Nga dùng khí cầu giăng lưới bắt UAV Ukraine
"Chúng tôi đã chế tạo hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (UAV) có tên Baryer dựa trên kinh nghiệm từ các thế hệ trước", Polina Albek, giám đốc điều hành công ty Pervyy Dirizhabl chuyên sản xuất khí cầu vận tải, nói trong hội nghị Công nghệ Phát hiện và Chống UAV tại St. Petersburg tuần trước.
Theo bà Albek, công ty Pervyy Dirizhabl lấy cảm hứng từ chiến thuật ngăn máy bay bằng khí cầu từ Thế chiến I và Thế chiến II để phát triển Baryer. Lực lượng phòng không các nước khi đó thả khí cầu treo dây xích để ngăn máy bay đối phương.
Quân nhân Nga đứng cạnh mô hình khí cầu được dùng để bảo vệ thủ đô Moskva trong Thế chiến II tại Quảng trường Đỏ năm 2015. Ảnh: Reuters
Khí cầu Baryer có tải trọng tối đa 30 kg. Khi phát hiện UAV hoặc phương tiện bay không người lái (drone) đối phương tiếp cận mục tiêu, các khí cầu Baryer sẽ nhanh chóng được thả thành hàng lên độ cao 300 m, trước khi cùng thả những tấm lưới cao 250 m để tạo thành hàng rào phòng thủ xung quanh các mục tiêu quan trọng.
Những tấm lưới này có tác dụng "bẫy" UAV đang bay tới. Sau khi khí cầu hạ cánh, các kỹ thuật viên sẽ tháo UAV hoặc drone bị mắc kẹt rồi lắp lưới mới cho khí cầu.
Bà Albek cho biết khí cầu Baryer có thể mang theo súng bắn lưới để chặn UAV hoặc drone đang bay. Hệ thống này đã được thử nghiệm và công ty Pervyy Dirizhabl đã nhận một số đơn đặt hàng ban đầu.
Ý tưởng dùng khí cầu tạo thành hàng rào lưới chặn UAV của công ty Pervyy Dirizhabl. Đồ họa: Telegraph
Khí cầu từng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng không của Anh vào Thế chiến II. Tính tới tháng 9/1941, phòng không Anh đã triển khai 2.748 khí cầu, theo Bảo tàng Chiến tranh tại London.
Khí cầu gắn dây xích trong Thế chiến II buộc máy bay Đức phải bay cao hơn, khiến chúng khó tấn công mục tiêu dưới đất và dễ bị trúng đạn phòng không của đối phương hơn.
Hiệp hội Không quân Hoàng gia Anh đánh giá "khí cầu là phương tiện phòng thủ quan trọng để đối phó không quân Đức Quốc xã". "Các sợi dây xích có thể gây hư hại nghiêm trọng hoặc phá hủy máy bay đâm vào chúng", tổ chức này cho biết. "Nếu bắn hạ khí cầu, máy bay đối phương sẽ kẹt trong vụ nổ khí hydro".
Ukraine nhiều lần dùng UAV tầm xa và drone tập kích hạ tầng trọng yếu của Nga, trong đó có một số tổ hợp công nghiệp và cơ sở dầu khí. Giới chức Ukraine cuối tháng 6 tuyên bố nước này tấn công hơn 30 cơ sở dầu khí của Nga, khẳng định có thể tập kích mục tiêu cách biên giới 1.500 km.
Trung tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), hồi tháng 6 cho biết quân đội nước này phóng 70 drone nhằm vào căn cứ không quân Morozovsk ở tỉnh Rostov, cách biên giới hơn 320 km. Theo một nguồn tin an ninh Ukraine, vụ tập kích là "một phần của chiến dịch dài hạn nhằm làm suy yếu không quân Nga".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/khi-cau-nga-chuyen-giang-luoi-bat-uav-ukraine-4767844.html