Những loại gia vị ăn nhiều làm tăng nguy cơ ung thư
Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, thực chất nhà bếp là nơi nguy hiểm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ. Đặc biệt là nếu không nấu nướng, sử dụng thiết bị trong bếp đúng cách thì nguy cơ mắc bệnh tật, ung thư sẽ tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, nếu không muốn tự hại bản thân và gia đình thì đừng sử dụng quá nhiều 4 loại gia vị sau khi nấu ăn:
1. Muối
Muối là gia vị cần thiết nhất, không thể thiếu trong bất kỳ gian bếp nào. Tuy nhiên ăn 1 lượng lớn muối trong thời gian dài có thể dẫn đến mất cân bằng natri và kali trong cơ thể. Điều này dẫn đến nhiều bệnh tật nguy hiểm như huyết áp cao, tim mạch, loãng xương, đột quỵ và ung thư dạ dày, suy thận, ung thư thận…
Theo khuyến cáo, 1 người lớn khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 6g muối mỗi ngày. Đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, huyết áp, lượng muối ăn 1 ngày không được quá 3g. Vì vậy, hãy học thói quen ăn nhạt, giảm lượng muối khi nấu nướng và ưu tiên các cách chế biến an toàn cho sức khỏe như luộc hay hấp thực phẩm.
2. Dầu hào
Nếu ăn vừa phải, dầu hào không chỉ làm tăng hương vị món ăn mà còn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn quá thường xuyên, lượng ăn quá nhiều, xào nấu dầu hào ở nhiệt độ quá cao thì lại rất hại cho sức khỏe.
Bởi vì nguyên liệu chính để tạo thành dầu hào là hàu. Nó có hàm lượng i ốt khá cao, nếu ăn nhiều sẽ kích thích tuyến giáp, dễ gây bệnh cho tuyến giáp, bao gồm cả ung thư. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, loại gia vị này sẽ được thêm 1 số thành phần giúp kéo dài hạn sử dụng, hóa chất tạo màu gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa đường ruột. Về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày.
Đặc biệt, dầu hào còn chứa nhiều glutamate natri, đây là 1 chất làm tăng nguy cơ ung thư nếu ăn phải trong thời gian dài. Nó cũng có lượng natri cao nên dễ gây nhiều bệnh tật cho con người.
3. Đường trắng
Chế độ ăn quá ngọt, ăn quá nhiều đường là con đường nhanh nhất dẫn đến bệnh tật và cắt ngắn tuổi thọ con người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thêm quá nhiều đường khi chế biến món ăn là 1 trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Điều này là do đường có thể gây tiết 1 lượng lớn insulin và làm suy giảm chức năng của tiểu đảo. Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn gây ra ung thư tuyến tụy. Theo 1 vài nghiên cứu, việc tiêu thụ nhiều đường trong chế độ ăn uống điển hình của phương Tây còn liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú và di căn phổi.
Ngoài ra, đây cũng là thói quen xấu gây ra bệnh tiểu đường, mỡ máu, béo phì. Nó cũng làm tăng mức insulin, kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nhịp tim và huyết áp. Về lâu dài dễ gây bệnh tim mạch, huyết áp cao.
4. Mắm tôm
Dù khá kén người ăn nhưng mắm tôm không chỉ là nước chấm mà còn là gia vị đặc biệt của 1 số nước Châu Á.
Nhưng phải hiểu rằng mắm tôm được sản xuất bằng cách lên men chân và đầu tôm với nhiều muối. Ngoài khó đảm bảo vệ sinh, nó còn chứa nhiều nitrit, là chất gây ung thư hàng đầu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo từ lâu. Vì vậy không nên ăn quá thường xuyên, đặc biệt là ăn trực tiếp không thông qua chế biến như hấp, chưng, làm ấm…
Nó cũng là tác nhân chính gây ra các bệnh tiêu chảy, ngộ độc nếu sản xuất và bảo quản không hợp vệ sinh, dễ nhiễm vi sinh vật gây hại. Ngoài ra, loại gia vị này có thể gây rối loạn bài tiết dịch vị, sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và làm nặng thêm các bệnh lý về dạ dày.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/4-loai-gia-vi-an-nhieu-lam-tang-nguy-co-mac-ung-thu-nhung-chang-nha-bep-cua-gia-dinh-nao-la-khong-co-20220427155551935.chn