Những bài học của cuộc đời

11:00' 24-04-2024
Những bài học của sách vở là cần thiết, nhưng những bài học của cuộc đời lại vô cùng quan trọng và sẽ giúp con người ta học được nhanh hơn.


    Diệu đi một lượt khắp chợ. Đã lâu lắm rồi Diệu mới bước lại vào ngôi chợ này, một ngôi chợ lớn nhất thành phố và cũng là trung tâm mua sắm rất hút khách du lịch mỗi khi đến đây. Vì tính Diệu vốn đơn giản, nhiều khi có đến mấy năm cô mới sắm sanh cho mình một vài bộ váy hay những đồ dùng cần thiết của phụ nữ. Còn lại cô hay đi chợ ở gần nhà hơn, dù đó là một ngôi chợ nhỏ nhưng cũng đầy đủ những mặt hàng thiết yếu và lại vừa gần nhà nên Diệu rất thích.

    Diệu bước lên thang lầu, cô thấy choáng ngợp vì những ánh đèn và cả những cách trang trí hàng hóa vô cùng bề thế và rực rỡ. Chắc đã lâu lắm cô không dạo chợ nên không biết, trong một thoáng Diệu cảm thấy cô giống như một cô gái nhà quê lên tỉnh vậy, cứ ngơ ngơ ngác ngác nhìn hết chỗ này đến chỗ khác, mà chỗ nào cũng đẹp cũng muốn níu chân người mua. Diệu thầm nghĩ nếu có thể chắc cô khua hết cả ngôi chợ này về nhà rồi tự do và thong thả ngắm nhìn cho đã mắt.

    Diệu dừng lại trước một gian hàng về mũ nón, cô nhìn thấy có những chiếc nón loại nón bài thơ từ ngày xưa mà các bà các mẹ các cô hay đội. Nhưng bây giờ người ta đã vẽ thêm trên đó rất nhiều hình vẽ đẹp mắt với đủ màu sắc khác nhau, đa số là cảnh quê hương đất nước còn chiếc nón vẫn được giữ nguyên hình dáng như thế, vẫn duyên dáng uyển chuyển cho người đội. Mà Diệu thấy ngay cả đàn ông người nước ngoài cũng rất thích đội chứ không riêng gì phụ nữ.

    Diệu dừng lại và cầm lên một chiếc nón, cô bán hàng tưởng là Diệu muốn mua nên chào mời đon đả, Diệu vội vàng đặt xuống và cười như xin lỗi. Chị ơi, vì em thấy đẹp quá nên tiện tay cầm lên chứ không mua, rồi cô nhanh nhẹn bước đi, cô chỉ lo người ta chưa bán mở hàng là sẽ bị mắng. Cô đi khắp tất cả các gian hàng, cũng mua được cho mình một vài món vừa ý rồi về, Diệu còn nhớ mua cho mẹ một cái áo ấm vì cô thấy thời tiết đã trở lạnh và mẹ mỗi ngày một lớn tuổi. Diệu kể cho mẹ nghe về những cảm xúc của cô trong một buổi sáng dạo chợ như nào, cô không quên kể lại gian hàng bán nón. Rồi cô hỏi mẹ có còn nhớ chuyến nghỉ hè năm đó của cô không, một kỳ nghỉ hè hơn một tháng đã để lại cho Diệu những kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng ghi lại trong cô về tình yêu quê hương đất nước mình qua hình ảnh của chiếc nón. Vì năm đó là năm Diệu đã đậu vào một trường cấp ba của tỉnh với số điểm rất cao, nên mẹ cô đã thưởng cho cô một kỳ nghỉ như vậy, mẹ cô nói cô đã rất chăm chỉ học tập nên cũng cần được nghỉ ngơi và học những bài học của cuộc đời. Rồi mẹ cô cho cô về chơi nhà dì cô, một vùng quê cũng cách thành phố nơi cô sống đến mấy trăm cây số.

    Mẹ Diệu cười khi lắng nghe những gì con gái nói, còn Diệu chỉ cần nhìn mẹ là cô biết mẹ cô không quên được dù năm đó cô chỉ đi một mình. Mẹ cô nói cứ ngồi trên xe rồi xe chạy một lèo là đến nơi là sẽ có dì ra đón, vì nhà dì ngay sát với quốc lộ là nơi xe cộ hay chạy qua mỗi ngày. Mà mẹ cô cũng không ngờ được sau chuyến đi nghỉ đó Diệu đã kể lại cho mẹ nghe một câu chuyện vô cùng cảm động về con người và cả về công việc của vùng quê đó, dù chỉ gói gọn trong nhà dì của cô. Mà mẹ vì quá bận việc nên đã để Diệu đi một mình, xem như cháu về chơi và thay mẹ thăm dì luôn thể.

    Diệu được làm quen với chị Mùi ở đó, chị là con nuôi của dì, nhưng dì nói vì dì nuôi chị đã lâu nên xem như con ruột luôn, và chị Mùi cũng rất thương dì nên người ngoài không biết cứ nhìn vào sẽ nghĩ là hai mẹ con ruột. Chị Mùi không đẹp nhưng rất hiền và rất khéo tay, ở chơi với dì được một ngày là Diệu đã đòi theo chị để xem chị chằm nón như nào. Chị nói đó là công việc mưu sinh của chị, mà chị cũng đã quen tay quen chân từ nhiều năm rồi, Diệu thấy rất thích thú khi nghe chị Mùi kể về nơi làm và công việc của chị. Năm đó Diệu mới chỉ là một cô bé mười mấy tuổi còn rất háo hức và rất thích học hỏi những điều mới lạ, mà chị Mùi cứ không cho, chị nói đó là chỗ làm nên họ cũng có quy định nghiêm lắm nên không mang Diệu theo được. Chị chỉ hứa sẽ mang về cho Diệu một cái nón và xem như là quà tặng của chị luôn. Nhưng cuối cùng thấy Diệu năn nỉ quá nên chị xiêu lòng, chị còn dặn là đến nơi cứ ngồi sát bên chị đừng chạy lung tung sẽ bị la.

    Diệu đã được tận mắt chứng kiến nghề làm nón như vậy đó, toàn là mấy cô mấy chị cứ chăm chỉ cắm cúi vào cái nón. Mà Diệu phải công nhận là tất cả họ đều rất khéo tay như nhau, ai cũng thoăn thoắt nhịp tay đưa qua đưa lại, chẳng mấy chốc đã có thêm một cái, rồi cái nữa, vậy đó. Mà chị Mùi nói có những lúc người ta đặt hàng nhiều lắm nên cứ làm tắt mặt tối mày vẫn không kịp, rồi còn chuyển sang cho người ta vẽ nữa. Diệu nhớ cô đã mê mẩn cầm từng cái nón mà trên đó có vẽ đủ dáng hình đất nước, toàn là những cảnh đẹp nổi tiếng của nước mình. Mà Diệu cứ thắc mắc sao có ai mà giỏi quá vậy có thể vẽ đẹp còn hơn cả họa sĩ nữa, thì mọi người đều cười và nói em cứ hỏi chính chị của em đó, chị của em là biết rõ nhất.

    Đến bây giờ Diệu vẫn còn thương và thấy tiếc nuối cho chị Mùi. Chị đã có một tình yêu với anh ấy, người nhận vẽ nón cho xưởng làm nón của chị lúc đó, mà những gì Diệu nghe kể lại là anh đã để ý và theo chị đến suốt một năm chị mới gật đầu. Rồi ai cũng vui mừng vì nghĩ trước sau anh chị cũng sẽ cưới nhau. Chị Mùi kể cho Diệu nghe là anh rất thích nghề vẽ nón và chị cứ tin là sau này anh và chị sẽ lấy nhau rồi sẽ sinh sống bằng công việc đó, bằng nghề nghiệp đó suốt đời. Và vì vùng quê đó, làng xóm thân yêu đó cũng đã là quê hương thứ hai của chị từ lâu rồi, mà còn thân thương và gắn bó rất thiết tha nữa. Vì chị mất mẹ từ rất nhỏ rồi được dì mang về nuôi nên giờ đây ai hỏi chị là được sinh ra ở đâu và ba mẹ như nào thì chị sẽ lắc đầu vì không nhớ. Dì của Diệu đã lấy luôn tên xóm tên làng và cả tên dì để làm khai sinh và xem chị, thương chị như ruột thịt luôn.

    Diệu còn nhớ như in vẻ mặt rất hạnh phúc của chị khi chị nhắc đến anh, là người yêu của chị. Rồi Diệu cũng được gặp anh nữa, Diệu thấy mến người đàn ông đó, Diệu thấy anh ấy cũng hiền lành như chị Mùi và còn chân thật nữa. Cô thấy yêu những cái nón và những người dân nơi đó, một vùng quê rất dân dã nhưng rất chân tình. Và mãi đến những năm sau khi Diệu lớn lên cô càng cảm hết được những bài học mà cô hay được học về tình yêu quê hương đất nước là như thế. Là chẳng ở đâu xa xôi mà ở ngay chính trong ngôi nhà của dì, của chị, của những người thân yêu của cô, ở ngay trong từng chiêc nón rất nhẹ rất nhỏ rất đơn giản mộc mạc. Nhưng cứ nhìn thấy chiếc nón là người ta sẽ nhìn thấy cả hình ảnh một đất nước trong đó, người ta sẽ nhớ và sẽ thêm yêu thêm tự hào về quê hương đất nước mình. Diệu cũng nhận ra vì sao mẹ cô nói những bài học của sách vở là cần thiết, nhưng những bài học của cuộc đời lại vô cùng quan trọng và sẽ giúp con người ta học được nhanh hơn, dễ cảm thấu hơn và dễ đối mặt hơn với biết bao chuyện lớn nhỏ của cuộc đời sau này.

    Đó là những gì Diệu được nghe mẹ nói, và đó cũng là lý do mẹ cô muốn cô được về nhà dì chơi là vậy. Mà Diệu thấy đúng là kỳ nghỉ đó chuyến đi đó đã làm cô thêm yêu chị Mùi, đã làm cô biết thêm một công việc rất lâu của người dân đất nước mình đó là nghề làm nón, và đã làm cô thêm hiểu và thêm yêu những gì cô vẫn chỉ hay được học trong sách vở mà thôi.

    Diệu thương chị Mùi còn ở chỗ sau khi cô về rồi khoảng đến gần hai năm sau thì cô nhận được thư của chị gởi, một lá thư thật dài mà chứa đầy những nỗi buồn nặng trĩu của chị trong đó. Chị Mùi kể cô nghe là anh ấy đã nghe lời bạn bè rồi bỏ lên núi đào vàng và đã đi biệt luôn từ hơn một năm nay không quay về nữa, chị Mùi đã đỏ mắt chờ mong nhưng cứ chờ hoài thì anh càng biệt dạng. Diệu đọc thư chị mà cứ không thể tin được, cô thấy xót xa cho chị Mùi vì ngày đó qua những gì chị nói thì Diệu biết chị đã rất tin tưởng vào một đám cưới rất gần thôi, vậy mà.

    Diệu gấp lá thư của chị lại rồi mà cô cứ như nhìn thấy hình ảnh chị nhỏ bé đang đứng tựa cửa nhà rồi đứng ngóng ở đầu làng mỗi ngày để chờ anh. Rồi những chiếc nón chị đã làm, đã chằm mỗi ngày giờ đây cũng quạnh hiu nằm đó, chắc chúng cũng chờ anh về để tô điểm cho chúng được đẹp hơn được xinh hơn. Diệu như nhìn thấy hình ảnh chị, một phụ nữ thuần nông như người ta nói là chân lấm tay bùn nhưng không phải trong ruộng đồng mà suốt ngày bên những chiếc nón, một người phụ nữ thầm lặng và hết lòng yêu công việc của mình. Rồi giờ đây cũng chỉ còn mỗi mình chị cứ ngồi đó cứ đứng đó với những chiếc nón ngày nào, trong hiu quạnh, trong cô đơn, trong chờ dợi.

    Diệu nhớ lại gian hàng lúc sáng, cô thấy nhớ chị Mùi, không biết giờ này chị sao rồi. Nhưng những chiếc nón được vẽ đủ hình dáng và màu sắc kia cứ như theo riết chân cô và bám riết trong nỗi nhớ của cô, từ làng quê ngày ấy đến gian hàng nón sáng nay. Những chiếc nón lá tròn tròn xinh xinh sao cứ như có nhiều điều muốn nói trong đó, mà biết đâu trong đó cũng có những chiếc nón do chính tay chị Mùi làm nên, nếu vậy chắc chúng sẽ thấu hiểu nỗi buồn và sự hiu quạnh của chị Mùi.

    Tối hôm đó Diệu cứ trằn trọc mãi mới chợp mắt được, cô thấy cô đang chìm vào một giấc mơ, một giấc mơ kỳ lạ chỉ với những vòng tròn cứ quay loang loáng trước mắt cô như một điệu múa vậy. Diệu nhìn thấy vô số những hình tròn những vòng tròn như thế, và cô còn nhìn thấy một dòng chữ được in rất đậm rất rõ trên những vòng tròn. Diệu cố mở to mắt để đọc và cô cảm giác nước mắt cô đang rơi xuống gối, đó là dòng chữ, sự cô quạnh.

    Diệu chìm vào giấc ngủ, dù trong một thoáng lãng đãng của một giấc mơ nửa mơ nửa tỉnh, Diệu như thấy hình ảnh chị Mùi đang hiện lên với một nụ cười buồn. Rất lạ là chị đang cầm trên tay một chiếc nón và Diệu đọc được trong ánh mắt chị tận cùng của nỗi buồn đó, là sự cô quạnh.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/vong-tron-hiu-quanh-nw246683.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ