Những thông điệp ẩn sau học thuyết hạt nhân mới của Nga
Với tiêu đề Những nguyên tắc cơ bản về Chính sách Nhà nước trong lĩnh vực Răn đe Hạt nhân, học thuyết hạt nhân mà Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua ngày 19/11 nêu rõ các trường hợp Nga có thể kích hoạt vũ khí nguyên tử để đáp trả đối phương.
Học thuyết khẳng định Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ mang tính chất phòng thủ, việc sử dụng chúng là "biện pháp bắt buộc và cuối cùng" để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, thời điểm công bố và những nội dung sửa đổi của học thuyết hạt nhân này gây nhiều chú ý, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng vì chiến sự Ukraine.
Học thuyết hạt nhân mới được ông Putin ký ban hành chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ để tập kích sâu trong lãnh thổ Nga. Cùng với hai thay đổi quan trọng so với phiên bản năm 2020, học thuyết mới cho thấy ông Putin đang tìm cách sử dụng lá bài hạt nhân như một công cụ răn đe để ngăn Mỹ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, theo giới quan sát.
Đầu tiên, tài liệu nêu rõ Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả cuộc tấn công thông thường từ một quốc gia phi hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Học thuyết năm 2020 của Nga chỉ tập trung vào đáp trả các cuộc tấn công trực tiếp từ những bên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, học thuyết mới đã hạ thấp ngưỡng Nga có thể xem xét kích hoạt vũ khí hạt nhân. Nếu học thuyết năm 2020 cho biết Nga sẽ đáp trả khi "sự tồn vong" của nhà nước bị đe dọa, phiên bản mới nêu rõ ngưỡng kích hoạt giờ đây là "mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền và lãnh thổ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Hội đồng An ninh về răn đe hạt nhân ở Điện Kremlin ngày 25/9. Ảnh: AP
Điều này dường như ám chỉ Nga hoàn toàn có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công mà Ukraine tiến hành với sự hỗ trợ của Mỹ cùng đồng minh, nếu coi đó là "mối đe dọa nghiêm trọng với chủ quyền lãnh thổ". Đồng thời, đòn đáp trả có thể nhắm vào cả cơ sở của Ukraine và các nước hỗ trợ, theo giới phân tích.
Kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu cuối tháng 2/2022, ông Putin và nhiều quan chức cấp cao Nga thường xuyên cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thông điệp đó dường như chưa đủ sức răn đe, khi các nước phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine.
Hồi tháng 9, ông Putin tuyên bố nếu Mỹ và đồng minh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, NATO sẽ đối mặt cuộc chiến trực tiếp với Moskva.
Sau thông tin Mỹ gỡ rào vũ khí cho Ukraine, Andrei Kartapolov, chủ tịch ủy ban quốc phòng tại Hạ viện Nga, chỉ trích quyết định của Tổng thống Biden sẽ "gây hậu quả rất tiêu cực cho chính ông và rất nhiều người khác".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh học thuyết mới nêu rõ Nga xem cuộc tấn công nhằm vào Nga từ bất kỳ quốc gia nào với hỗ trợ của các cường quốc hạt nhân là chiến dịch chung của họ.
Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie về Nga và Âu-Á tại Đức, lưu ý bình luận của ông Peskov đánh dấu lần đầu tiên Điện Kremlin thừa nhận khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
"Nói một cách đơn giản hơn, ông Peskov công khai thừa nhận Điện Kremlin đang xem xét khả năng xảy ra cuộc tấn công hạt nhân", bà nói.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thậm chí thẳng thắn hơn, nói rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa NATO tấn công lãnh thổ Nga "có thể được phân loại là cuộc tấn công của cả khối" vào Moskva.
"Trong kịch bản như vậy, Nga có quyền trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt vào Ukraine và các cơ sở quan trọng của NATO ở bất kỳ nơi nào. Điều này sẽ tương đương với Thế chiến III", ông cảnh báo.
Bà Stanovaya cho biết tình hình căng thẳng hiện tại có thể khiến xung đột Ukraine đối mặt với "bước ngoặt cực kỳ nguy hiểm".
"Với việc ký học thuyết hạt nhân mới, ông Putin có thể đang phát đi thông điệp rằng phương Tây có hai lựa chọn. Một là nếu họ muốn chiến tranh hạt nhân, họ sẽ được như ý. Hai là hãy kết thúc cuộc chiến theo các điều kiện của Nga", bà đăng trên mạng xã hội X.
Thông điệp này có thể củng cố lập luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc cần phải đối thoại trực tiếp với ông Putin, thay vì tiếp tục kéo dài xung đột Ukraine, theo Stanovaya. "Đồng thời, nó sẽ khiến ông Biden bị chỉ trích vì là chất xúc tác cho leo thang căng thẳng, cũng như có thể ngăn Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa tầm xa", bà nói.
Hình ảnh phóng thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander trong video Bộ Quốc phòng Nga công bố hồi tháng 2/2022. Ảnh: AP
Song một số nhà phân tích dự đoán rằng khi ông Trump đặt mục tiêu kết thúc xung đột nhanh chóng, Tổng thống Nga dường như sẽ tránh bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng với Mỹ trong vài tháng tới.
Một nhà phân tích thuộc tổ chức thân cận với chính phủ Nga ở Moskva cho rằng phản ứng quyết liệt từ Moskva đối với Washington sẽ "gây rắc rối cho ông Trump", trong khi việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tập kích qua biên giới cũng khó có thể đảo ngược tình thế trên chiến trường.
Nhiều chuyên gia nói với Moscow Times rằng học thuyết sửa đổi nhằm tạo ra sự mơ hồ lớn hơn về thời điểm nước này xem xét kích hoạt hạt nhân, với mục tiêu gia tăng sức nặng răn đe, ngăn đồng minh của Ukraine tăng cường viện trợ.
Pavel Podvig, giám đốc Dự án về Lực lượng Hạt nhân Nga, nói Nga đã không giải thích rõ về các điều khoản trong học thuyết mới, nhấn mạnh rằng mục tiêu của Moskva chỉ là răn đe chứ không phải hướng tới một đòn đáp trả hạt nhân thực sự.
"Leo thang hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công trong xung đột Ukraine dường như không phải lựa chọn hợp lý vì nó sẽ không giúp ích cho các mục tiêu chiến tranh của Nga, cũng như có thể gây ra cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với NATO tốn kém hơn", Hans Kristensen, chuyên gia thuộc Dự án Thông tin Hạt nhân của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-ran-de-cua-ong-putin-khi-ky-hoc-thuyet-hat-nhan-moi-4818090.html