Khởi đầu mới cho mối quan hệ Pháp - Úc sau vụ hủy hợp đồng tàu ngầm
Kết thúc cuộc hội đàm tại Paris (Pháp), Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron tái khẳng định cam kết xây dựng một quan hệ song phương gần gũi hơn và mạnh mẽ hơn dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) đón Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới thăm Paris, ngày 1/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Australia và Pháp là hai quốc gia của cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và có chung lịch sử hợp tác lâu dài trong khu vực, bao gồm các vùng lãnh thổ thuộc Pháp như New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp, Wallis và Futuna và Đảo Réunion.
Hai nước chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và kiên cường, dựa trên đối thoại và các sáng kiến chung với các đối tác trong khu vực.
Để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển, hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập một chương trình hợp tác mới dựa trên ba trụ cột: quốc phòng -an ninh; khả năng phục hồi - hành động vì khí hậu; giáo dục - văn hóa.
Đáng chú ý, hai bên cam kết cùng nhau bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc và tính toàn vẹn của luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng chung ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí hình thành mối quan hệ quốc phòng mới, tăng cường hợp tác và trao đổi về các lợi ích an ninh chung, bao gồm các hoạt động hàng hải chung, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ nhân đạo trong khu vực Thái Bình Dương.
Đi kèm với đó là các cam kết tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục và thể thao song phương và trong cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Pháp và Australia khẳng định sẽ đưa ra các sáng kiến tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nâng cao khả năng chống chịu trong không gian mạng, công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Chủ đề khai thác khoáng sản quan trọng, thúc đẩy công nghệ sản xuất hydro và hợp tác về công nghệ phát thải thấp, cơ sở hạ tầng sạch và các giải pháp “dựa trên tự nhiên” được đặc biệt quan tâm.
Bản tuyên bố trên, cùng với sự chào đón nồng nhiệt của Tổng thống Macron đối với Thủ tướng Albanese tại Điện Elysee, cho thấy quan hệ giữa Australia và Pháp đã chính thức bước sang một chương mới.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xuống cấp nghiêm trọng kể từ tháng 9/2021 khi chính phủ tiền nhiệm ở Australia hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm lớp Attack với tập đoàn đóng tàu ngầm Naval của Pháp để chuyển sang phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận mới với Mỹ và Anh (AUKUS).
Quyết định trên của cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kéo theo phản ứng mạnh mẽ từ Paris. Tổng thống Macron khi đó cáo buộc ông Morrison lừa dối Pháp và đã triệu Đại sứ Pháp tại Australia về nước trong một thời gian ngắn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới thăm Paris, ngày 1/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Albanese ngay sau khi ông đắc cử, Tổng thống Pháp tái khẳng định rằng vấn đề tàu ngầm đã gây tổn hại sâu sắc lòng tin giữa hai nước.
Tại buổi họp báo diễn ra trước hội đàm, Tổng thống Macron thừa nhận Pháp và Australia đã trải qua "những thời điểm khó khăn", nhưng nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ đối tác chiến lược, chia sẻ lịch sử chiến tranh ở châu Âu, cũng như lợi ích chung trong việc bảo đảm ổn định ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông chủ Điện Elysee khẳng định việc ông Albanese chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Australia và cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai người "đánh dấu sự sẵn sàng xây dựng lại mối quan hệ tin cậy và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.
Ông khẳng định, cuộc hội đàm giữa ông và nhà lãnh đạo mới của Australia tập trung thảo luận về tương lai, chứ không về những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Về phần mình, Thủ tướng Albanese tuyên bố Australia coi trọng mối quan hệ với Pháp và sự có mặt của ông tại Điện Elysee đánh dấu “sự khởi đầu mới” cho mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực.
Trước đó, trả lời truyền thông trong nước, Thủ tướng Albanese đánh giá sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua là "một thảm kịch", làm suy yếu lợi ích của Australia trên toàn châu lục. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của tôi không phải là đưa mối quan hệ trở lại như xưa, mà là thúc đẩy mối quan hệ tiến lên. Pháp là một cường quốc trọng yếu ở châu Âu và ở cả Thái Bình Dương. Và vì vậy mối quan hệ này rất quan trọng”.
Theo nhà lãnh đạo Australia, việc tái khởi động quan hệ ngoại giao với Pháp sau khi chính phủ của ông tuyên bố sẽ trả 835 triệu AUD (585 triệu USD) tiền bồi thường cho Tập đoàn đóng tàu Naval, sẽ mang lại "những cơ hội thực sự" cho Australia.
Quan hệ đối tác song phương được khôi phục sẽ thúc đẩy đầu tư hai chiều giữa hai nước và cho phép hai bên thực hiện các cuộc tập trận chung trên biển ở Thái Bình Dương.
Cũng theo Thủ tướng Australia, người vừa có loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid, Tây Ban Nha, việc hàn gắn mối quan hệ với Pháp và các chính sách về biến đổi khí hậu của chính phủ ông đã giúp khôi phục "vị thế tốt và uy tín" của Australia.
Việc Australia chủ động hàn gắn quan hệ với Pháp là tất yếu vì hai nước là đối tác tự nhiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời là những quốc gia gần gũi, chia sẻ các giá trị và lịch sử. Bên cạnh đó, người dân Australia cũng có thiên hướng tin tưởng quốc gia châu Âu.
Theo cuộc thăm dò ý kiến hằng năm của Viện Lowy về các vấn đề chính sách đối ngoại, ngoài những lợi ích được chia sẻ giữa Australia và Pháp, khoảng 8/10 người Australia được hỏi bày tỏ tin tưởng Pháp hành động có trách nhiệm trên thế giới, một con số không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng xung quanh AUKUS và vẫn ổn định từ năm 2018.
Ngoài ra, 67% người Australia bày tỏ sự tin tưởng đối với Tổng thống Macron (so với 59% cho Thủ tướng Anh Boris Johnson và 58% cho Tổng thống Mỹ Joe Biden).
Giới quan sát nhận định việc chính phủ mới ở Australia quyết tâm khôi phục và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ với Pháp vì lợi ích quốc gia và sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất có ý nghĩa trong việc bảo đảm nước này có một chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khu vực, không quá phụ thuộc vào đồng minh quan trọng nhất là Mỹ./.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/phap-va-australia-tao-dung-khoi-dau-moi/249626.html