Mỹ, NATO liên tục chuyển tên lửa chống tăng cho Ukraine
Tờ New York Times hôm 6/3 đưa tin hàng nghìn vũ khí chống tăng được đưa tới biên giới Ba Lan và Romania bằng các vận tải cơ quân sự khổng lồ. Vũ khí sau đó được di chuyển bằng đường bộ tới thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine.
Theo NY Times, Nga đang tập trung tấn công các khu vực khác của Ukraine và chưa nhắm mục tiêu vào đường vận chuyển vũ khí từ biên giới phía tây, nhưng điều này khó có thể kéo dài.
Một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nhà Trắng phê duyệt gói vũ khí và thiết bị trị giá 350 triệu USD, trong đó có tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không vác vai Stinger. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết vũ khí được chuyển từ các kho dự trữ quân sự ở Đức tới Ba Lan và Romania, từ đó vận chuyển trên đất liền vào miền tây Ukraine.
NY Times nói rằng ngoài viện trợ vũ khí, lực lượng từ Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng của Mỹ đang hoạt động trong các căn cứ xung quanh Đông Âu, sẵn sàng can thiệp các cuộc tấn công kỹ thuật số và thông tin liên lạc từ Nga. Quan chức tình báo Mỹ và Đức cũng đang phân tích các hình ảnh về lực lượng Nga và chuyển cho các đơn vị quân đội Ukraine trong vòng 1-2 giờ.
Lính Ukraine diễu hành cùng tên lửa chống tăng Javelin tại Kiev năm 2018. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 6/3, khi được hỏi liệu Ba Lan, một thành viên NATO, có thể bắt đầu gửi chiến đấu cơ đến Ukraine hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng "việc đó đã được bật đèn xanh" và "chúng tôi đang thảo luận với phía Ba Lan về phương án bù đắp nhu cầu của họ".
Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), đang rót vũ khí vào Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Hà Lan gửi các bệ phóng rocket cho lực lượng phòng không Ukraine, Estonia gửi tên lửa chống tăng Javelin, Latvia gửi tên lửa đất đối không Stinger và Cộng hòa Czech gửi súng máy, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hứa cung cấp hàng chục nghìn đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay trinh sát không người lái và các vũ khí khác. Đức, quốc gia từ lâu không gửi vũ khí tới các khu vực xung đột, cũng đảo ngược quy định và gửi tên lửa Stinger cùng trang thiết bị quân sự cho Kiev.
Thụy Điển, quốc gia trung lập và không phải thành viên NATO, tuyên bố gửi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ sắt, 5.000 áo giáp, 135.000 khẩu phần ăn dã chiến và 52 triệu USD. Một quốc gia trung lập khác là Phần Lan cũng nói sẽ cung cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến cho Ukraine.
Nhưng liệu số vũ khí mà châu Âu gửi có đến kịp Ukraine để giúp xoay chuyển tình hình ở thực địa hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Bên cạnh đó, nỗ lực cung cấp vũ khí của NATO cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một cuộc chiến lớn hơn và những biện pháp đáp trả từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các mũi tiến quân của Nga. Đồ họa: Guardian.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-nato-chuyen-17-000-vu-khi-chong-tang-cho-ukraine-4435611.html