Bố vợ không chịu ngồi chung bàn cơm tối, mắt tôi đỏ hoe khi nghe mẹ nói nguyên do
Mẹ nuôi đã phải chịu đựng rất nhiều vất vả để nuôi tôi khôn lớn. Tôi luôn nghĩ sau này lớn lên phải báo đáp ân tình của mẹ thật tốt, cho mẹ cuộc sống đủ đầy vô lo vô nghĩ, nhưng bà ấy lại không đợi được đến ngày đó.
Vừa vào lớp 10, mẹ nuôi đã bị tai nạn và qua đời. Một mình bơ vơ không nơi nương tựa, nhờ thầy cô và hàng xóm giúp đỡ, chật vật mãi tôi mới tốt nghiệp được cấp 3. Tuy có học lực tốt nhưng vì không có điều kiện kinh tế nên tôi đã dừng lại việc học ở đây, ra đời đi làm kiếm tiền.
Đi làm 2 năm, tôi gặp được người vợ hiện tại. Cô ấy tên Giang. Mặc dù thích Giang ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng vì hoàn cảnh mà tôi không dám theo đuổi cô ấy. Tôi sợ mình không thể cho cô ấy một cuộc sống tốt, tôi sợ không xứng với cô ấy.
Nhưng Giang cũng thích tôi, và chính cô ấy đã tỏ tình với tôi trước.
- Anh mồ côi thì sao chứ? Anh không giàu có thì sao chứ? Em tin chỉ cần chung ta yêu nhau, chung sức chung lòng thì sỏi đá cũng thành cơm, sau này sẽ có cuộc sống tốt thôi.
Lúc đó, tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc, bế bổng Giang lên như muốn cho cả thế giới biết tôi có một cô bạn gái tuyệt vời thế nào.
Mặc dù tôi mô côi, không có gì trong tay nhưng cô ấy không hề chê bai tôi. (Ảnh minh họa)
Yêu nhau được nửa năm, Giang đưa tôi về ra mắt bố mẹ. Lúc đó tôi càng lo lắng hơn, sợ rằng họ sẽ ghét tôi vì tôi là trẻ mồ côi và chẳng có gì trong tay cả. Không ngờ khi gặp tôi, họ lại nói thế này:
- Giang đã nói trước với cô chú về hoàn cảnh của cháu rồi. Cô chú nói cứ đưa về đây cô chú gặp mặt. Vợ chồng ăn đời ở kiếp được với nhau hay không là nhìn vào tính cách, phẩm giá chứ không phải là mấy thứ bề ngoài.
Dĩ nhiên, tôi đã không làm họ thất vọng. Hai ngày ở lại nhà Giang, bố mẹ cô ấy đối xử với tôi rất tốt.
Sau này khi bàn chuyện hôn nhân, bố vợ nói:
- Dù sao thì con cũng không còn người thân ở đó nữa nên cứ tổ chức đám cưới ở bên này thôi. Bạn bè gì cứ mời hết về đây, bố mẹ sẽ tiếp đón, sắm sửa hết tất cả, con không cần phải lo lắng đâu.
Bố mẹ vợ coi tôi như con ruột nên tôi đương nhiên phải đối xử tốt với họ và vợ. Kể từ khi lấy vợ, tôi đã làm việc chăm chỉ hơn để kiếm được nhiều tiền hơn, cố gắng cho vợ cuộc sống tốt hơn.
Vì cách nhà không quá xa, chỉ 50km nên vào cuối tuần hai vợ chồng luôn cố gắng bớt chút thời gian về thăm bố mẹ vợ, ăn với ông bà bữa cơm. Nhưng đợt này kinh tế khó khăn, thu nhập từ công việc chính để cắt giảm nên vào mỗi tối và cuối tuần tôi thường chạy xe ôm để kiếm thêm vì hai vợ chồng đang thả bầu để sinh con. Khi có con rồi, chắc chắn các khoản chi sẽ tăng lên nên tôi phải tranh thủ từng chút một.
Vì sống khá gần nên cuối tuần vợ chồng tôi thường xuyên về thăm bố mẹ vợ. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà hai vợ chồng có chút chểnh mảng về bố mẹ vợ, ít có thời gian về ăn cơm cùng ông bà. Cuối tuần rồi, mẹ vợ gọi điện bảo chúng tôi về ăn cơm nên hai chúng tôi đã gác công việc lại để về quê.
Về đến nhà đúng vào giờ cơm tối. Hai vợ chồng nhanh chóng cất đồ rồi rửa chân tay vào dọn cơm phụ mẹ. Tuy nhiên khi cơm đã dọn ra, tôi mời bố vợ ra ăn cơm thì bố không chịu ra.
Tôi thật sự hoang mang. Chẳng lẽ 3 tháng không về thăm nhà, bố giận tôi nên giờ không chịu ngồi chung bàn. Thấy tôi lo lắng, mẹ vợ vội giải thích:
- Hôm qua mẹ hỏi thì con bảo muốn ăn thịt luộc chấm măm tôm. Bố con không thích mắm tôm, ngửi thôi đã buồn nôn. Con nói muốn ăn nên bố nhất quyết để mẹ làm. Bố bảo ăn trong bếp một bữa cũng không sao, chẳng mấy khi con về thì để con ăn thoải mái. Thôi hai con cứ ngồi ăn đi.
Mắt tôi đỏ hoe khi nghe mẹ vợ nói. Người ta nói con rể là một nửa con trai nhưng tôi thấy tôi chính là con trai của bố mẹ. Họ luôn nghĩ cho tôi, quan tâm tới từng sở thích của tôi. Vậy mà bố vợ không ăn được mắm tôm tôi lại không biết. Tôi vừa thấy xấu hổ vừa cảm kích trước tấm lòng của bố mẹ. Tôi cũng tự nhủ với bản thân rằng, phải đối xử tốt với bố mẹ vợ, hiếu thảo với họ.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/tam-su/nha-ngoai-moi-ve-an-toi-nhung-bo-vo-khong-chiu-ngoi-chung-ban-mat-toi-do-hoe-khi-nghe-me-noi-c391a592166.html