Vụ kiện hé lộ thảm cảnh của nữ thực tập sinh Campuchia ở Nhật

14:08' 23-12-2024
Một nữ thực tập sinh Campuchia 23 tuổi đến Nhật sau lời hứa hẹn về tương lai tươi sáng, nhưng nhanh chóng mắc kẹt trong cơn ác mộng.


    Cô gái ngoài 20 tuổi giấu tên này được nhận vào làm việc tại một trang trại dâu tây ở tỉnh Togichi, Nhật Bản theo diện thực tập sinh kỹ năng. Hồi đầu tuần, cô đệ đơn kiện lên tòa án Tokyo, cáo buộc quản lý trang trại cưỡng hiếp cô "gần như mỗi ngày" từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023.

    Cô gái sau đó mang bầu và bị buộc phải phá thai sau lời đe dọa nếu không làm theo sẽ bị trục xuất. Nhưng quản lý trang trại 58 tuổi sau đó vẫn tiếp tục hành vi lạm dụng, theo đơn kiện của cô.

    Người quản lý phủ nhận cáo buộc, cho rằng hành động của ông ta "có sự đồng thuận" từ nữ thực tập sinh. Tuy nhiên, hai nữ thực tập sinh Campuchia khác làm việc ở trang trại cũng đã lên tiếng và tham gia vụ kiện, cáo buộc quản lý trang trại có hành vi lạm dụng tình dục.

    Họ cũng cho biết người quản lý này đã ép họ phải tăng ca nhiều giờ mà không trả tiền trong giai đoạn 2022-2023.

    Các nhà hoạt động cho biết trường hợp của các cô gái Campuchia chỉ là ví dụ mới nhất trong một hệ thống thực tập sinh có nhiều sai sót nghiêm trọng ở Nhật, khiến lao động nước ngoài có nguy cơ cao rơi vào vòng xoáy bóc lột.

    Khi ngày càng nhiều nạn nhân lên tiếng, chương trình thực tập sinh liên tục hứng chỉ trích vì ưu tiên lợi nhuận hơn phẩm giá, an toàn của người lao động.

    Hai thực tập sinh làm việc trong nhà máy ôtô ở Hiroshima, Nhật Bản, năm 2018. Ảnh: Reuters

    Hai thực tập sinh làm việc trong nhà máy ôtô ở Hiroshima, Nhật Bản, năm 2018. Ảnh: Reuters

    Nhật Bản thành lập Chương trình Thực tập sinh Kỹ năng năm 1993, nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình bị chỉ trích là chế độ "lao động nô lệ thời hiện đại", tạo bình phong cho các công ty Nhật tuyển dụng lao động giá rẻ từ khắp châu Á.

    Nhiều công ty bị phát hiện trả lương thấp cho thực tập sinh, buộc họ làm thêm giờ không công, bố trí chỗ ở tồi tàn, kém chất lượng.

    Theo giới quan sát, nghiêm trọng nhất là các quy định hạn chế visa, ràng buộc thực tập sinh với một bên sử dụng lao động duy nhất, khiến họ không thể đổi chỗ làm nếu bị ngược đãi, đối xử bất công. Thực tập sinh nước ngoài cũng phải nợ hàng nghìn USD chi phí ban đầu để đến Nhật.

    "Họ không được coi là con người mà là công cụ lao động. Hầu như toàn bộ phụ nữ đến Nhật theo diện thực tập sinh đều bị quấy rối tình dục tại một thời điểm nào đó", Ippei Torri, nhà hoạt động Nhật Bản vì quyền lợi của thực tập sinh nước ngoài, nói.

    Tỷ lệ tử vong liên quan đến công việc của thực tập sinh nước ngoài cao gấp đôi so với lao động Nhật Bản. Năm 2023, nước này ghi nhận kỷ lục 9.753 thực tập sinh bỏ trốn khỏi công ty sử dụng lao động.

    "Chúng tôi tự hỏi công chúng sẽ phản ứng ra sao nếu chính phủ Nhật Bản làm điều tương tự với lao động Nhật Bản. Họ triển khai chương trình 'đào tạo' này để tiếp cận nguồn lao động giá rẻ, đồng thời thực thi các hạn chế tùy tiện đối với thực tập sinh", Teppei Kasai, quan chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Nhật Bản, nói.

    Nữ thực tập sinh 23 tuổi người Campuchia đã quyết định khởi kiện sau khi cảnh sát khuyên cô không nên tố cáo quản lý trang trại do thiếu bằng chứng, dù cô đã khai chi tiết và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).

    Quyết định theo đuổi các động thái pháp lý của cô nhận nhiều lời ca ngợi, được kỳ vọng truyền cảm hứng cho các nạn nhân khác lên tiếng.

    "Họ cần phải lên tiếng, bằng cách đó, họ có thể tạo ra tiền lệ, trong đó thực tập sinh nước ngoài có quyền nói: 'Không'", ông Torii nói.

    Nhật Bản đã tuyên bố hủy bỏ Chương trình Thực tập sinh, đổi thành Chương trình Việc làm để Phát triển Kỹ năng (Ikuseishuro), đề xuất nhiều hứa hẹn cải thiện quyền lợi, môi trường làm việc, thù lao, tạo cơ chế chia sẻ chi phí xuất cảnh cho thực tập sinh nước ngoài, cho phép họ đổi bên sử dụng lao động.

    Tuy nhiên, chính phủ Nhật đến nay chưa công bố thay đổi nào chính thức, cho biết các đề xuất trên sẽ tiếp tục được xây dựng cho đến khi chương trình mới bắt đầu vào năm 2027. Giới quan sát cho rằng những thay đổi này khó đem lại nhiều ý nghĩa.

    "Mọi thứ sẽ tiếp tục như hiện tại cho đến năm 2027. Chế độ mới thoạt nghe khác về vẻ bề ngoài, nhưng cốt lõi vẫn không thay đổi, chỉ nhằm đảm bảo các công ty Nhật có đủ nhân công", ông Torii cảnh báo.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/vu-kien-he-lo-tham-canh-cua-nu-thuc-tap-sinh-campuchia-o-nhat-4830137.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ