Ai chở mùa hè của chúng tôi đi đâu?
Em chở mùa hè của tôi đi đâu đi đâu…”
Những ca từ này chỉ còn là những tình cảm, cảm xúc dạt dào của riêng tác giả, những thế hệ từ năm 2020 trở về trước và chỉ còn đọng lại trên những trang giấy thơm tho mùi của thời gian.
Phượng vốn dĩ gắn bó và đong đầy kỉ niệm với bao nhiêu lớp học trò. Năm nay, một năm đầy sóng gió của Phượng, Phượng đã trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi của bao người. Phượng xưa đến nay rất hiền lành và đẹp đẽ, bỗng chốc đã là một trong những nguyên nhân gây ra đau thương. Ngặt một nỗi cây không thể nói ra, cây không tự quyết định sẽ sống ở đâu. Phượng cũng thế, không thể lên tiếng.
Nếu như sân trường hôm đó cây bị đổ ngã không phải là Phượng mà là một loại cây khác? Thì Phượng có bị ánh nhìn dần kì thị của con người không? Những cây đã bị đẻo gọt cho gọn gàng phần gốc rễ để vừa vặn với khuôn viên và những nhánh rễ không được phép lan rộng làm nứt toác những mảng xi măng bằng phẳng cứng rắn trên bề mặt sân trường. Nếu Phượng trong khuôn viên nhà trường được trồng từ khi là mầm xanh và có thời gian để trưởng thành với bộ rễ săn chắc thì liệu có dễ dàng đổ ngã không?
Người ta bắt đầu bàn tán: nhẽ ra Phượng nên mọc lên ở trong rừng sâu đất đai rộng lớn, rễ cây được phát triển tự nhiên mạnh mẽ xum xuê vững trải bám chặt vào lòng đất kiên cố, có thể uy nghi mà đứng vững trước bao mùa mưa giông. Hoặc Phượng chỉ nên được trồng ở những sân trường vùng núi, miền quê đất rộng thoáng đãng.
Trường học chúng tôi những năm tháng ấy, Phượng được trồng ở vị trí các góc sân. Lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” được khắc chữ lớn yên vị phía trên ngọn cờ đỏ sao vàng của trường tôi. Bắt đầu mỗi năm học, nhà trường sẽ phát động phong trào trồng cây, dọn cỏ. Thầy và trò đều chung tay góp sức, nơi nào thiếu bóng dáng cây xanh sẽ được trồng từ những mầm non còn bé tí, mỏng manh nhưng đầy sức sống. Theo thời gian và thuận theo tự nhiên, các cây xanh ở trường tôi ngày ngày chứng minh được sự dẻo dai và lớn mạnh, vươn mình trước nắng và gió, cả mưa giông.
Tôi nhớ rất rõ buổi chiều mát vắng bóng cây nơi mình lớn lên. Sau một hồi lựa chọn, bố tôi quyết định trồng cây Bông gạo. Bố đào đất, tôi thì chăm chú ngắm nghía cây non, khi nó mới chỉ cao độ nửa mét, một cọc rễ thẳng đứng với vài cành lia tỉa những lá mơn mởn xanh.
Giây phút cẩn thận đặt cây vun vào lòng đất tôi chẳng thể nào quên. Tính ra Bông kém tôi vài ba tuổi. Đến năm tôi học trung học cơ sở, thân cây đã to lớn độ ba người ôm không xuể, chắc nịch và đầy da thịt. Tôi thích cảm giác đứng dưới gốc cây ngước lên mà không thể nhìn ra được đâu là ngọn, chỉ thấy ánh nắng xuyên qua lấp lánh trên từng kẽ lá xum xuê um tùm.
Bông như là một thành viên của gia đình tôi. Mùa hè che nắng, mùa đông ra trái, mùa thu mát rượi, mùa xuân lộc xanh đầy cành. Cả khu xóm nhà tôi dường như mát nhất, nhờ có Bông vươn mình làm bóng mát đại thụ cho mẹ tôi mở quán nước những ngày hè oi ả. Dù là thực vật hay động vật, khi được con người nuôi nấng thì chúng sẽ đền đáp lại, bằng cách này cách khác.
Đứng dưới gốc cây, tôi chưa bao giờ lo sợ và nghĩ rằng cây sẽ đổ ngã vào người mình, ngày bé tôi còn đu trèo lên mỗi ngày để chơi với đám bạn cùng xóm, Bông là bạn của tôi, người bạn tri kỉ, cũng có hơi thở, thân thể, vòng tay, chỉ là Bông không thể di chuyển, không thể cất tiếng nói.
Trải qua bao mùa mưa bão, nhiều cây xung quanh nơi tôi sống, bị gãy vài nhánh cành yếu ớt, nhưng tuyệt nhiên chưa cây nào bị bật cả gốc rễ mà đè lên những con người đáng yêu đáng quý. Bông nhà tôi cũng vậy, cùng lắm chỉ mượn gió bẻ những nhánh củi khô để mẹ tôi làm củi đốt hoặc lá vàng úa thì rụng đầy sân và trên mái nhà, vẫn mạnh mẽ và hiên ngang quật cường. Nếu những năm đó, Bông không có gốc rễ bền bỉ thì đã đổ làm sập mái nhà đơn sơ của gia đình chúng tôi rồi.
Những khi nhìn Bông, tôi thấy được một niềm tin, một sự bền bỉ mà gai góc lẫn hiên ngang. Rễ ngày một phát triển, lớn mạnh hơn trông thấy, nhiều nhánh rễ phụ lộ rõ trên mặt đất. Hơn hai mươi năm vươn mình và mạnh mẽ, đến khi bố mẹ tôi phải trầm ngâm lo ngại rễ cây sẽ làm hư móng nhà, nhưng chặt thì không nỡ, cảm thấy sót như da như thịt mình.
Cho đến khi thị trấn mở rộng đường xá, Bông đã bắt buộc phải bị chặt sạch sẽ từ gốc đến ngọn, chỉ còn bộ rễ hãy còn mãi nằm sâu dưới lòng đất, bề mặt đã được láng xi măng kiên cố. Với tôi, Bông vẫn mãi ở đó, trong kí ức tôi không phai nhoà, trong lòng đất, trong trái tim và mãi hiện diện ở ngôi nhà chúng tôi.
Tôi bỗng thấy nhớ Bông da diết.
Tôi nhớ cả những hàng Phượng vĩ hoa đỏ thắm một góc trời, ve kêu râm ran. Tuổi học trò của chúng tôi mãi ở đó. Ai định chở mùa hè của chúng tôi đi đâu. Những mùa hè rực rỡ cứ phai nhạt dần, theo những miền kí ức.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/nhung-mua-he-ruc-ro-cu-phai-dan-nw228160.html