Những bong bóng tài sản nổi tiếng từ trước đến nay
Bong bóng hoa tulip
Thế kỷ 16, hoa tulip lần đầu tiên được giới thiệu vào các nước Tây Âu. Người dân Tây Âu khi ấy rất ấn tượng với màu sắc sặc sỡ của loại hoa này. Cuối cùng, chính người Hà Lan đã nâng hoạt động kinh doanh hoa tulip lên một tầm cao mới. Câu chuyện của thời kỳ này đã được nhà văn của thế kỷ 19, ông Charles Mackay, nói đến trong cuốn sách có tựa đề tạm dịch "Những ảo tưởng phổ biến và sự điên rồ của đám đông".
Từ thế kỷ 17, người Hà Lan đã vô cùng giỏi về các kiến thức, kinh nghiệm về thị trường và thương mại. Hà Lan đã có thị trường chứng khoán hoạt động từ năm 1602, công ty Đông Ấn Hà Lan ở thời điểm đó đã kinh doanh trái phiếu và cổ phiếu.
Nguồn cung hoa tulip hạn chế cũng như việc người tiêu dùng quá yêu thích loại hoa tulip có màu hiếm khiến cho giá hoa tulip tăng chóng mặt. Đã có lúc, chỉ riêng một bông hoa tulip có thể đổi được rất nhiều loại mặt hàng khác nhau như vật nuôi, lợn hoặc cừu. Bong bóng trên thị trường hoa tulip lập đỉnh vào năm 1636-1637 rồi sau đó xì hơi dần khiến cho nhiều nhà đầu tư thiệt hại tài chính nặng nề.
Câu chuyện về công ty Biển Nam (the South Sea Company)
Thập niên 1700, Chính phủ Anh cho phép công ty Biển Nam (the South Sea Company) quyền thương mại với các nước khu vực Nam Mỹ và nhiều nơi khác sau khi công ty này cho chính phủ Anh vay hàng triệu bảng trong chiến tranh.
Bức tranh sơn dầu của họa sỹ Edward Matthew Ward vào năm 1847 nói về sự điên rồ dẫn đến đỉnh cao rồi sụp đổ của thị trường chứng khoán Anh năm 1720. Ảnh: Alamy.
Công ty thương mại này được thành lập trong bối cảnh tình hình tài chính của Anh đang khó khăn nghiêm trọng do hai cuộc đại chiến trước đó. Cổ phiếu của công ty lập tức tăng trưởng ấn tượng. Công ty này tuy mang danh công ty thương mại nhưng có chức năng rất quan trọng là mua bán trái phiếu chính phủ.
Công ty Biển Nam được IPO dựa trên việc huy động chủ nợ của chính phủ trên thị trường đổi lượng trái phiếu trị giá nhiều triệu bảng của họ để lấy cổ phần của công ty Biển Nam. Cổ đông của Biển Nam được nhận mức cổ tức 5%. Cổ phiếu của Biển Nam tăng đột biến lên gấp 10 lần giá trị thực của nó, nhu cầu đối với cổ phiếu của công ty tăng chóng mặt, đồng thời kéo theo cổ phiếu của rất nhiều công ty khác.
Chính phủ Anh sau đó đã can thiệp, thông qua "Luật bong bóng". Luật này ngăn chặn việc thành lập doanh nghiệp mà không có sự chấp thuận của chính phủ, đồng thời hạn chế những doanh nghiệp hiện tại trong mảng hoạt động mà họ đang được cho phép. Cổ phiếu của các doanh nghiệp mới sụp đổ và cổ phiếu công ty Biển Nam cũng không tránh khỏi kịch bản này. Nhà đầu tư trên khắp nước Anh, từ người giàu đến người nghèo, đều mất tiền.
Bong bóng tài sản thập niên 1980 tại Nhật
Thị trưởng thành phố Edward Koch và thị trưởng thành phố Tokyo Shunichi Suzuki cùng khai trương biển tên phố "New York" tại khu Ginza – Tokyo vào năm 1985. Ảnh: AP.
Thập niên 1980 tại Nhật chứng kiến cùng lúc nhiều diễn biến ấn tượng của nền kinh tế, có thể kể đến việc tăng trưởng kinh tế cao, chi phí lãi vay thấp và thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng. Nhiều doanh nghiệp có thể dễ dàng vay các khoản vay lãi suất thấp, đồng thời cũng huy động được tiền khá thuận lợi từ thị trường chứng khoán và dành khoản tiền có được vào hoạt động đầu cơ.
Cùng lúc, giá đất tại Nhật tăng nhanh chóng. Hoạt động đầu cơ lên quá cao kết hợp với nguồn cung đất hạn chế đã đẩy giá bất động sản tại Nhật tăng mạnh. Khoảnh đất khoảng 3 m2 tại khu mua sắm sang trọng Ginza ở Tokyo bị đẩy giá lên hơn 200.000 USD. Đã có lúc, đất ở khu Hoàng Cung Tokyo thậm chí còn đắt hơn cả toàn bộ đất tại bang Florida – Mỹ.
Khi mà cả giá cổ phiếu cũng như giá bất động sản cùng tăng, chính phủ Nhật không khỏi lo ngại và quyết định nâng lãi suất. Cuối cùng, bong bóng giá tài sản vỡ và dẫn đến "thập kỷ mất mát".
Bong bóng dot-com
Thông thường, công nghệ mới hay thu hút sự quan tâm của công chúng. Bong bóng dot-com tại Mỹ cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư lên quá cao có thể dẫn đến trường hợp sụp đổ. Cuối thập niên 1990, nhiều công ty mới kinh doanh dựa vào mạng Internet và huy động được lượng tiền lớn từ nhà đầu tư dù họ không có báo cáo lợi nhuận hoặc công khai được mô hình kinh doanh rõ ràng.
Ngay cả Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Alan Greenspan, đã cảnh báo về những hành vi thái quá trên thị trường, nhà đầu tư vẫn tiếp tục mua vào. Nhiều người mạo hiểm đổ tiền vào cả những công ty có hoạt động kinh doanh rất kém như Pets.com, Webvan và eToys với hy vọng cuối cùng khoản đầu tư sẽ đẻ ra tiền.
Tháng 3/2000, chỉ số Nasdaq chạm mức cao kỷ lục, thế nhưng rồi nhà đầu tư bắt đầu rút tiền. Fed nâng lãi suất, hoạt động kinh doanh của nhiều công ty dot-com từng có thời bùng nổ đi xuống nghiêm trọng. Đến giữa năm 2002, chỉ số Nasdaq giảm khoảng 75% so với mức đỉnh thiết lập trước đó khoảng hơn 1 năm.
Bong bóng thú nhồi bông Beanie Baby
Những mẫu thú nhồi bông bán chạy nhất của Beanie Babies từng được bán với giá 5.000 USD. Ảnh: Quartz.
Cùng khoảng thời gian nước Mỹ trải qua bong bóng dot-com, ở khắp các cửa hàng đồ chơi, người ta chứng kiến một cơn cuồng loạn khác. Ty Warner khi đó đã tiếp thị bộ sưu tập Beanie Baby với nhiều nhân vật, tuy nhiên lại không bán ra số lượng không hạn chế mà cố tình tạo khan hiếm ảo. Nhiều người đến xếp hàng tại các cửa hàng đồ chơi mua các con thú nhồi bông thuộc bộ sưu tập này và rồi bán lại trên eBay.
Sự điên rồ đã lên đến đỉnh điểm khi mà con thú nhồi bông được ưa chuộng nhất trong bộ sưu tập sau khi được bán với giá chỉ 5 USD tại cửa hàng đã được bán lại trên website với giá chỉ 5.000 USD. Khi mà sự cuồng loạn của đám đông và nguồn cung tăng lên, bong bóng giá loại búp bê này sụt giảm. Đến năm 1999, doanh số bán của thú nhồi bông Beanie Bay giảm đến 90%.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-bong-bong-tai-san-noi-tieng-trong-lich-su-4233298.html