Tòa Công lý Quốc tế yêu cầu Israel lập tức chấm dứt tấn công Rafah

10:00' 01-06-2024
Nếu không thể buộc Israel ngừng tấn công Rafah như ICJ yêu cầu, Mỹ có thể đối mặt nguy cơ bị cô lập và hứng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.


    Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan, ngày 24/5 công bố phán quyết yêu cầu quân đội Israel lập tức chấm dứt "cuộc tấn công quân sự và những hành động có khả năng phá hủy một phần hoặc toàn bộ điều kiện sinh sống của cộng đồng người Palestine ở Rafah", phía nam Dải Gaza.

    Quyết định của ICJ tăng thêm áp lực đối với Israel, quốc gia đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế vì cuộc chiến ở Gaza. Ba nước châu Âu gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha ngày 28/5 chính thức công nhận nhà nước Palestine, động thái làm gia tăng căng thẳng với Israel.

    Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng thông báo đã xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cũng như các thủ lĩnh Hamas vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Raleigh, bang Bắc Carolina, ngày 26/3. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Raleigh, bang Bắc Carolina, ngày 26/3. Ảnh: Reuters

    Những động thái trên cũng đẩy Mỹ vào thế khó khi đến nay, Washington vẫn kiên quyết ủng hộ chiến dịch quân sự của Tel Aviv tại Gaza. Dù phản đối cuộc tấn công lớn vào Rafah, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định rằng các bước mà Israel thực hiện vẫn chưa vượt quá "lằn ranh đỏ".

    Mỹ, vốn tự hào là quốc gia đi đầu thế giới về nhân quyền và luật pháp quốc tế, đã im lặng kể từ khi ICJ ra phán quyết với Israel. Điều này trái ngược hoàn toàn với lần ICJ đưa ra phán quyết gần như giống hệt hồi tháng 3/2022, yêu cầu Nga "đình chỉ ngay lập tức các hoạt động quân sự" ở Ukraine.

    Lưu ý rằng ICJ "đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc", Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ nhiệt liệt hoan nghênh phán quyết và kêu gọi Nga tuân thủ.

    Lần này, thay vì đưa ra tuyên bố về phán quyết của ICJ với Israel, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phản hồi mọi câu hỏi bằng một câu trả lời duy nhất: "Chúng tôi đã rõ ràng và nhất quán về quan điểm của mình đối với Rafah".

    Mỹ cho rằng chiến dịch quân sự của Israel tại Rafah là cuộc tấn công "hạn chế" nhằm tiêu diệt tận gốc Hamas trong khi tránh tối đa gây tổn hại không đáng có cho dân thường và giải thoát khoảng 100 con tin Israel vẫn bị giam ở Gaza.

    Quan điểm này mâu thuẫn với kết luận từ ICJ rằng chiến dịch tại Rafah là "giọt nước tràn ly" kể từ cảnh báo cuối cùng rằng hành động của Israel ở Gaza có nguy cơ gây ra nạn diệt chủng.

    ICJ, tòa án trực thuộc Liên Hợp Quốc, không có cơ chế thi hành các phán quyết của mình mà phải được Hội đồng Bảo an, nơi Mỹ có quyền phủ quyết, thông qua.

    Theo các chuyên gia luật quốc tế, lệnh từ ICJ không mang tính ràng buộc trong bất kỳ trường hợp nào, vì theo quy định riêng của tòa, phán quyết này vẫn mang tính "tạm thời" cho đến khi có một phiên điều trần trình bày bằng chứng về những cáo buộc diệt chủng mà Israel đang phải đối mặt. Quá trình trên có thể mất ít nhất một năm.

    Nhưng ngay cả khi không tạo ra tác động thực chất, phán quyết của ICJ vẫn phần nào khiến Israel bị cô lập hơn nữa khỏi cộng đồng quốc tế. Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, chắc chắn không thể nằm ngoài vòng ảnh hưởng, bình luận viên Karen DeYoung từ Washington Post nhận xét.

    "Tất cả chúng ta nên thừa nhận rằng đây là một bước chuyển biến theo hướng vô cùng tiêu cực và Mỹ đang trở nên bị cô lập vì mọi người bắt đầu đánh đồng ủng hộ của họ dành cho Israel với việc hỗ trợ và tiếp tay cho những hành động bất hợp pháp", Harold Hongju Koh, giáo sư luật quốc tế tại Trường Luật Yale, nhận xét.

    Ông lưu ý đến việc 13 trên 15 thẩm phán thành viên ICJ, trong đó có những người đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và Arab, ủng hộ phán quyết. "Nhà Trắng không thể phớt lờ thông điệp chính trị mà hành động này truyền đi", Koh nói. "Nó có nguy cơ đặt Mỹ vào thế đối đầu với luật pháp quốc tế".

    Hai phiếu phản đối phán quyết tại ICJ đến từ Julia Sebutinde, thẩm phán người Uganda, và Aharon Barak, cựu lãnh đạo Tòa án Tối cao Israel. Barak lập luận rằng lệnh này không thể ngăn cản Israel tiếp tục cuộc tấn công vì "không có bằng chứng về ý định" phạm tội diệt chủng. Ông cũng nhấn mạnh, như ICJ đã thừa nhận, rằng chính Hamas châm ngòi xung đột bằng cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023.

    "Trong bối cảnh như vậy, ICJ không thể ra lệnh cho một bên dừng lại, trong khi bên kia vẫn được tự do tiếp tục", ông nói.

    Nhưng phần lớn thế giới không nhìn nhận như vậy. Ngay cả trước phán quyết của ICJ, EU đã thúc giục Israel dừng chiến dịch nhắm vào Rafah, cảnh báo việc tiếp tục tấn công "chắc chắn sẽ gây căng thẳng nặng nề cho mối quan hệ giữa EU với Israel", người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối cho biết ngày 15/5.

    Theo Mohamad Bazzi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cận Đông Hagop Kevorkian, giáo sư báo chí tại Đại học New York, đối với phần lớn thế giới, Israel hiện là một quốc gia "cứng đầu" đã nhiều lần phớt lờ áp lực từ các tổ chức quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Gaza. Phán quyết từ ICJ có thể là "hồi chuông cảnh báo" cuối cùng cho Israel và cả Mỹ, nếu Washington vẫn im lặng, từ chối can thiệp buộc Tel Aviv dừng tay.

    Những người biểu tình ủng hộ Palestine giơ bàn tay sơn đỏ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời trước phiên điều trần của tiểu ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện ngày 22/5. Ảnh: Reuters

    Những người biểu tình ủng hộ Palestine giơ bàn tay sơn đỏ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời trước phiên điều trần của tiểu ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện ngày 22/5. Ảnh: Reuters

    "Chính quyền Joe Biden nên sử dụng những phán quyết quốc tế này và tình trạng cô lập ngày càng tăng của Israel làm đòn bẩy để ngăn các chuyến hàng vũ khí đến Israel và gây áp lực buộc chính quyền Netanyahu chấm dứt xung đột", Bazzi nói. "Nhưng thay vào đó, Biden và các trợ lý hàng đầu lại dành nhiều tháng qua cố gắng làm mất uy tín của các tòa án quốc tế, đặc biệt là vụ kiện tại ICJ mà Nam Phi đưa ra lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng".

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả vụ kiện của Nam Phi là "vô giá trị" nhưng cuối cùng vẫn phải chứng kiến ICJ cho phép tiếp tục điều tra cáo buộc và ra lệnh cho Israel ngăn các hành động nhắm vào dân thường của quân đội nước này, đồng thời cho phép đưa nhiều viện trợ nhân đạo hơn nữa vào Gaza. Các luật sư của Nam Phi cho rằng Israel đã không tuân thủ quyết định trước đó từ tòa án và yêu cầu ICJ áp đặt những biện pháp khẩn cấp mới để ngăn chặn cuộc tấn công vào Rafah.

    "Lời kêu gọi của Tổng thống Biden về việc tôn trọng nhân quyền đã thất bại khi ông ủng hộ vô điều kiện cuộc tấn công của Israel vào Gaza", Bazzi cho hay.

    Sau khi thông báo vào ngày 8/5 rằng chính quyền Mỹ đã đình chỉ một chuyến hàng vũ khí tới Israel, trì hoãn việc chuyển giao 3.500 quả bom, chưa đầy một tuần sau đó, Tổng thống Biden đã tiếp tục gửi nhiều vũ khí hơn số lượng mà ông đã giữ lại.

    Ngày 14/5, chính quyền Biden thông báo với quốc hội rằng họ đã phê duyệt hơn một tỷ USD vũ khí mới cho Israel, ngay cả khi có thông tin rõ ràng rằng Tel Aviv đang tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Trong gói vũ khí này, Mỹ sẽ cung cấp cho Israel 700 triệu USD đạn pháo xe tăng, 500 triệu USD xe chiến thuật và 60 triệu USD đạn cối.

    Chính quyền Thủ tướng Netanyahu nhiều lần công khai thách thức "lằn ranh đỏ" mà Mỹ đặt ra đối với Rafah. Nhưng việc Tổng thống Biden vẫn đảm bảo cung cấp ổn định các loại vũ khí cho Israel rõ ràng đã làm suy yếu bất kỳ đòn bẩy nào mà ông có được đối với Tel Aviv, Bazzi nhận định.

    "Trên thực tế, phán quyết hôm 24/5 của ICJ còn có tác động mạnh mẽ hơn so với 'lằn ranh đỏ' mà Mỹ vạch ra với chiến dịch của Israel tại Rafah", ông nói. "Tổng thống Biden cùng các trợ lý hàng đầu có lẽ muốn tránh bị coi là ủng hộ một cuộc diệt chủng, nhưng họ đến nay tỏ ra chưa sẵn sàng chấm dứt hỗ trợ và buộc Israel phải ngừng gây đổ máu ở Gaza. Họ dường như sẵn sàng mạo hiểm để Mỹ trở thành 'kẻ đối đầu'".

    Dòng người Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Khan Younis hôm 6/5. Ảnh: Reuters

    Dòng người Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Khan Younis hôm 6/5. Ảnh: Reuters



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/the-kho-cua-my-khi-icj-yeu-cau-israel-ngung-tan-cong-rafah-4750879.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ