Lý do Mỹ cấm vận vũ khí Campuchia

20:00' 14-12-2021
Lệnh cấm vận vũ khí Campuchia cho thấy Mỹ đang ngày càng lo ngại xu hướng Phnom Penh xích lại gần hơn với Bắc Kinh, xa rời Washington.


    Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12 áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Campuchia do những quan ngại về "nhân quyền và tham nhũng" cũng như hoạt động của Trung Quốc ở nước này.

    Bộ Thương mại Mỹ cũng ban hành hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia, hạn chế nước này tiếp cận các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng trong dân sự và quân sự, cùng các mặt hàng quân sự và dịch vụ quốc phòng ít nhạy cảm.

    Theo bình luận viên Sebastian Strangio từ Diplomat, lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ không có nhiều tác động thực tế, bởi Mỹ hiện không phải nhà cung cấp vũ khí chính cho Campuchia. Tuy nhiên, nó đánh dấu bước đi mới nhất trong một loạt biện pháp được Mỹ thiết kế nhằm gây áp lực lên Campuchia vì mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc.

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Campuchia "giải quyết vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền, đồng thời hành động để giảm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia, vốn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu".

    Binh sĩ Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville năm 2019. Ảnh: Reuters.

    Binh sĩ Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville năm 2019. Ảnh: Reuters.

    Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia Kin Phea cho rằng lệnh trừng phạt của Washington với Phnom Penh là một phần trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ với Trung Quốc.

    Mỹ từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc hiện diện quân sự ở Campuchia, đầu tiên là dự án cảng nước sâu của Trung Quốc ở Koh Kong và sau đó là căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk lân cận.

    Năm 2020, các công trình do Mỹ tài trợ tại căn cứ Ream bị Campuchia phá bỏ và tờ Wall Street Journal đưa tin nước này đã ký thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ trên trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, Phnom Penh phủ nhận thông tin trên.

    Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Fresh News có liên kết với chính phủ rằng Trung Quốc đang giúp đỡ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng tại căn cứ này.

    "Chúng tôi muốn phát triển một nơi phù hợp, nhưng chỉ mình Campuchia thì không thể làm được. Nó cũng khá tốn kém, nhưng tôi không biết là bao nhiêu", ông nói trong cuộc phỏng vấn. "Họ (Trung Quốc) đang giúp đỡ chúng tôi mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào".

    Tùy viên quốc phòng Mỹ đã đến thăm cơ sở này ngay sau đó, nhưng tuyên bố rằng ông không được cấp "quyền tiếp cận đầy đủ" với toàn bộ căn cứ Ream.

    Các bức ảnh vệ tinh do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), công bố gần đây cho thấy quá trình mở rộng tại căn cứ Ream vẫn tiếp tục diễn ra vào tháng 8 và tháng 9 với ba tòa nhà mới mọc lên, đất đai và cây cối được dọn sạch để làm đường.

    Sau một loạt tín hiệu cảnh báo, Mỹ hồi tháng 11 công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào phó đô đốc Tea Vinh, tư lệnh hải quân Campuchia, và tướng Chau Phirun, người đứng đầu Cục Vật tư và Dịch vụ Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Campuchia, với cáo buộc "trục lợi" bằng cách tăng chi phí dự án xây dựng tại căn cứ hải quân Ream.

    "Mỹ đặc biệt lo lắng trước hoạt động xây dựng lại căn cứ hải quân Ream ở bờ biển phía nam Campuchia do Trung Quốc tài trợ. Họ sợ rằng nó sẽ mở đường để Trung Quốc hiện diện quân sự thường xuyên hơn ở Campuchia", Strangio bình luận.

    Lệnh cấm vận vũ khí là bước đi tiếp theo của Mỹ, được công bố sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cố vấn Derek Chollet sẽ thăm Campuchia trong tuần này nhằm "thảo luận về nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới của Campuchia".

    Đáp lại lệnh cấm vận của Mỹ, Thủ tướng Hun Sen nói rằng các biện pháp trừng phạt này là "vô giá trị". Ông cũng ra lệnh cho quân đội kiểm kê toàn bộ vũ khí, quân trang Mỹ trong kho để tiến hành tiêu hủy hoặc niêm cất. Quân đội Campuchia sau đó xác nhận các vũ khí Mỹ trong biến chế đều được nhập khẩu từ thời chính quyền Lon Nol đầu thập niên 1970 và hiện đều trở nên "vô dụng".

    Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phy Siphan cũng chỉ trích Mỹ đưa ra "quyết định sai lầm và không hợp lý" khi áp lệnh cấm vận vũ khí với Campuchia vì lý do "nhân quyền, tham nhũng hay ảnh hưởng của Trung Quốc" tại nước này.

    Tờ Khmer Times hôm nay đăng bài xã luận, sử dụng cụm từ "vừa đấm vừa xoa" để mô tả quan hệ giữa Mỹ và Campuchia. "Mỹ hối thúc Campuchia cắt quan hệ với Trung Quốc, nhưng lại không đưa ra giải pháp thay thế phù hợp", bài báo viết. "Mỹ tuyên bố tôn trọng chủ quyền Campuchia, nhưng lại không hợp tác với chính phủ Campuchia. Mọi hành động, lời nói của họ đều mang tính áp đặt, cưỡng ép và độc đoán".

    Peter Kucik, chuyên gia về các lệnh trừng phạt, cho rằng dù Thủ tướng Hun Sen nói các biện pháp trừng phạt từ Mỹ là "vô giá trị", các hạn chế thương mại có thể tạo ra tác động thực chất và tức thì khi ngăn cản những thực thể không phải của Mỹ làm ăn với chính phủ Campuchia.

    "Ngay cả khi bạn không phải một pháp nhân Mỹ, bạn vẫn có thể vi phạm luật pháp Mỹ" nếu bán hàng hóa cho Campuchia, ông nói, lưu ý đến những hạn chế đối với các mặt hàng lưỡng dụng. "Theo lý thuyết, một thiết bị có thể được sử dụng hoàn toàn cho mục đích dân sự nhưng cũng có thể phục vụ mục đích quân sự sẽ bị giới hạn", ông cho biết thêm.

    Kucik cảnh báo rằng hậu quả với những bên bị Mỹ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận có thể khá nặng nề. "Nếu bạn vi phạm luật của Mỹ, bạn sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ thứ gì từ Mỹ nữa và các công ty Mỹ sẽ được thông báo rằng bạn là đối tượng không được tiếp cận", ông nói. "Bạn có thể giết chết mô hình kinh doanh của mình, nên rủi ro không phải vô hình mà là hữu hình".

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 diễn ra trực tuyến hôm 25/11. Ảnh: AP.

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 diễn ra trực tuyến hôm 25/11. Ảnh: AP.

    Cộng cụ gây sức ép lớn nhất mà Washington có đối với Phnom Penh lúc này là khả năng thu hồi các ưu đãi thương mại mà Campuchia được hưởng theo Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP), giúp nước này dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ, nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm may mặc, giày dép, túi xách của Campuchia, Strangio cho hay.

    Tuy nhiên, thu hồi GSP được coi là phương án cuối cùng, bởi nó cũng có thể ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực sản xuất hàng may mặc của Mỹ, làm mất đi hàng nghìn công việc.

    Anthony Nelson, giám đốc cấp cao về Đông Á và Thái Bình Dương tại công ty tư vấn quốc tế Albright Stonebridge Group, đánh giá chính phủ Campuchia có lẽ sẽ "không cố gắng xoa dịu những tiếng nói chỉ trích họ ở Washington".

    Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ nhận ra rằng "thu hồi GSP sẽ gây tổn hại cho những người lao động dễ bị tổn thương trước tiên", vì vậy Mỹ có thể sẽ phải tìm ra một số giải pháp "giữ thể diện" giúp nới lỏng không gian chính trị đang căng thẳng giữa hai bên.

    "Tuy nhiên, cả Mỹ và Campuchia đến nay chưa có dấu hiệu xuống thang nào, cho thấy vòng xoáy bất đồng giữa hai bên sẽ tiếp diễn trong tương lai gần", bình luận viên Strangio nhận định.

    Kimkong Heng, bình luận viên từ trang Interpreter thuộc Viện Lowy ở Australia, cho rằng dù chính phủ Campuchia phủ nhận, những thông tin về Mỹ đưa ra liên quan đến căn cứ Ream và ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia này vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn tới Phnom Penh.

    "Chúng có nguy cơ đặt Campuchia vào trung tâm của một cuộc cạnh tranh chiến lược giành ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ", Heng đánh giá.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-thuc-day-my-cam-van-vu-khi-campuchia-4402224.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ