Trước 8 tuổi, đừng ép trẻ làm những điều mà đến người lớn cũng chưa chắc lúc nào cũng làm được này
Bài viết của nhà văn SunLi, đăng trên diễn đàn làm cha mẹ của trang web sohu.com
Con trai người bạn tôi năm nay 6 tuổi, cậu bé đặc biệt sợ sâu bọ. Một ngày đi trên đường, có một con sâu bướm rơi từ trên cây xuống. Nhìn thấy cậu bé hét lên, chạy bán sống bán chết. Người mẹ thấy bộ dạng con trai, tức giận quát: "Con sâu bé xíu như vậy, có ăn nổi thịt con đâu mà khiếp sợ thế". Nói xong người mẹ hất tay con trai đang bám ríu lấy người mình, tức giận bỏ đi trong tiếng khóc sợ hãi của cậu bé.
Khi kể lại chuyện với tôi, cô ấy bức xúc: "Nếu là con gái thì không sao, nhưng nó là con trai mà nhát như cáy. Lớn lên làm được trò trống gì?". Nghe vậy, tôi chỉ trả lời: "Ai quy định con trai không được sợ sâu bọ?".
Bố mẹ như người bạn của tôi luôn vô thức yêu cầu trẻ phải giống như người lớn, buộc chúng phải trưởng thành mà không nhớ đứa trẻ nào cũng có quá trình trưởng thành của riêng mình.
Trước khi con 8 tuổi, đừng ép trẻ làm 4 điều sau:
Ép con làm theo ý mình là tâm lý chung của nhiều bậc làm cha mẹ hiện đại. Ảnh: The paper.
Buộc trẻ phải dũng cảm
Con trai tôi 6 tuổi luôn căng thẳng mỗi khi trời mưa bởi sợ giẫm phải ốc sên. Một lần phát hiện có con bò dưới chân, cậu bé sợ đến nỗi không dám nhúc nhích.
Tôi bảo con: "Ốc sên thích không khí ẩm ướt nên ngày mưa chúng ra ngoài đi dạo. Mẹ sẽ dẫn con, chúng ta hãy đi từ từ, đừng quấy rầy chúng được không?". Con trai đồng ý. Lúc đó, tôi có thể cảm nhận được nét mặt của con giãn ra.
Trên đường đi, tôi hỏi: "Con có biết mẹ sợ nhất con vật gì không". "Mẹ cũng sợ á", bé tò mò hỏi lại rồi đoán nào hổ, rắn, sư tử.... Tôi trả lời chính là con ếch. Cậu bé bật cười "Con không sợ nó, con sẽ bảo vệ mẹ". Bằng cách này, con trai hiểu rằng ai cũng có nỗi sợ riêng, người lớn không phải ngoại lệ. Đây là điều bình thường và không cần phải xấu hổ. Sau đó vài tháng, một lần đi lớp về, bé chạy đến hào hứng nói với tôi: "Mẹ ơi, hôm nay giờ sinh học, cô giáo mang đến lớp một con ốc sên lớn. Cô yêu cầu chúng con xếp hàng để quan sát và con đã chạm vào vỏ của nó".
Mọi đứa trẻ sinh ra đều không dũng cảm. Con gái có thể sợ bóng tối và con trai có thể sợ sâu bọ. Thử nghĩ xem, khi bé bạn có bao giờ bị một loại động vật thân mềm nào đó làm cho sợ hãi đến tê liệt không?
Chúng ta nên làm gì khi trẻ nói: "Con sợ". Hãy chấp nhận trước sau đó cần vượt qua. Cho phép con sợ, tôn trọng và hiểu cảm xúc của trẻ. Không có phương pháp nào tệ hại hơn khi khiến trẻ cảm thấy bản thân vô dụng. Đừng ép con phải cam đảm. Hãy đủ kiên nhẫn để cùng con từ từ vượt qua nỗi sợ hãi và biến "đừng sợ" thành "Mẹ sẽ ở bên con".
Luôn so sánh trẻ với người khác
Có nhiều cha mẹ vô thức so sánh con mình với con nhà người ta với hy vọng thúc đẩy con họ tốt hơn. Tuy nhiên "con nhà người ta" lại trở thành cơn ác mộng với nhiều đứa trẻ trong giai đoạn trưởng thành. Trong một cuộc thăm dò tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Trung Quốc, câu nói "Hãy nhìn con nhà người ta kìa" đứng đầu trong 5 câu mà trẻ vị thành niên ghét bố mẹ nói nhất.
Sự khẳng định bản thân của trẻ rất quan trọng. Trước khi trưởng thành về trí tuệ, nhận thức của trẻ về bản thân thường xuất phát từ đánh giá của cha mẹ. Đứa trẻ nào cũng mong muốn nhận được nhận xét tích cực từ cha mẹ mình. Trong lòng trẻ thơ, cho dù cả thế giới không công nhận, chỉ cần có sự đồng tình của cha mẹ, chúng vẫn đủ tự tin để xông pha ra thế giới.
Nếu bạn luôn so sánh khuyết điểm của con với ưu điểm của người khác, con sẽ thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng và không dám để cha mẹ thấy được tiềm năng của mình. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể độc lập với tiềm năng vốn có. Nếu phải so sánh, chúng ta có thể so sánh trải nghiệm thành công với những thất bại trước đó để nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ.
Trẻ biết cãi có khả năng tư duy logic mạnh mẽ và quyết đoán. Ảnh: The paper.
Không cho phép trẻ cãi lại
Tôi cũng từng phát điên khi dạy con học bài. Mỗi lần như vậy tâm trạng rất tồi tệ, gầm rú từ đầu đến cuối buổi học. Một lần, tôi nói với con "Sớm muộn gì mẹ cũng phải nhập viện vì bị con chọc giận". Con trai tôi vô tư đáp: "Vậy sớm muộn gì con cũng bị mẹ làm cho sợ chết khiếp. Mẹ, đơn giản chỉ là làm bài tập thôi mà. Mẹ không kiên nhẫn được sao?". Câu nói của con trai khiến cơn giận tích tụ cả ngày của tôi bị dập tắt. Tôi cố nén cười rồi đi ra ngoài.
Với nhiều gia đình, con trai tôi sẽ được liệt vào dạng "cãi bố mẹ, không biết nghe lời". Cậu bé này cố tìm ra sơ hở và thách thức uy quyền làm cha mẹ. Nhưng với tôi, trong một phạm vi nhất định, đứa trẻ biết cãi lại là một điều tốt.
Trẻ biết cãi có khả năng tư duy logic mạnh mẽ và quyết đoán. Tôi từng nói với con, nếu có thể cãi lại mẹ, chỉ cần có lý và không lộn xộn, tôi sẽ không có ý kiến. Những đứa trẻ biết cãi thường an toàn hơn, bởi chúng can đảm bày tỏ suy nghĩ bên trong mình. Nhiều cha mẹ đã dùng uy quyền ép con phải phục tùng. Nhưng đổi lại là những đứa con lầm lì, đóng chặt cửa trái tim. Thử đặt câu hỏi, bạn có muốn có một đứa con luôn lắng nghe vâng lời những điều bố mẹ nói hay một đứa trẻ có thể độc lập suy nghĩ và tư duy?
Không cho phép trẻ tức giận
Khi trẻ mất bình tình và tức giận, đó là lúc chúng cần tình yêu thương nhất. Nhưng cha mẹ thường không thể chịu đựng được những đứa trẻ mất bình tĩnh. Bất cứ khi nào thấy trẻ nổi cơn thinh nộ, bạn có thể dùng đòn roi để dập tắt ngay lập tức.
Giận dữ không phải điều xấu mà là một cách giao tiếp để trẻ thể hiện cảm xúc. Thông qua những cơn giận dữ, cảm xúc của trẻ được giải tỏa, điều này có lợi hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Trên thực tế, trẻ em biết nổi nóng từ khi 2 tuổi, không cho trẻ giận dữ chính là giết chết bản chất của trẻ.
Khi con tôi học mẫu giáo, nó không chịu đánh răng trong một thời gian. Càng thúc giục, con càng khóc dữ. Tôi đề nghị: "Sau khi con đánh răng xong, mẹ sẽ kể chuyện cho con nghe được không?" Cậu bé ngay lập tức đứng dậy đánh răng và vui vẻ chạy lại chỗ tôi để nghe câu chuyện mà mẹ đã hứa.
Đôi khi trẻ mất bình tĩnh chỉ để bắt chước người lớn. Thay vì ép con trưởng thành, tốt hơn hết hãy cho con tình thương. Một đứa trẻ không dám khóc hay tức giận sẽ không hạnh phúc, nó sẽ cô đơn cả đời.
Giáo dục trẻ em cần học tập suốt đời. Luôn ép buộc con, tưởng chừng như đã có một đứa con ngoan nhưng thực chất cái giá phải trả mất nhiều hơn được.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/truoc-8-tuoi-dung-ep-tre-lam-nhung-dieu-nay-4171026.html