sắc bén và thẳng thắn. Tuy nhiên, việc ông được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã gây nhiều bất ngờ, bởi ông ít được biết đến cả ở Đức và trên thế giới.

    Ông Boris Pistorius tại một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, ngày 11/12/2020. Ảnh: AFP

    Ông Boris Pistorius tại một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, ngày 11/12/2020. Ảnh: AFP

    Sau khi bà Lambrecht từ chức, Thủ tướng Đức đã chịu áp lực từ trong chính SDP để bổ nhiệm một phụ nữ vào nội các, nhằm hiện thực hóa cam kết trước bầu cử rằng chính phủ của ông có sự cân bằng về giới. Trong khi đó, Hiệp hội Lực lượng Vũ trang Đức và Hiệp hội Quân dự bị kêu gọi ông Scholz chọn ứng viên có "năng lực lãnh đạo tốt nhất".

    Giới quan sát cho rằng ông Pistorius được chọn vì đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực hỗ trợ Ukraine và ông sẽ lập tức phải đối mặt với vấn đề này trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

    "Đây sẽ là câu hỏi đầu tiên mà người được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng phải quyết định", Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó thủ tướng Đức Robert Habeck phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, thêm rằng quyết định quan trọng đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức sẽ liên quan tới vấn đề chuyển xe tăng cho Ukraine.

    Trong các cuộc thảo luận tại Davos với Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko, ông Habeck được cho đã cam kết tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Ukraine, trong đó có chuyển thêm nhiều vũ khí cho Kiev. Klitschko viết trên Telegram rằng "những quyết định tích cực" đã được đưa ra trong cuộc họp và "tin tốt" sắp được thông báo.

    Trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, ông Pistorius sẽ lập tức bị cuốn vào cuộc tranh luận xung quanh lời hứa về "thay đổi lớn" của Thủ tướng Scholz trong chính sách quốc phòng sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Ông Scholz đã cam kết đưa Đức trở thành một lực lượng quan trọng trong an ninh châu Âu.

    Những người chỉ trích cho rằng tốc độ cải cách của quân đội Đức diễn ra quá chậm, đồng thời cáo buộc chính phủ của ông Scholz tụt hậu so với các đồng minh trong nỗ lực ủng hộ Kiev. Berlin bác bỏ cáo buộc này.

    "Bộ trưởng Quốc phòng là công việc cực kỳ thách thức. Bạn phải làm việc với giới lãnh đạo quân sự, với các đồng minh NATO của Đức và tất nhiên với cả các bên khác trong liên minh", Uwe Jun, chuyên gia tại Đại học Trier ở Đức, nói. "Nếu có vấn đề xảy ra chỉ với một trong những điều này, bạn sẽ thất bại".

    Chỉ vài tuần trước, Berlin đã công bố kế hoạch cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder và hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. "Nhưng việc gửi xe tăng Leopard 2 là cơ hội để Berlin xua tan mọi nghi ngờ còn lại về độ tin cậy của Đức. Đây được xem là cơ hội cuối để Berlin sửa chữa những sai lầm trước đây", Roman Goncharenko, nhà phân tích của báo Đức DW, nhận định.

    Xe chiến đấu bộ binh Marder tham gia tập trận tại Munster, Đức hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters.

    Xe chiến đấu bộ binh Marder tham gia tập trận tại Munster, Đức hồi tháng 9/2018. Ảnh: Reuters.

    Pistorius từ lâu được cho có tham vọng chính trị lớn. Ông từng vận động tranh cử để trở thành lãnh đạo SDP và được coi là ứng viên Bộ trưởng Nội vụ tiềm năng trong chính phủ liên bang, khi ông Scholz thành lập chính quyền mới vào cuối năm 2022.

    Nhiều cộng sự của Pistorius mô tả ông là chuyên gia hiểu biết về an ninh trong nước. Tiểu sử của Pistorius cho thấy ông từng thực hiện nghĩa vụ quân sự vào đầu những năm 1980.

    Đức bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 2011. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, dư luận nước này bắt đầu tranh cãi về việc có nên khôi phục chính sách nghĩa vụ quân sự hay không và Bộ trưởng Pistorius nhiều khả năng sẽ sớm đối mặt với điều này.

    Pistorius được kỳ vọng sẽ cho thấy sự nhanh nhạy trong việc mua sắm vũ khí, trang bị mới cho quân đội Đức và giải quyết các vấn đề tồn đọng từ lâu. Ông cũng sẽ phải giám sát việc rút binh sĩ Đức đồn trú ở Mali, dự kiến diễn ra vào năm tới, điều mà nhiều người lo ngại có thể tạo ra khoảng trống quyền lực nguy hiểm trong khu vực.

    "Bộ Quốc phòng luôn là thách thức lớn, ngay cả trong thời bình và đặc biệt khi Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất nhiên tôi hiểu rõ trách nhiệm và ý nghĩa to lớn của vị trí này", ông nói khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/xung-dot-ukraine-thu-thach-tan-bo-truong-quoc-phong-duc-4561362.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ