Chồng xây nhà giữa đồi cho vợ chữa ung thư
Khi nắng còn chưa xuất hiện trên ngọn đồi sau nhà, anh Trường Hải bị đánh thức bởi tiếng gà cục tác, tiếng chim hót. Vợ anh, Phi Hằng nhóm bếp ngoài trời đun nước, trong khi anh chồng chặt mấy buồng chuối đã già. Để có được những giây phút bình yên này, anh Hải và vợ mất ba năm nỗ lực, tưởng dài như cả đời người.
Trước đây, anh Hải làm nghề quay phim, chụp ảnh cho các sự kiện và đám cưới. Còn người vợ kém 7 tuổi làm chủ một quán trà sữa ở TP Thuận An, Bình Dương. Quán đắt khách nên Phi Hằng dự tính sẽ mở thêm chi nhánh và phát triển nhiều lĩnh vực khác.
Nhưng biến cố ập đến với gia đình nhỏ khi chị Hằng mang thai đứa con đầu lòng, năm 2018. Ở tuần thứ 35 của thai kỳ, bác sĩ phát hiện chị có khối u ác tính. Ngay sau khi mổ lấy thai, Hằng lập tức được chỉ định hóa và xạ trị. "Trong một năm, tôi sụt hơn 20 kg. Tui cứ nghĩ ung thư là chết nên nhiều khi đau đớn quá còn trăn trối với chồng đủ điều", Hằng kể.
Trái lại, anh Hải khá điềm tĩnh. Anh nhận ra ngoài thuốc, trị liệu về tinh thần là giải pháp quan trọng giúp cải thiện sức khỏe của những bệnh nhân ung thư. Năm con gái được một tuổi, anh chị về quê ngoại ở Trảng Bom sống.
"Quyết định này rất khó khănvì anh còn ba mẹ già, còn công việc và nhiều cơ hội phát triển. Anh bảo lúc này, tui khỏe là quan trọng hơn cả", chị Hằng nhớ lại.
Anh Trường Hải ra khu đất đồi rộng 50.000 m2 của bố mẹ vợ, dựng nhà để vợ con được sống hòa vào thiên nhiên. Ông bố trẻ xây nhà sàn để tránh rắn rết, sâu bọ và dễ kết nối với bên ngoài. Bao quanh nhà là tường gạch, nhưng sàn và vách ngăn làm bằng gỗ xà cừ tận dụng trong vườn. Hải tự tay bào, chà nhám bằng máy cầm tay rồi lát sàn.
Cực nhất là những ngày đó là vợ vẫn phải điều trị, con còn nhỏ. Hàng ngày, anh đưa con đến nhà trẻ, rồi chở vợ đến viện, có việc lại chạy gần 100 km lên Bình Dương làm để duy trì thu nhập. Thi thoảng nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay, anh lại chở vợ đi, dù là lên núi Chứa Chan (Gia Lào, Đồng Nai), hay về tận An Giang...
Hay phải bỏ giữa chừng nên Hải mất ba tháng mới hoàn thiện ngôi nhà, với chi phí hơn 60 triệu đồng. Khi sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, anh đón vợ con về ở, chính thức chia tay cuộc sống phố thị.
Anh Trường Hải đang cắt gỗ để tự đóng các loại đồ đạc trong nhà như tủ quần áo, tủ chén bát, năm 2020.
Lần đầu làm nông dân, người đàn ông hơn 30 năm ở phố phải học cách cầm cuốc, cầm xẻng. May có bố mẹ vợ truyền nghề, lại phụ chăm con giúp nên cuộc sống cũng nhanh ổn định.
Quanh nhà, anh trồng các loại rau trái theo phương pháp thuận tự nhiên để vợ con ăn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Những ngày đầu, cây trồng không hóa chất chỉ làm mồi cho sâu bọ và ốc sên. Cây rau đêm trước còn tươi tốt, sáng sau đã tan nát. Trồng 10 cây dưa thì còn hai cây, giàn khổ qua trái chưa kịp lớn côn trùng đã đốt hỏng.
Vừa làm vừa học hỏi, Hải đã trồng được những vạt ngô, những luống rau tươi tốt. Anh quay ra hướng dẫn ba mẹ vợ cách ủ phân từ rác thải sinh học, bỏ hẳn thuốc trừ sâu và phân hóa học. Quanh nhà, Hải trồng đủ các loại cây ăn trái như thanh long, bơ, chuối... để mùa nào thức nấy, gia đình đều được thưởng thức.
Về quê không chỉ phải lao động vất vả mà còn không có nhiều tiện ích. Muốn ăn hay mua gì, anh phải chạy xe vài cây số. Nơi đây cũng chẳng có chuỗi cửa hàng bán lẻ, chuỗi thức ăn nhanh và nước uống như nơi anh từng sống. "Nhưng đổi lại, ở đồi bình yên. Gia đình được sống hòa vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Vợ thấy an nhiên, con có nhiều ký ức tuổi thơ đẹp. Đó là động lực cho tôi", anh nói.
Ở ngôi nhà giữa đồi, đôi vợ chồng trẻ quý nhất vạt cây thảo dược. Đó là những cây xạ đen, trinh nữ hoàng cung, xương khỉ, cây đuôi chuột, đinh lăng..., những vị thuốc quý để chị Phi Hằng uống hàng ngày, kết hợp điều trị tây y. Thời gian Hằng trở bệnh, buổi sáng, anh chồng thường dậy từ 4 giờ sáng làm thuốc, sắc thuốc cho vợ, làm nước lá xông.
Trước nhà, anh Hải trồng vài luống hoa, chăng đèn, đặt bộ bàn ghế để cả nhà ngồi thư giãn. "Gần gũi với thiên nhiên cây cỏ sẽ tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, giúp sức khỏe được cải thiện", anh nói.
Ban đầu, Phi Hằng phản đối kịch liệt quyết định bỏ phố về quê của chồng. Phần vì thương anh, phần vì lo cuộc sống ở quê bấp bênh, chẳng có tiền để chi phí. "Nhưng anh khuyên tôi biết đủ là hạnh phúc. Đến khi dịch bệnh, tôi mới thấy lựa chọn của chồng hợp lý", chị vợ nói.
Tránh xa cuộc sống ồn ào nơi phố thị, Phi Hằng suy nghĩ đơn giản và tích cực hơn. "Đời người chỉ sống một lần, sống sao cho vui vẻ là được. Thay vì lo chết, tôi tranh thủ tận hưởng cuộc sống bên chồng con. Khi không nghĩ đến bệnh nữa, sức khỏe lại cải thiện hơn", chị nói.
Chị Hằng và con gái vẫn có những ngày thư giãn, bình yên trong khi dịch Covid-19 căng thẳng.
Cô vợ trẻ có thể phụ giúp chồng những công việc nhẹ nhàng trong vườn. "Hai vợ chồng còn chút tích lũy ngày ở thành phố nên dùng khoản đó vào chi tiêu hàng ngày. Cuộc sống còn khó khăn, nhưng chúng tôi thấy hài lòng", anh Hải kể thêm.
Ông Tại Đình Long, ba vợ anh Hải, cũng bất ngờ khi các con quyết định bỏ phố về quê. "Tôi quê gốc Hà Giang, thuở nhỏ phải theo cha vào nam lập nghiệp, nên khi Hải làm ngôi nhà sàn, tôi nhớ quê hương nhiều và rất ủng hộ con. Ngôi nhà của hai đứa tuy nhỏ, không phô trương nhưng là minh chứng cho tình yêu các con dành cho nhau", ông nói.
Nhận thấy lợi ích của lối sống thuận tự nhiên, anh Trường Hải mua mảnh đất 2 héc ta tại một vùng quê ở Phú Yên. Dự định của anh khi hết dịch sẽ chuyển cả gia đình về đó, chính thức phát triển kinh tế gia đình từ nông nghiệp sạch.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3259202