NATO họp thượng đỉnh tại Washington
Lãnh đạo 32 nước thành viên NATO ngày 9/7 bắt đầu họp thượng đỉnh tại Washington, Mỹ. Sự kiện kéo dài đến 11/7, dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.
Khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, các thành viên NATO ở châu Âu đang ngày càng lo ngại về tương lai quan hệ với Washington, bởi cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump chứa đựng những yếu tố rất khó lường.
Ông Biden, 81 tuổi, khiến các đồng minh lo ngại về vấn đề tuổi tác. Trong khi đó, ông Trump, 78 tuổi, từng công khai chỉ trích liên minh trong nhiệm kỳ đầu và khi tranh cử năm nay. Hai ứng viên đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 27/6, với phần thể hiện của ông Biden gây nhiều thất vọng.
Tổng thống Biden kỳ vọng việc ông thể hiện được khả năng lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ giúp cải thiện vị thế trước đối thủ trong nỗ lực tranh cử. "Ai có thể giữ cho NATO đoàn kết được như tôi?... Tôi nghĩ một cách tốt để đánh giá tôi là hội nghị thượng đỉnh NATO. Hãy đến và lắng nghe. Hãy nghe xem họ nói gì", ông Biden trả lời phỏng vấn ABC News ngày 5/7.
Nhưng sau cuộc tranh luận, nhiều nhà ngoại giao châu Âu đang lo ngại về kịch bản ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. Cựu tổng thống Mỹ từng dọa rút nước này khỏi NATO, công kích các thành viên liên minh không đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP như cam kết. Ông cũng ám chỉ có thể hoãn viện trợ cho Ukraine, coi đó là đòn bẩy để buộc Kiev chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Moskva.
Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu tại Wildwood, bang New Jersey ngày 11/5. Ảnh: AP
Ngay từ đầu mùa bầu cử Mỹ năm nay, các nước châu Âu đã cử phái viên đến chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Mỹ hoặc viện chính sách bảo thủ như Heritage Foundation, đơn vị từng đưa ra nhiều dự báo về tầm nhìn đối ngoại của ông Trump trong nhiệm kỳ hai, để tìm hiểu chính sách điều hành của ông.
Tuy nhiên, họ cho biết tầm nhìn về chính sách đối ngoại của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, còn tùy thuộc vào ý muốn ngẫu hứng của cựu tổng thống và có thể được quyết định vào phút chót. "Bạn gặp nhiều người nói họ hiểu Trump nghĩ gì, nhưng thực tế là không ai biết cả", một quan chức châu Âu nói với Guardian.
Chi tiêu quốc phòng của NATO là vấn đề được ông Trump nhắm đến trong nhiệm kỳ đầu. Cựu tổng thống Mỹ từng gây chấn động tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018 ở Bỉ khi cảnh báo rút Mỹ sẽ khỏi liên minh nếu các quốc gia thành viên không đáp ứng chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Khi đó, ngoài Mỹ chỉ có ba quốc gia đạt mốc này.
Trong những năm sau hội nghị thượng đỉnh năm 2018, chi tiêu quốc phòng của các thành viên đã tăng, với xúc tác chính trong hai năm qua được cho là việc Nga mở chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022. Các quan chức NATO dự định nhấn mạnh với công chúng Mỹ về tiến triển trong vấn đề này.
"Châu Âu sẽ phải tỏ ra dũng cảm và chúc mừng NATO, chúc mừng thông tin 23 trong số 32 thành viên đã đạt mục tiêu chi quốc phòng bằng hoặc hơn 2% trong năm nay", Joern Fleck, giám đốc cấp cao tại Trung tâm châu Âu thuộc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở Mỹ, cho biết.
Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng châu Âu bình yên hơn dưới thời cựu tổng thống Trump, so với người tiền nhiệm Obama và người kế nhiệm Biden. "Ông Trump đã khiến các đồng minh tăng chi tiêu cho NATO bằng cách yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ", theo phát ngôn viên.
Lao công dọn dẹp bên ngoài tòa nhà sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ ngày 8/7. Ảnh: AFP
Kịch bản Trump đắc cử nhiệm kỳ hai được cho là còn ảnh hưởng đến nỗ lực hỗ trợ của NATO cho Ukraine trong xung đột với Nga. Ông từng cảnh báo sẽ nhanh chóng dừng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng.
Reuters tháng trước đưa tin hai cố vấn Keith Kellogg và Fred Fleitz đã trình cho ông Trump một kế hoạch để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine, trong đó có việc Kiev chỉ có thể nhận thêm viện trợ quân sự từ Washington nếu họ tham gia đàm phán hòa bình.
Ông Trump chưa nêu quan điểm cá nhân về Ukraine, ngoại trừ cam kết sẽ chấm dứt chiến sự "ngay sau khi đắc cử, thậm chí trước khi chính thức vào Nhà Trắng" vào tháng 1/2025. Ông chưa lý giải cách thức thực hiện ý tưởng này.
Phát ngôn viên Steven Cheung của ông Trump nói chỉ những thông tin do đích thân cựu tổng thống hoặc quan chức có thẩm quyền trong chiến dịch tranh cử mới được coi là chính thức. Điện Kremlin cho rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do chính quyền Mỹ tương lai đề xuất cũng phải phản ánh thực tế trên chiến trường và Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn sẵn sàng đàm phán.
Trước thềm bầu cử Mỹ, giới chức các nước thành viên còn lại của NATO đang tìm cách tăng viện trợ quân sự cho Ukraine để nước này không hứng chịu hậu quả "không thể cứu vãn" nếu Trump tái đắc cử.
Một trong những động thái đó là việc NATO tiếp quản vai trò điều phối Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) từ Mỹ. UDCG là liên minh 57 quốc gia, trong đó có toàn bộ 32 thành viên NATO, được thiết lập để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Biden thông báo Mỹ và các đồng minh châu Âu đã nhất trí chuyển giao 4 tổ hợp phòng không Patriot và một hệ thống SAMP-T cho Ukraine. Ông cũng tiết lộ NATO có kế hoạch chuyển giao thêm hàng chục lá chắn tên lửa tầm ngắn nữa cho Kiev trong những tháng tới.
Các nước châu Âu đang thúc đẩy để tuyên bố chung sau hội nghị của NATO sẽ xác định việc lộ trình kết nạp Ukraine vào liên minh là "không thể đảo ngược".
"Nếu cần chọn thời điểm để 'miễn nhiễm Trump' cho lộ trình kết nạp Ukraine vào NATO, đây chính là lúc để thực hiện việc này", Tamar Jacoby, giám đốc Dự án Ukraine mới tại Viện Chính sách Cấp tiến, trụ sở Mỹ, nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-ong-trump-khien-cac-dong-minh-nato-bat-an-4767722.html