Nga cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân giữa xung đột Ukraine

19:00' 24-03-2022
Nga cảnh cáo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân giữa xung đột Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối đầu hạt nhân leo thang.


    "Chúng tôi đã công bố khái niệm về an ninh nội địa, trong đó quy định mọi lý do sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu xuất hiện mối đe dọa sống còn với đất nước, vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo khái niệm đó", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời phỏng vấn CNN hôm 22/3, khi được hỏi về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến xung đột Ukraine.

    Tuyên bố của ông Peskov lập tức gây lo ngại, khi Nga không loại trừ hoàn toàn khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc xung đột đang xảy ra với nước láng giềng. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng cách giải thích của Moskva về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là "nguy hiểm" và "không phải là cách hành xử của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm".

    Trong Chiến tranh Lạnh, ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân được coi là không tưởng, khi cả Mỹ và Liên Xô đều sở hữu những vũ khí nguyên tử mạnh gấp hàng nghìn lần quả bom từng thả xuống Hiroshima. Kho vũ khí hạt nhân uy lực lớn như vậy đã tạo thành năng lực Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau (MAD), khiến không lãnh đạo nào muốn ấn nút khai hỏa tên lửa hạt nhân trước.

    Nhưng ngày nay, cả Nga và Mỹ đều đã phát triển những loại vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt thấp hơn nhiều, chỉ bằng một phần nhỏ so với quả bom ở Hiroshima. Do đó, khả năng sử dụng chúng có thể ít đáng sợ hơn và được các lãnh đạo nghĩ tới nhiều hơn, theo William J. Broad, nhà phân tích của NY Times.

    Khả năng này tăng lên trong cuộc xung đột Ukraine, khi Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tháng 2 báo động lực lượng hạt nhân Nga. Tuyên bố ngày 22/3 của phát ngôn viên Điện Kremlin khiến giới quan sát lo ngại nếu chiến dịch quân sự ở Ukraine gặp bất lợi, Nga có thể tìm đến giải pháp từ vũ khí hạt nhân.

    "Khả năng này thấp nhưng đang tăng lên", Ulrich Kuhn, chuyên gia hạt nhân tại Đại học Hamburg và Tổ chức vì Hòa bình quốc tế Carnegie, nói. "Chiến dịch đang diễn ra không suôn sẻ với người Nga và áp lực từ phương Tây đang gia tăng".

    Một xe chở đạn kiêm phóng tên lửa Iskander-M tại trường bắn ở Ussuriysk, Nga năm 2016. Ảnh: TASS.

    Một xe chở đạn kiêm phóng tên lửa Iskander-M tại trường bắn ở Ussuriysk, Nga năm 2016. Ảnh: TASS.

    Tiến sĩ Kuhn vạch ra kịch bản trong trường hợp Nga cho rằng có "mối đe dọa sống còn" liên quan đến khủng hoảng Ukraine, nước này có thể kích nổ vũ khí hạt nhân ở một khu vực không có người, thay vì nhắm vào binh sĩ đối phương.

    Trong một nghiên cứu năm 2018, ông đã vạch ra một kịch bản khủng hoảng, trong đó Moskva cho nổ một quả bom hạt nhân ở vùng hẻo lánh tại Biển Bắc, như một cách báo hiệu rằng các cuộc tấn công nguy hiểm hơn có thể sắp xảy ra.

    "Thật đáng sợ khi nói về những điều này", Kuhn nói. "Nhưng chúng ta phải cân nhắc rằng đây đang trở thành một khả năng".

    Mỹ đã dự đoán Nga sẽ có thêm nhiều động thái hạt nhân hơn trong những ngày tới. Trung tướng Scott D. Berrier, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, tuần trước nói rằng Moskva có khả năng "ngày càng dựa vào răn đe hạt nhân" để cảnh báo phương Tây không can thiệp thêm vào xung đột tại Ukraine.

    Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu lên đường tới châu Âu tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels. Hội nghị được cho sẽ thảo luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine và cách liên minh phản ứng nếu Nga triển khai vũ khí hóa học, sinh học, tấn công mạng hoặc hạt nhân.

    Cuộc chạy đua toàn cầu về đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn ngày càng căng thẳng. Dù những đầu đạn này sức hủy diệt thấp hơn nhiều mức tiêu chuẩn thời Chiến tranh Lạnh, các ước tính cho thấy chúng vẫn tương đương nửa quả bom Hiroshima. Nếu được kích nổ ở những thành phố lớn, nó có thể khiến nửa triệu người chết hoặc bị thương.

    Không có hiệp ước kiểm soát vũ khí nào quy định về các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, thường được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, nên các cường quốc có thể tự do chế tạo và triển khai chúng.

    Học thuyết chiến tranh nguyên tử của Nga thường được biết đến là "leo thang để giảm leo thang", nghĩa là quân đội sẵn sàng khai hỏa vũ khí hạt nhân để khiến kẻ thù phải rút lui hoặc khuất phục.

    Moskva từng nhiều thực hành chiến thuật này trong các cuộc tập trận. Trong đợt diễn tập quy mô lớn năm 1999, Moskva giả định tình huống NATO tấn công vào Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga, gây cảnh hỗn loạn cho các lực lượng Nga. Tình thế chỉ được vãn hồi khi Nga khai hỏa tên lửa hạt nhân vào Ba Lan và Mỹ trong cuộc diễn tập.

    Tiến sĩ Kuhn nói Nga đã chuyển từ các cuộc tập trận phòng thủ những năm 1990 sang diễn tập tấn công vào thập niên 2000. Với chiến lược tấn công mới, Nga đã hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, gồm cả những đầu đạn chiến thuật.

    Một trọng tâm đầu tư của Nga trong kho vũ khí mới là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, lần đầu được triển khai năm 2005. Một bệ phóng di động Iskander có thể khai hỏa hai tên lửa với tầm bắn hơn 480 km.

    Tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Khi mang đầu đạn hạt nhân, nó có thể gây vụ nổ có sức hủy diệt bằng 1/3 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

    Ảnh vệ tinh cho thấy trước khi mở chiến dịch ở Ukraine, Nga đã triển khai các khẩu đội tên lửa Iskander ở Belarus và biên giới phía tây. Không có dữ liệu công khai nào cho biết liệu Nga có trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa Iskander này hay không.

    Nikolai Sokov, cựu nhà ngoại giao Nga từng tham gia đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Liên Xô, nói ngoài Iskander-M, Nga có thể gắn đầu đạn hạt nhân chiến thuật lên tên lửa hành trình. Sokov thêm rằng khi được phóng từ bên trong lãnh thổ Nga, những tên lửa này có thể "chạm đến toàn bộ châu Âu", trong đó có cả Anh.

    Để cạnh tranh về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật với Nga, Mỹ từ vài thập kỷ trước đã chuyển bom hạt nhân cỡ nhỏ có thể gắn trên tiêm kích tới các căn cứ quân sự ở Bỉ, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

    Năm 2010, tổng thống Barack Obama, người từ lâu ủng hộ thế giới không vũ khí hạt nhân, quyết định cải tiến kho vũ khí hạt nhân của NATO, biến chúng thành những quả bom thông minh B61 Model 12 có độ chính xác cao. Điều này cho phép các chỉ huy quân sự giảm sức công phá của chúng xuống bằng khoảng 2% quả bom từng ném xuống Hiroshima.

    Tuy nhiên, tới năm 2018, chính quyền tổng thống Donald Trump đã đề xuất phát triển W76 Model 2, một đầu đạn tên lửa mới có sức công phá gần bằng nửa quả bom ở Hiroshima. Chính quyền Trump lập luận rằng đầu đạn này làm giảm nguy cơ chiến tranh bằng cách răn đe Nga. Nó đã được triển khai trên hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo Mỹ vào cuối năm 2019.

    Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Biden nói đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp này là "ý tưởng tồi", có thể khiến các tổng thống có xu hướng sử dụng nó. Nhưng Kristensen cho biết Nhà Trắng nhiều khả năng không loại bỏ đầu đạn hạt nhân W76 Model 2 khỏi tàu ngầm chiến lược của Mỹ.

    Hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars trong lễ duyệt binh tại quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga năm 2020. Ảnh: NY Times.

    Hệ thống tên lửa đạn đạo RS-24 Yars trong lễ duyệt binh tại quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga năm 2020. Ảnh: NY Times.

    Khi ông Putin báo động cao lực lượng chiến lược Nga, ông Biden đã tìm cách trấn an người Mỹ không nên lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dấu hiệu lo ngại về loại vũ khí hủy diệt này, hiện chưa rõ Tổng thống Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Nga khai hỏa vũ khí hạt nhân.

    Kế hoạch ứng phó chiến tranh hạt nhân là một trong những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Washington. Chuyên gia cho rằng kế hoạch tác chiến có thể là một vụ phóng cảnh cáo, một cuộc tấn công đơn lẻ, hay đợt tập kích ồ ạt bằng vũ khí hạt nhân. Câu hỏi khó nhất đặt ra là liệu các bên có phương cách đáng tin cậy nào để ngăn xung đột leo thang hay không.

    Ngay cả James Clapper, cựu giám đốc tình báo quốc gia dưới thời tổng thống Obama, cũng nói ông không chắc sẽ tư vấn cho Tổng thống Biden như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

    "Khi nào thì Mỹ tung ra đòn trả đũa hạt nhân?", ông đặt câu hỏi. "Chúng ta không thể cứ giơ mặt ra chịu đòn. Tới một thời điểm, chúng ta sẽ phải làm điều gì đó".

    Các chuyên gia cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là Mỹ khai hỏa một tên lửa từ tàu ngầm chứa đầu đạn W76 Model 2 vào vùng hoang vu ở Siberia hoặc một căn cứ quân sự xa khu dân cư tại Nga. Một vụ nổ hạt nhân quy mô nhỏ như vậy có thể là cách để Mỹ phát tín hiệu tới Nga rằng "tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, mọi thứ đang vượt tầm kiểm soát".

    Đòn đáp trả kiềm chế như vậy sẽ đẩy quả bóng trách nhiệm về phía Tổng thống Nga, người sẽ phải quyết định có tung ra đòn đánh hạt nhân tiếp theo hay không.

    Trong kịch bản đen tối hơn, giới quan sát cho rằng ông Putin có thể sử dụng vũ khí nguyên tử nếu xung đột Ukraine lan rộng sang các nước thuộc NATO. Khi đó, các thành viên NATO, trong đó có Mỹ, có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau, có thể sẽ sử dụng đầu đạn hạt nhân.

    Tiến sĩ Tannenwald tự hỏi liệu các biện pháp ngăn chặn thông qua răn đe hạt nhân trước đây có thể giúp bảo vệ hòa bình hiện nay hay không. "Chắc chắn sẽ không như vậy trong một cuộc khủng hoảng", bà nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
CANNA Vùng: Melbourne. Phone: 1800 422 662
Xem thêm

Nông nghiệp


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bong-ma-hat-nhan-rinh-rap-xung-dot-ukraine-4442426.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ