Cha mẹ có nguyên tắc và giữ vững tâm lý, con trẻ có khả năng cao trở thành người xuất sắc
Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ quan tâm đến việc giáo dục con cái, họ cũng có không ít lo lắng về bản thân, liệu mình nên làm như thế nào để nuôi dạy một đứa con trở nên xuất sắc. Nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo này thường khiến các bậc cha mẹ rơi vào trạng thái lo lắng thừa thãi. Trên thực tế, chẳng có một ông bố bà mẹ nào hoàn hảo trên đời, kể cả các chuyên gia giáo dục thì họ vẫn gặp không ít rắc rối khi dạy dỗ con mình.
Hoắc Tư Yến và con trai.
Hoắc Tư Yến là một diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc, cô đưa con trai mình tới tham gia một chương trình liên quan đến cha mẹ và con cái. Trong chương trình, màn tương tác giữa cô và con trai thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Họ bình luận rằng: “Hoắc Tư Yến nuôi con giỏi quá, đứa bé rất thông minh và ngoan ngoãn”.
Trong suốt buổi diễn ra chương trình, Hoắc Tư Yến chia sẻ nhiều lần về việc mình sẽ không bao giờ chỉ trích con trai khi cậu mắc phải lỗi lầm. Thay vào đó, cô sẽ chọn cách nói chuyện với giọng điệu nhẹ nhàng, đồng thời duy trì các điểm mấu chốt vấn đề một cách rõ ràng và có nguyên tắc. Nhiều người công nhận rằng, cô rất tâm lý và sâu sắc trong việc dạy dỗ con cái.
Khi con trai có những hành động như chọc giận mẹ, Hoắc Tư Yến luôn tỏ ra bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Sự bình tĩnh về mặt cảm xúc trong cách giáo dục của cô rất hiếm. Cô cũng cho biết, bản thân không bao giờ đòi hỏi con trai mình phải luôn giỏi nhất về mọi thứ, như vậy tâm lý cô lúc nào cũng cảm thấy thoải mái.
Ngay cả trong vấn đề cho con trai đi nhà trẻ, Hoắc Tư Yến đã đưa ra một ý tưởng vô cùng đặc biệt và sáng suốt, đó là cô sẽ cho con mình đi học muộn hơn 1 năm so với bạn bè cùng tuổi. Trong khi nhiều cha mẹ sợ rằng, nếu con mình đi học muộn sẽ bị thua kém bạn bè, nhưng cô lại nói “đi học mẫu giáo muộn 1 năm là món quà tuyệt vời nhất đối với một đứa trẻ”.
Sau chương trình, nhiều người phải công nhận rằng, Hoắc Tư Yến có thể nuôi dạy con trai mình xuất sắc như vậy phần lớn là do cô luôn giữ vững tâm lý tốt. Cô luôn nhấn mạnh mình không muốn trở thành một bà mẹ hoàn hảo, vì vậy cô sẽ chịu đựng tính khí thất thường của một đứa trẻ khi chúng bước vào những giai đoạn khủng hoảng. Chính thái độ theo đuổi sự không hoàn hảo trong việc giáo dục con cái đã khiến con trai cô thoải mái tự do phát triển tính cách của mình, nhưng vẫn chịu sự giám sát nghiêm ngặt từ cha mẹ.
Cha mẹ hãy chú ý đến điều này nếu muốn con mình trở nên xuất sắc
Nhiều cha mẹ không thích con mình phạm phải sai lầm nào và thua kém bạn bè. Thế nhưng, việc cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái như vậy là hoàn toàn sai lầm. Trong quá trình trưởng thành của một người, việc mắc lỗi là điều rất bình thường và phổ biến. Vậy nên, cha mẹ có thể bao dung cho những lỗi lầm của trẻ, cho phép chúng được sai và được rút ra bài học là điều nên làm.
Không phải đứa trẻ nào cũng đều có thể trở nên giỏi giang và xuất sắc. Điểm số tốt không thể che giấu khuyết điểm và điểm kém cũng không thể che giấu được ưu điểm của một đứa trẻ. Vì vậy, cha mẹ đừng quá chú trọng về điểm số mà bỏ qua việc giáo dục trẻ trở thành một người có nhân cách tốt.
Khi một đứa trẻ sinh ra, chúng bẩm sinh hướng nội hoặc hướng ngoại. Theo quan điểm của người lớn, trẻ hướng ngoại sẽ thông minh hơn, nhưng những đứa trẻ hướng nội, thích ở một mình cũng có nhiều ưu điểm và cần được coi trọng. Tùy vào tính cách của từng đứa trẻ mà cha mẹ có cách dạy con phù hợp, không nên ép buộc một đứa trẻ hướng nội phải hướng ngoại.
Bên cạnh đó, cha mẹ tuyệt đối không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Kiểu so sánh này là vô nghĩa, chỉ khiến trẻ cảm thấy ghét cha mẹ mình hơn và không có tác dụng tích cực trong quá trình phát triển của trẻ.
Cha mẹ nên làm gì nếu muốn trở thành một bậc phụ huynh tốt?
Nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ không phải là một công việc dễ dàng, sẽ có lúc cha mẹ sẽ cảm thấy như “phát điên” trước những hành động của con cái. Trên thực tế, có không ít những trường hợp “giận quá mất khôn” của cha mẹ mà để lại những hệ lụy khôn lường cho một đứa trẻ. Vậy nên, lời chuyên chân thành nhất chính là cha mẹ cần phải giữ một cái đầu lạnh, tâm trí nhất định cần bình tĩnh trong mọi trường hợp.
Một khi cha mẹ tôn trọng và hiểu được từng giai đoạn phát triển của một đứa trẻ, họ sẽ sáng suốt đưa ra những lời khuyên, khơi dậy tiềm năng bên trong thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng và ép buộc con cái phải làm cho bằng được. Mỗi một đứa trẻ đều có ưu và nhược điểm riêng, thái độ thoải mái của cha mẹ có thể kích thích những điểm mạnh của trẻ được phát huy tốt hơn.
Một điều nữa mà cha mẹ cần nên làm, đó là giáo dục con cái theo cách bình đẳng. Thay vì dạy dỗ theo lý thuyết cảm tính, cha mẹ nên đứng từ góc nhìn của trẻ để hiểu chúng tại sao lại làm vậy. Đặc biệt, cha mẹ không nên lấy tiêu chuẩn của người lớn để đo lường hành vi của trẻ và có cái nhìn thoáng hơn trước mỗi sai lầm.
Điều quan trọng là cha mẹ cần nắm rõ các quy tắc, nhưng đừng phóng đại quá mức những sai lầm trẻ đang mắc phải. Bản chất của giáo dục là làm cho trẻ thay đổi suy nghĩ về những sai lầm của bản thân.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/cha-me-giu-vung-duoc-tam-ly-nay-khi-nuoi-day-con-cai-tre-co-kha-nang-cao-tro-thanh-nguoi-xuat-sac-c216a1271492.html