Áp lực từ tiểu học khiến nhiều trẻ em Singapore tự tử
Dư luận và truyền thông Singapore từng chấn động về vụ việc nam sinh 11 tuổi nhảy lầu tự tử trong ngày em định thú nhận thi trượt 2 môn giữa kỳ với bố mẹ.
Không ít ý kiến cho rằng nhiều trẻ em Singapore phải trả giá đắt cho thành công của giáo dục nước nhà trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Hàng loạt học sinh phải điều trị tâm thần trong quá trình xoay xở để thích nghi với áp lực học tập không ngừng.
Đằng sau bảng xếp hạng
Từ khi giành độc lập vào thập niên 60 thế kỷ trước, Singapore coi giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc phát triển đất nước. Ngày nay, nước này nổi tiếng có mô hình giáo dục thành công, liên tục đứng vị trí cao trong bảng xếp hạng PISA (hệ thống đánh giá giáo dục thế giới qua 3 môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học).
Ngoài học ở trường, trung tâm, nhiều học sinh Singapore còn phải học với gia sư và tự làm bài tập về nhà. Ảnh: AFP. |
Để duy trì thành tích, giáo viên, học sinh và phụ huynh phải gánh chịu áp lực khủng khiếp từ hệ thống thi cử. Từ những năm tiểu học, các em đã phải tăng cường học tập để ứng phó kỳ thi tốt nghiệp. Giáo viên, phụ huynh thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi, bởi thành tích tốt đồng nghĩa việc trẻ trúng tuyển vào trường danh tiếng, có chất lượng hàng đầu.
Dưới áp lực đó, trung tâm học thêm, gia sư trở thành dịch vụ phổ biến. Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - đơn vị thực hiện bài đánh giá PISA), trẻ em Singapore đứng thứ 3 thế giới về thời gian làm bài tập về nhà, với khoảng 9,4 tiếng mỗi tuần, South China Morning Post cho hay.
Điều đáng nói, bất chấp thực tế trẻ không thể căng mình chịu nổi cường độ, áp lực học tập đó, nhiều phụ huynh không cho phép con buông lỏng.
Với Wendy (yêu cầu giấu họ), việc gửi con gái 12 tuổi theo học tại trung tâm là cách duy nhất để đảm bảo cô bé không thua kém bạn bè. Cô bé học thêm Toán, Khoa học với gia sư hai buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài một tiếng và tới trung tâm học tiếng Anh, tiếng Trung 3 buổi/tuần.
“Tôi phải giám sát việc học của con, đảm bảo bé ôn bài cẩn thận”, Wendy chia sẻ.
Không chỉ con gái Wendy, phần lớn trẻ em Singapore phải "chạy cật lực" trong cuộc đua học hành. Rời trường, các em lao tới trung tâm học thêm hoặc tự làm bài tập ở nhà. Học hành căng thẳng, trẻ em thường trong tình trạng thiếu ngủ.
Điều trị tâm thần từ tiểu học
Chuyên gia cảnh báo với cường độ học tập như vậy, nhiều trẻ có triệu chứng lo âu thái quá, căng thẳng, thậm chí khi mới học tiểu học. Một số trường hợp nghiêm trọng, học sinh đã chọn cách tự sát.
Nghiên cứu của OECD cho thấy để có được vị trí cao trên bảng xếp hạng, học sinh Singapore chịu áp lực học hành cao hơn so với trẻ em các nước khác.
Hệ thống giáo dục chú trọng thi cử, thành tích khiến nhiều trẻ em, kể cả học sinh tiểu học, gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: Shutterstock. |
“Trẻ bị ép trưởng thành quá nhanh mà không có nền tảng tương ứng hay động lực phù hợp để tiến về phía trước”, nhà tâm lý học Daniel Koh của Trung tâm Trí tuệ Insights cho biết.
Ông nói thêm xã hội không cho phép các em phát triển chậm lại. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của Koh từng điều trị mới học lớp 1. Em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do chịu áp lực quá lớn từ việc chuyển từ mẫu giáo lên tiểu học.
Trợ lý giám đốc Wong Lai Chun của nhóm hoạt động ngăn chặn tự sát cho hay cùng nền giáo dục trọng thành tích, thi cử, ngày càng nhiều học sinh liên hệ tới họ, nhờ trợ giúp.
Ông Lim Choon Guan - Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore - cho biết những năm gần đây, ngày càng nhiều học sinh trường danh tiếng phải điều trị tâm lý. Số lượng tăng lên cũng có thể do trường quan tâm hơn đến công tác tư vấn tâm lý nhằm phát hiện kịp thời và sẵn lòng báo cáo các trường hợp đó lên viện.
Ông nói thêm trong khi tình trạng lo lắng quá độ xảy ra quanh năm, căng thẳng “thường tăng nhanh vào thời điểm gần kỳ thi”.
Giới chức Singapore nỗ lực cải cách giáo dục để hạn chế áp lực học tập cho thế hệ trẻ, bao gồm việc giảm bớt thi cử ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, phân loại học sinh theo môn như Toán, Khoa học, thay vì theo trình độ ở tất cả môn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục cũng kết nối với trường, phụ huynh để giải thích cách làm mới mang lại hiệu quả lâu dài đối với trẻ. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh như Wendy, bất chấp nỗ lực thay đổi đó, họ vẫn ép con học giỏi vì thành tích học tập là “cốt lõi sâu xa” trong văn hóa Singapore.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/chay-dua-xep-hang-nhieu-tre-singapore-dieu-tri-tam-than-tu-tieu-hoc-post964651.html