Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Hezbollah sẽ phải trả cái giá rất đắt
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 28/7 tuyên bố sẽ "đáp trả mạnh mẽ kẻ thù" sau khi Tel Aviv cáo buộc lực lượng Hezbollah ở Lebanon tiến hành cuộc tập kích bằng rocket vào một sân bóng ở thị trấn Majdal Shams trên Cao nguyên Golan, khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Dù Hezbollah phủ nhận trách nhiệm liên quan, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng lực lượng này đã "vượt mọi lằn ranh đỏ" và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Hezbollah sẽ "phải trả cái giá rất đắt, cái giá mà họ chưa từng trả trước đây". Những tuyên bố này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện trên bộ giữa Israel và Hezbollah.
Quân đội Israel (IDF) trước đó cũng đã tuyên bố xây dựng xong kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Lebanon để đối phó Hezbollah. Bộ trưởng Quốc phòng Gallant từng khẳng định xe tăng Israel sẽ thọc sâu vào quốc gia láng giềng để đẩy lùi Hezbollah ra khỏi khu vực biên giới.
Xe tăng Israel gần biên giới với Lebanon tháng 11/2023. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Hezbollah dường như không lo ngại kịch bản này. "Nếu điều xe tăng đến miền nam Lebanon, Israel sẽ không còn đối mặt với tình trạng thiếu xe tăng vì các người sẽ không còn chiếc nào nữa", Hassan Nasrallah, thủ lĩnh lực lượng Hezbollah ở Lebanon, tuần trước cảnh báo.
IDF đang đối mặt tình trạng thiếu xe tăng do chiến dịch tấn công Hamas tại Dải Gaza trong 9 tháng qua, khiến công tác chuẩn bị cho mũi tiến công trên bộ nhằm vào miền nam Lebanon càng thêm phức tạp.
Theo Nicholas Blanford, chuyên gia cấp cao thuộc viện nghiên cứu Mỹ có tên Hội đồng Đại Tây Dương, nếu phát động chiến tranh với Hezbollah, Israel không có lựa chọn nào khác ngoài điều xe tăng qua biên giới phía bắc vào lãnh thổ Lebanon.
"Chỉ dùng không quân là không đủ để vô hiệu hóa Hezbollah", Blanford nói. "Tuy nhiên, Israel cũng không thể tránh khỏi thực tế rằng miền nam Lebanon không phải khu vực phù hợp cho xe tăng hoạt động".
Khu vực này có nhiều đồi núi, phù hợp để các thành viên Hezbollah phục kích đoàn tăng thiết giáp và phương tiện cơ giới của Israel bằng mìn, tên lửa chống tăng.
Các tuyến hậu cần chính trong khu vực cũng chủ yếu chạy từ tây sang đông, không có lợi cho lực lượng tiến công theo hướng bắc. Các tuyến đường đi về phía bắc Lebanon thường đi qua khu vực đồi núi, khiến xe tăng lúc lên dốc rất dễ bị phục kích bằng tên lửa chống tăng và thiết bị nổ tự chế.
Vị trí Israel và Lebanon. Đồ họa: AFP
Trong cuộc xung đột quy mô lớn kéo dài 34 ngày năm 2006, Hezbollah gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị tăng thiết giáp Israel bằng chiến thuật phục kích tương tự.
Các đơn vị Hezbollah khi đó đã tổ chức một số trận phục kích xe tăng Israel bằng tên lửa chống tăng 9M133 Kornet. Tiêu biểu trong số này là trận Wadi Saluki, diễn ra tại huyện cùng tên của Lebanon, khi tên lửa chống tăng của Hezbollah bắn trúng 11 trong số 24 xe tăng mà Israel triển khai.
"Trong số 400 xe tăng Israel tham chiến tại miền nam Lebanon khi đó, 48 chiếc trúng đạn, 40 chiếc bị hư hại và 20 chiếc bị xuyên thủng. Một số người nhận định 5 xe tăng Merkava đã bị phá hủy hoàn toàn", theo một đánh giá về cuộc chiến được công bố năm 2008.
"Hezbollah rõ ràng đã làm chủ chiến thuật tác chiến dùng bộ binh hạng nhẹ được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển chống lại các đơn vị cơ giới hạng nặng của đối phương", đánh giá có đoạn. "Hezbollah đã tổ chức sáng tạo các trận tập kích tinh vi, sử dụng khéo léo hỏa lực bắn thẳng lẫn cầu vồng".
Tình hình hiện nay có thể phức tạp hơn, bởi lực lượng Hezbollah đã sở hữu lượng lớn vũ khí chống tăng tiên tiến hơn.
"Hezbollah bỏ nhiều công sức để xây dựng phương án tác chiến với tổ diệt tăng, những nhóm nhỏ có tính cơ động cao với khả năng triển khai nhanh chóng để phục kích xe tăng Israel ở miền nam Lebanon", Nicholas Heras, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu New Lines có trụ sở ở Mỹ, nhận định.
Theo Heras, địa hình đồi núi ở miền nam Lebanon "tạo ra lợi thế cho bên phòng thủ", còn Hezbollah đã phát triển cách thức tác chiến sáng tạo với tên lửa chống tăng họ 9M133 Kornet để tấn công xe tăng chủ lực Merkava trang bị lớp giáp dày của Israel.
Lính Hezbollah ngồi trên xe máy với tên lửa vác vai trong diễn tập tháng 5/2023. Ảnh: AP
Israel nâng cấp lực lượng tăng thiết giáp từ năm 2006 và cho ra mắt thiết giáp chở quân hạng nặng Namer, được phát triển trên cơ sở khung thân xe tăng chủ lực Merkava. Israel cũng trang bị cho xe tăng Merkava và thiết giáp Namer hệ thống phòng thủ chủ động Trophy hiện đại, có thể phát hiện và đánh chặn quả đạn đang bay tới.
Nhưng với sự hỗ trợ về công nghệ của Iran, Hezbollah đang sở hữu nhiều vũ khí chống tăng hiện đại, trong đó có tên lửa Almas. Vũ khí này được sao chép từ tên lửa chống tăng Spike của Israel bị Hezbollah tịch thu trong cuộc chiến năm 2006.
Họ cũng sở hữu biến thể 9M133 Kornet do Iran chế tạo bằng kỹ thuật đảo ngược trên nguyên mẫu của Nga. Tên lửa dòng Kornet với đầu đạn 4,6 kg có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 100-10.000 m.
"Hezbollah còn phát triển bệ hai ống phóng tên lửa dòng Kornet có tên Tharallah, cho phép khai hỏa liên tiếp hai quả đạn", Blanford cho biết. "Tên lửa đầu tiên sẽ bị hệ thống phòng thủ Trophy của xe tăng Israel bắn hạ, nhưng quả đạn thứ hai sẽ lập tức lao tới khi Trophy chưa kịp phản ứng".
Với những loại vũ khí chống tăng mới và hình thức tác chiến theo tổ diệt tăng, Hezbollah có thể gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị tăng thiết giáp Israel trong trường hợp nổ ra xung đột.
"Tên lửa Almas giúp Hezbollah có khả năng tấn công tầm xa nhằm vào xe tăng Israel, cho phép họ tổ chức nhiều tổ diệt tăng để giao chiến với IDF trên chiến trường cả xa lẫn gần", Heras nhận định.
"Dù có khả năng trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo rất mạnh ở miền nam Lebanon, rất có khả năng IDF phải chịu tổn thất đáng kể nếu xảy ra xung đột quy mô lớn với Hezbollah", chuyên gia này cảnh báo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/hiem-hoa-voi-xe-tang-israel-neu-tien-vao-lebanon-4774119.html