Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không hứng thú làm cha mẹ
Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - đã đạt tới thời điểm quan trọng: Dân số bắt đầu giảm, sau khi tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm. Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết trong năm 2022, 9,56 triệu em bé được sinh ra, trong khi 10,41 triệu người qua đời.
Theo New York Times, đây là lần đầu tiên từ những năm 1960 Trung Quốc chứng kiến số ca sinh ít hơn số ca tử vong. Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cố gắng trì hoãn thời điểm này, nới lỏng chính sách một con và đưa ra các biện pháp khuyến sinh.
Giờ đây, khi đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, cùng với tuổi thọ tăng, Trung Quốc đang trên đà gặp thách thức nhân khẩu học với những hệ lụy kinh tế không chỉ tác động tới riêng Bắc Kinh mà còn với cả thế giới.
Không hứng thú làm cha mẹ
Suốt 4 thập niên qua, Trung Quốc nổi lên như cường quốc kinh tế và là công xưởng thế giới. Quá trình phát triển đất nước giúp tăng tuổi thọ, phần nào tác động tới tình hình suy giảm dân số hiện nay khi nhiều người sống lâu hơn nhưng số trẻ em sinh ra ít đi.
Xu hướng này đẩy nhanh vấn đề đáng lo ngại khác: Trung Quốc không có đủ người trong độ tuổi lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Về lâu dài, chúng ta sẽ chứng kiến một Trung Quốc mà thế giới chưa từng thấy”, Wang Feng - giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc - cho biết. “Sẽ không còn là Trung Quốc có dân số trẻ, năng động. Chúng ta sẽ bắt đầu nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia già hóa và dân số giảm”.
Dù chính phủ đưa ra nhiều khoản trợ cấp, nhiều người trẻ Trung Quốc vẫn không muốn có con.
“Tôi không thể gánh nổi trách nhiệm khi có thêm một sinh linh”, Luna Zhu - 28 tuổi, sống cùng chồng ở Bắc Kinh - nói. Bố mẹ của cả hai sẵn sàng chăm sóc cháu, và chị làm việc trong doanh nghiệp nhà nước có chế độ thai sản tốt. Dù vậy, Zhu không hứng thú với việc làm mẹ.
Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc quyết định không có con. Ảnh: New York Times. |
Tỷ lệ sinh trên toàn Trung Quốc chạm mức 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022, giảm từ 7,52 vào năm 2021. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1949, South China Morning Post đưa tin. Tổng dân số Trung Quốc hiện ước tính ở mức 1,41 tỷ người. Đến năm 2035, 400 triệu người Trung Quốc dự kiến trên 60 tuổi, chiếm gần 1/3 dân số nước này.
Tình trạng thiếu lao động đi kèm già hóa dân số cũng sẽ làm giảm doanh thu thuế, thêm áp lực cho hệ thống lương hưu.
Xu hướng khó đảo ngược?
Thời điểm nhân khẩu học lịch sử này không nằm ngoài dự đoán. Năm 2021, các quan chức thừa nhận Trung Quốc đang đứng trước khả năng suy giảm dân số, có thể sẽ bắt đầu trước năm 2025. Tuy nhiên, điều này đến sớm hơn dự đoán của các nhà nhân khẩu học, nhà thống kê và chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc đi theo quỹ đạo quen thuộc của nhiều nước đang phát triển khi nền kinh tế ngày càng hùng mạnh: Tỷ lệ sinh giảm khi thu nhập và trình độ học vấn tăng. Khi chất lượng cuộc sống được cải thiện, con người sống lâu hơn.
“Đây là tình huống mà các nhà kinh tế học mơ ước”, Philip O’Keefe - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Già hóa châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Già hóa Dân số ARC - cho biết.
Tuy nhiên, nước này lại rút ngắn thời gian chuẩn bị cho thời điểm này khi chậm nới lỏng các biện pháp hạn chế sinh đẻ, trong lúc đất nước ngày càng giàu có, theo ông O’Keefe.
Những năm gần đây, các quan chức thực hiện một số bước đi nhằm làm chậm xu hướng giảm số ca sinh. Năm 2016, họ nới lỏng chính sách “một con” tồn tại suốt ba thập niên, cho phép các gia đình có hai con.
Năm 2021, giới hạn trên được nâng lên mức 3 con. Kể từ đó, Bắc Kinh đưa ra nhiều ưu đãi cho các cặp vợ chồng và gia đình nhỏ nhằm khuyến sinh, như hỗ trợ tiền mặt, cắt giảm thuế,...
Zheng Mu - phó giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore, người nghiên cứu về khả năng sinh sản ở Trung Quốc - cho biết những biện pháp này chưa thể làm ổn định tỷ lệ sinh đang giảm hoặc thay đổi kỳ vọng truyền thống về vai trò của phụ nữ.
“Khi nhắc tới chăm sóc và giáo dục trẻ em, hầu hết đều kỳ vọng phụ nữ sẽ làm công việc này”, bà Mu nói.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học không chỉ tác động tới Trung Quốc và nền kinh tế nước này mà còn với cả thế giới. Ảnh: New York Times. |
Trung Quốc gần đây ưu tiên những thách thức về nhân khẩu học của đất nước, cam kết đưa ra “hệ thống chính sách quốc gia tăng tỷ lệ sinh”.
Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dưới mức sinh thay thế cần thiết để dân số tăng trưởng. Con số này đòi hỏi trung bình mỗi cặp vợ chồng có hai con.
Giáo sư O’Keefe cho biết tạm thời trong giai đoạn này, sẽ rất khó đảo ngược xu thế dân số Trung Quốc suy giảm: “Tôi không nghĩ có quốc gia nào có tỷ lệ sinh thấp như Trung Quốc và sau đó quay trở lại mức sinh thay thế”.
Nhiều người trẻ tuổi chỉ ra vấn đề khi chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng vào thời điểm kinh tế gặp nhiều thách thức.
Cùng ngày 17/1, dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,0% vào năm 2022, AFP đưa tin. Đây là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong 40 năm ở Trung Quốc, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19 và bất ổn của thị trường bất động sản.
Chi phí nuôi con ngày càng tăng, khó khăn khi tìm kiếm căn hộ trong khu học chánh tốt, cùng gánh nặng vừa chăm con nhỏ vừa chăm cha mẹ và ông bà đều là các lý do cản bước nhiều người trẻ sinh con.
Rachel Zhang - nhiếp ảnh gia 33 tuổi ở Bắc Kinh - đã quyết định không có con. 2 vợ chồng chị áp dụng lối sống “chọn thu nhập gấp đôi, không chọn có con”.
“Tôi chắc chắn về điều này”, chị Zhang nói. “Tôi chưa bao giờ có mong muốn có con trong suốt thời gian qua”.
CherryHill – mang niềm vui đến cho cả gia đình
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/thoi-khac-khong-duoc-mong-doi-o-trung-quoc-post1394741.html