Cha mẹ dạy con học mỗi tối không có lợi, ngược lại, chỉ gây hại cho con

08:00' 06-10-2020
Nửa đêm, chị Nguyên Hồng, 30 tuổi, ở Thanh Hóa vẫn mò mẫm trên mạng tìm lời giải cho bài tập của con gái vì không biết cách tính chu vi tam giác thế nào.


    Càng đọc, người mẹ càng rối. Từ trên giường, chị ngồi bật dậy, lôi giấy bút ở bàn học con ra để viết lời giải nhưng vẫn chẳng hiểu vì sao ra kết quả như vậy.

    Vì nhà nghèo, chị Hồng bỏ học khi mới lớp Ba - bằng tuổi con gái bây giờ. Học được mặt chữ nên chị Hồng thành thạo đọc viết, biết cộng trừ nhưng không thuộc bảng cửu chương. Khi con gái học lớp Một, lớp Hai, chỉ quanh quẩn cộng trừ, học đọc, học viết, nên tối tối, chị vẫn đồng hành cùng con.

    Nhưng năm nay, con gái chị đã lên lớp Ba. Các bài toán tìm x, tìm y khi biết tích và hiệu,... tìm độ dài cạnh của tam giác khi biết chu vi khiến chị Hồng hoa mắt. Những thứ đó, một học sinh lớp Ba cách đây vài chục năm, chị chẳng nhớ đã được học chưa.

    "Quê tôi trước đây khó khăn nên thế hệ 8X, đầu 9X trở về trước đa số chỉ học để biết đọc, biết viết thì nghỉ. Thỉnh thoảng các mẹ gặp nhau, nhắc đến chuyện học của con thì ai cũng than chẳng hiểu gì để giảng", chị kể. Bất lực với bài toán khó, người mẹ chấp nhận tặc lưỡi lấy lời giải trên mạng cho con chép để hoàn thành đủ số lượng bài nộp cho cô.

    Nhưng hôm sau, con gái chị Hồng về nhà khóc với mẹ vì hoàn thành bài tập, nhưng cô yêu cầu lên giải lại trên bảng thì bé không làm được. "Con giận tôi, bảo mẹ chẳng biết dạy con học bài gì cả. Mấy hôm nay nó chán nản, chẳng có hứng thú học dù trước đây chăm chỉ", chị nói, giọng tủi thân.

    Đồng hành cùng con trong việc học tập là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu phương pháp, có kiên nhẫn để bên cạnh con. Ảnh: Thêm Hòa.

    Đồng hành cùng con trong việc học tập là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu phương pháp, có kiên nhẫn để bên cạnh con. Ảnh: Thêm Hòa.

    Cách làm của chị Hồng, được chuyên gia nhận định là "quan tâm con một cách phản giáo dục". Theo Tiến sĩ Đỗ Duy Hiếu, giám đốc trung tâm "Học toán cùng thủ khoa", có tới 95% phụ huynh nông thôn không thể kèm cặp con đúng cách. Trong khi đó, ở thành thị, con số này là 85%. "Không đúng cách" bao gồm cả không có kiến thức, phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và không biết cách quan tâm con.

    "Gần đây, tôi vừa tiếp nhận một học sinh. Bố bạn ấy là người có trình độ cao nhưng thừa nhận thiếu kiên nhẫn nên tối nào dạy, con không hiểu cũng đánh, mắng. Vì thiếu nghiệp vụ và không có phương pháp nên mới dẫn đến tình trạng này", tiến sĩ Hiếu nói.

    Cũng vì lý do này mà chị Nguyễn Minh Châu, ở Thái Bình làm cả mình và con trai khổ sở. Có lần, người mẹ áp dụng cách giải toán của cấp hai cho con trai mới học lớp Năm. Hướng dẫn mãi, con không hiểu, chị Minh Châu nổi cáu, đập bàn, đập ghế, mắng con. "Đến lúc con mếu máo bảo chưa học cách đặt ẩn để tìm đáp án, tôi mới ngớ người ra", chị kể.

    Chị chụp lại đề bài và lời giải gửi cô giáo chủ nhiệm của con thì được phân tích đang sử dụng phương pháp của học sinh cấp hai để giải. Hối lỗi và ngượng với cô giáo, chị bắt đầu sát sao hơn kiến thức con đang theo học. Nhưng không phải bài toán nào ngay khi học xong lý thuyết người mẹ cũng có thể dễ dàng tìm ra đáp án.

    "Có những bài toán mẹo, toán đố thực sự khiến tôi đau đầu", chị thừa nhận. Một tháng nay, khách sạn làm việc vắng khách, lễ tân đều rảnh việc, nên chị Minh Châu hôm nào cũng ôm sách vở của con đi làm. Chị thường tranh thủ "học bài" để về dạy lại cậu con trai.

    "Thấy tôi hí húi vẽ vời, tính tính toán trong vở, mấy đồng nghiệp trêu là tính số đề", người mẹ 33 tuổi nói. Chị thừa nhận các kiến thức về toán học sau hơn chục năm đi làm, giờ quên gần hết. Hơn nữa, một số phương pháp giải bài tập, cách đọc, hành văn của học sinh bây giờ cũng thay đổi. Vì vậy, dù kiên nhẫn mày mò, bà mẹ này cũng phải cầu cứu giáo viên của con.

    Làm nội trợ và chăm sóc ba con, nhưng chị Nguyễn Minh Hoa, 32 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn dành ba buổi tối mỗi tuần để đi học tiếng Anh. Quyết định này của chị đưa ra chỉ sau một buổi học cùng con. Tối đó, bé Gà, lớp Hai nhờ mẹ hướng dẫn làm bài tập điền từ vựng vào chỗ trống. Có 10 từ, nhưng chỉ biết nghĩa của bảy từ, chị bối rối mở điện thoại ra nhờ trợ giúp. "'A- pha - mi- li' (A family) nghĩa là gia đình", chị hướng dẫn con điền từ. Nghe xong, con gái chị phì cười: "Mẹ đọc tiếng Anh như tiếng Việt".

    Bình thường, trước mặt các con, chị Hoa vốn là bà mẹ "thét ra lửa". Các kiến thức toán, tiếng Việt chị đều nắm vững nên thấy mẹ kiểm tra bài tập, đứa nào cũng sợ. Sau khi biết điểm yếu của chị, cứ nhìn thấy "phụ huynh" xuất hiện ở bàn học là ba cô con gái bảo nhau lôi tiếng Anh ra học.

    Không để mấy đứa con "qua mặt", chị Hoa đến trung tâm tiếng Anh đăng ký chương trình "dành cho người mất gốc". Hiện tại, sau một năm rưỡi kiên trì rèn đủ bốn kỹ năng, chị đã có thể nghe, nói, đọc, viết căn bản. Không chỉ sát sao bài vở của con, thỉnh thoảng, chị còn bổ sung bài tập vì muốn các con nhanh tiến bộ.

    Có những buổi, bốn mẹ con đánh vật đủ loại bài tập đến tận nửa đêm. Mẹ cáu kỉnh, bực bội, ba đứa nhỏ nước mắt, nước mũi tèm lem vì không biết làm bài thế nào. "Mình đã nỗ lực vì con, nhưng con chẳng khá hơn mà lầm lì, sợ học, còn thành tích vẫn dậm chân tại chỗ", chị càu nhàu.

    Việc phụ huynh kèm cặp con học vô tình tạo áp lực khiến trẻ căng thẳng, rối loạn khả năng tiếp nhận. Ảnh: Hải Hiền.

    Việc phụ huynh kèm cặp con học vô tình tạo áp lực khiến trẻ căng thẳng, rối loạn khả năng tiếp nhận. Ảnh: Hải Hiền.

    Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, việc bố mẹ kèm cặp con không có lợi, ngược lại, chỉ gây hại cho con.

    Chị Hương cho hay, phương pháp học của trẻ hiện nay không giống với phụ huynh trước đây nên cách dạy khác biệt giữa bố mẹ và cô giáo sẽ làm con bối rối. Ngoài ra, giả sử phụ huynh nắm được phương pháp, nhưng không có sự kiên trì, mà nổi nóng, thậm chí đánh con, sẽ làm đứa trẻ bị tổn thương.

    "Hơn nữa, tâm lý của phụ huynh là luôn nghĩ con mình kém hơn bạn bè, nên bắt con phải học ở nhà, làm thêm bài tập khiến đứa trẻ bị quá tải và rối loạn trong tiếp nhận kiến thức", chuyên gia nói.

    Theo tiến sĩ Hương, cha mẹ thay vì kèm cặp con, hãy vờ mặc kệ trẻ và nhờ giáo viên kiểm tra, có thưởng, phạt khi con không làm bài tập về nhà. Thậm chí, bố mẹ yêu cầu con chỉ được học ở nhà trong 30 phút. Nếu trẻ không hoàn thành, hãy yêu cầu cô giáo phê bình con. Khi đó, trẻ sẽ biết trân trọng thời gian mình có mỗi tối và tập trung nhanh nhất có thể. Sau 40 ngày "quản lý gián tiếp" qua giáo viên, con sẽ hình thành được ý thức tự giác học tại nhà - điều quan trọng nhất trong việc học tập.

    "Nếu phụ huynh kèm trẻ học, con sẽ nghĩ đó là trách nhiệm của bố mẹ, không phải của mình. Bố mẹ cũng phải cho phép con được sai, đừng đòi hỏi trẻ hoàn hảo. Vì nếu không sai. chúng chỉ là cỗ máy, không phải con người", nữ chuyên gia nói.

    Đồng quan điểm, tiến sĩ Toán học Đỗ Duy Hiếu cũng không ủng hộ việc bố mẹ kèm cặp con học khi chưa nắm được phương pháp dạy. Theo anh Hiếu, việc dạy học là của giáo viên và nhà trường. Cha mẹ nếu có kiến thức và phương pháp đồng hành cùng con là điều tốt. Nếu không, tốt nhất nên chọn phương pháp phù hợp như: Chỉ đôn đốc con học tập, khuyến khích con. Nếu thật sự cần thiết, phụ huynh có thể tìm gia sư hoặc các khóa học online...

    Tất nhiên, theo các chuyên gia, để có thể thực hiện lời khuyên này, không chỉ cần đến nỗ lực của phụ huynh, mà quan trọng là sự nhiệt tình, tận tụy của giáo viên.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cha-me-day-con-hoc-moi-toi-la-phan-giao-duc-4171127.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ