Tôi cảm kích sự thấu hiểu nỗi vất vả chăm người già của chị dâu
Nhà chồng tôi có 4 anh chị em, ai cũng học hành giỏi giang và làm việc trong các công ty lớn. Chỉ có chồng tôi là mải chơi lười học và bây giờ kiếm được ít tiền nhất.
Các anh chị đều có nhà riêng và kinh tế vững, sống gần với bố mẹ chồng. Còn vợ chồng tôi làm nghề buôn bán tự do, tiền kiếm được mỗi tháng chỉ đủ nuôi con ăn học và dư giả được chút ít. Tiền không có nên nhiều năm nay chúng tôi vẫn sống chung nhà với bố mẹ chồng.
Bố chồng tôi lương hưu cao lắm, tổng thu nhập của ông mỗi tháng 18 triệu. Tiền lương hưu của ông năm nào cũng tăng nhưng 10 năm nay ông chỉ góp với vợ chồng tôi 2 triệu tiền ăn mỗi tháng cho cả ông bà.
Mấy năm nay, sức khỏe ông bà yếu, ăn uống khó khăn nên tôi thường phải mua đồ ngon bồi dưỡng cho 2 người. Bởi tôi cho rằng ông bà ăn uống tốt thì mới có sức khỏe chống đỡ bệnh tật và con cháu bớt khổ. Thế nên, mỗi tháng tôi bỏ ra một khoản tiền khá lớn mua đồ ngon bồi bổ cho bố mẹ chồng.
Ngày còn trẻ khỏe bà nội đi chăm sóc cháu ngoại, đến khi yếu sức, không làm được gì nữa thì không cháu nào mượn và về nhà sống. Hằng ngày tôi phải dậy từ sáng sớm làm việc và đến tận đêm khuya mới được lên giường.
Tôi cho rằng ông bà ăn uống tốt thì mới có sức khỏe chống đỡ bệnh tật và con cháu bớt khổ. (Ảnh minh họa)
Tuy vất vả nhưng tôi không bao giờ kêu ca nửa lời với ông bà hay các anh chị trong gia đình. Bởi nói ra chỉ khiến mọi người ghét và có ánh mắt coi thường tôi tham tiền. Tôi cũng muốn các con nhìn vào cách bố mẹ đối xử với ông bà và mọi người xung quanh để học tập. Còn một điểm nữa, gia đình tôi đang sống trong ngôi nhà của bố mẹ chồng, chúng tôi phải có trách nhiệm với ông bà là điều đúng luân thường đạo lý.
Hôm qua, các anh chị tụ họp ở nhà bố mẹ tổ chức ăn nghỉ lễ 2/9. Trong lúc nói chuyện vui vẻ, mẹ chồng hỏi về sức khỏe của bà thông gia – mẹ đẻ của chị dâu tôi. Chị ấy nói:
“Từ ngày mẹ con không thể đi lại được nữa có vợ chồng em trai ở bên chăm sóc. Nếu không có các em ấy thì cuối đời bà cũng khổ và bọn con cũng chẳng thể yên tâm làm việc.
Các em không đòi hỏi bọn con phải góp tiền chăm sóc mẹ nhưng chúng con cũng phải biết nghĩ. Mẹ sinh ra các con, bọn con không thể đẩy hết trách nhiệm cho em trai được. Nếu không có các em phụng dưỡng bà, chúng con phải thuê người giúp việc. Đáp lại tấm lòng của các em, mỗi tháng bọn con đưa cho em trai 3 triệu tiền ăn và 6 triệu trả tiền công.
Chị dâu kể chuyện vợ chồng em trai chị ấy chăm sóc mẹ chị rất tốt. (Ảnh minh họa)
Vì mẹ con không có lương hưu nên chị em con phải lo chu cấp. Sức khỏe của ông bà yếu, không thể phục vụ được bản thân, phải dựa hoàn toàn vào vợ chồng chú út. Còn bố mẹ có lương hưu thì nên chi tiêu hết số lương đó cho bản thân, đừng ki cóp làm gì vì đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng có mang theo được đâu.
Mà con nghĩ, bố mẹ nên trả công cho các em mỗi tháng và mua đồ ngon bổ dưỡng mà ăn. Khi nào bố mẹ không có tiền thì chúng con sẽ có trách nhiệm góp vào chăm sóc ông bà”.
Lời chị dâu nói làm cả nhà im lặng, không ai nói lời nào, còn tôi cảm kích sự thấu hiểu nỗi vất vả chăm người già của chị ấy. Sau khi mọi người về hết, bố chồng đưa cho tôi 200 triệu và nói:
“Những năm qua, bố không đi chợ nên không biết đồ ăn uống đã tăng giá nên mỗi tháng góp cho con được chút tiền ăn. Thế nên con cầm lấy 200 triệu, coi như là tiền ăn những năm qua bố trả còn thiếu. Từ tháng sau, bố góp cho con mỗi tháng 10 triệu tiền ăn uống và trả công cho con”.
Có lẽ, những lời chị dâu nói đã khiến bố chồng thay đổi suy nghĩ. Bố nghĩ được như vậy tôi cũng mừng nên vui vẻ nhận tiền.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/tam-su/chi-dau-ke-chuyen-ton-6-trieu-thang-tra-cong-cho-nguoi-giup-viec-nghe-xong-bo-chong-dua-toi-200-trieu-c391a607426.html