Đẻ siêu nhanh, sản phụ thở phào nhẹ nhõm còn bác sĩ lại lắc đầu chỉ trích, tại sao?
Nhiều sản phụ mong quá trình sinh nở diễn ra nhanh nhất có thể để giảm bớt nỗi đau của chuyển dạ, nhưng quá trình chuyển dạ bình thường thường kéo dài từ 5-10 tiếng. Tuy nhiên, một số ít phụ nữ chuyển dạ ít hơn 3 tiếng từ khi có dấu hiệu chuyển dạ đến khi sinh và tình trạng này gọi là chuyển dạ khẩn cấp.
Nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ khẩn cấp là do nhịp co của sản phụ quá nhanh với cường độ quá mạnh khiến thời gian sinh nở bị rút ngắn. Tình trạng này sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định tới sự an toàn của mẹ và thai nhi.
Cách đây không lâu, một sản phụ ở Trung Quốc cũng chuyển dạ khẩn cấp và con của chị phải vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ngay sau khi chào đời. Người mẹ này tên là Tiểu Lư (25 tuổi, là một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội).
Tiểu Lư tuy chưa tới ngày dự sinh nhưng đã chuyển dạ khẩn cấp. Ảnh minh họa
Ngay từ những ngày đầu mang thai, Tiểu Lư đã bắt đầu quá trình thai giáo cho thai nhi, đồng thời chị cũng tham khảo ý kiến chế độ ăn uống của các chuyên gia dinh dưỡng. Vì vậy, bà mẹ trẻ này không gặp phải những triệu chứng thai nghén quá khó chịu như buồn nôn, chóng mặt. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà Tiểu Lư chủ quan, chỉ nhớ ngày dự sinh và không đi khám thai định kỳ thường xuyên.
Thai phụ nhớ ngày dự sinh của mình rơi vào giữa tháng 5/2021. Nhưng khoảng 18h giờ ngày 28/4, mẹ bầu bất ngờ vỡ ối và có cơn chuyển dạ nên gia đình nhanh chóng sắp xếp đồ đạc rồi đưa chị tới bệnh viện. Nhưng do tắc đường nên lúc tới bệnh viện đã là 19h30 tối.
Em bé chào đời chưa đầy 5 phút sau khi thai phụ vào phòng sinh. Việc này khiến người mẹ thở phào nhẹ nhõm vì chị không bị khó sinh do chậm trễ khi nhập viện, cũng như không phải chịu nhiều đau đớn trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, khi Tiểu Lư đang khấp khởi mừng thầm thì bác sĩ lại lắc đầu thở dài và nói: “Đây là một triệu chứng của chuyển dạ khẩn cấp. Đứa trẻ bị thiếu oxy trong máu và phải đưa vào phòng ICU để theo dõi ngay lập tức”.
Đứa trẻ chào đời chưa đầy 5 phút sau khi thai phụ vào phòng sinh. Ảnh minh họa
Nghe bác sĩ nói vậy, sản phụ vô cùng sửng sốt, nói rằng bản thân không hề có cảm giác khó chịu gì trước đó thì tại sao lại đột ngột chuyển dạ được. Qua hỏi thăm, bác sĩ biết được hơn 1 tháng nay Tiểu Lư vẫn chưa đi khám thai, thời gian sinh nở sớm hơn ngày dự sinh nửa tháng, nên liền chỉ trích: “Tại sao cô không đi kiểm tra định kỳ đúng hẹn? Có thể trước đó đã có dấu hiệu sinh non. Nước vỡ ối mà ở nhà quá lâu rồi mới vào phòng sinh thì liệu thai nhi có bị thiếu oxy trong máu được hay không?”.
Trên thực tế, khi sản phụ vỡ ối, chị không cảm thấy quá khó chịu nên bản thân chị và gia đình đều chủ quan, cho rằng không có chuyện gì nghiêm trọng nên làm chậm trễ thời gian nhập viện. May mắn thay, sau một thời gian điều trị, sức khỏe của đứa trẻ đã ổn định và có thể xuất viện.
Chỉ vì sự chủ quan của thai phụ mà đứa trẻ bị thiếu oxy trong máu. Ảnh minh họa
Những mối nguy hiểm của chuyển dạ khẩn cấp với mẹ và thai nhi
- Với người mẹ: Do tốc độ sinh nở quá nhanh, ống sinh và cổ tử cung của mẹ không kịp thích nghi vì không có thời gian để mở rộng hoàn toàn nên dễ gây rách ống sinh, thậm chí là có nguy cơ bị băng huyết và nhiễm trùng. Hơn nữa, vết thương bất thường và rộng này sẽ khiến quá trình hồi phục rất chậm, khiến người mẹ chịu nhiều đau đớn hơn.
- Với thai nhi: Do tần suất co bóp tử cung của mẹ cao hơn nhiều so với bình thường, cường độ cũng lớn hơn nên có thể làm gián đoạn quá trình cung cấp máu cho thai nhi, làm tăng nguy cơ thiếu oxy ở thai nhi. Ngoài ra, quá trình chuyển dạ diễn ra trong thời gian quá ngắn, khó đảm bảo việc sinh nở diễn ra trong phòng vô trùng và an toàn. Vì vậy, thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng, chấn thương, hít phải nước ối gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh,…
Lý do khiến mẹ bầu chuyển dạ khẩn cấp
- Phụ nữ lớn tuổi: Đối tượng này thường đi kèm với một số bệnh lý khi mang thai như thiếu máu, tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao,…Nếu bệnh không được kiểm soát đúng cách, những bệnh này thường sẽ dẫn đến việc sinh nở khẩn cấp.
- Sinh đôi hoặc thai nhi quá nhỏ: Nếu mẹ bầu mang song thai hoặc thai nhi quá nhỏ, ngôi thai không đúng vị trí, sinh nở nhiều lần,… cũng có thể dẫn đến trường hợp chuyển dạ khẩn cấp.
- Mẹ có tiền sử sảy thai: Nếu thai phụ bị sảy thai nhiều lần trước đó hoặc có những lý do khác khiến cơ cổ tử cung giãn thì họ có nguy cơ chuyển dạ khẩn cấp.
- Làm việc quá sức: Thai phụ phải chú ý nghỉ ngơi trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3, không nên làm việc quá sức hoặc đi bộ đường dài kẻo có nguy cơ chuyển dạ khẩn cấp.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/cuoc-song-me-bau/me-mung-tham-vi-de-sieu-nhanh-trong-vong-5-phut-bac-si-tho-dai-noi-mot-cau-c292a483623.html