3 khuyến cáo giúp đề phòng và điều trị đột quỵ kịp thời

17:00' 29-03-2024
Hiện tại, số ca mắc đột quỵ đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.


    PGS.TS.BS Mai Duy Tôn - GĐ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện số ca mắc đột quỵ đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Bác sĩ Tôn lấy ví dụ như ngày 21/3 vừa qua, chỉ trong một đêm trực, bác sĩ tiếp nhận tới 6 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó ca nhiều tuổi nhất mới 45 tuổi.

    Điển hình như trường hợp nam thanh niên mới 32 tuổi, ở Hà Nội bất ngờ bị đột quỵ khi đang chơi cầu lông cùng bạn. Triệu chứng ban đầu chỉ là đột ngột liệt nửa người, thất ngôn. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào trung tâm đột quỵ cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu não. Rất may mắn, bệnh nhân được đưa vào ngay trong giờ thứ nhất sau đột quỵ nên được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối và thông tắc mạch máu.

    Sau 30 phút can thiệp động mạch não đã được tái thông hoàn toàn. “Trường hợp này rất may mắn, đến viện sớm nên đã được điều trị kịp thời, bệnh nhân sau đó gần như hồi phục hoàn toàn. Hiện bệnh nhân đã có thể đi lại, nói chuyện bình thường”, bác sĩ Tôn chia sẻ.

    Bác sĩ Mai Duy Tôn đang thăm khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ.

    Bác sĩ Mai Duy Tôn đang thăm khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ. 

    Hay như một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 40 tuổi, được tuyến dưới chuyển đến trung tâm đột quỵ trong tình trạng hôn mê, thở máy. Theo chia sẻ, bệnh nhân là công nhân và khi đang làm ca đêm tại công ty thì cảm thấy đau đầu rồi rơi vào hôn mê nên được đưa vào viện gấp.

    Khi vào viện, huyết áp bệnh nhân đo được lên tới 240/120 mmHg. Gia đình cho biết, bệnh nhân trước đó biết mình bị cao huyết áp nhưng không dùng thuốc. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, kiểm soát huyết áp và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

    Khi tiếp nhận bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản, huyết áp 270/142 mmHg. Nữ bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60 ml. Người bệnh sau đó được hồi sức thần kinh, hội chẩn liên khoa nhưng với tình trạng hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Tôn cho hay.

    Những người chủ quan, không quản lý bệnh lý nền dễ gặp nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa.

    Những người chủ quan, không quản lý bệnh lý nền dễ gặp nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa. 

    PGS Mai Duy Tôn cho biết, nghiên cứu và thống kê cho thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Theo nghiên cứu về tình hình đột quỵ tại 10 trung tâm đột quỵ tại Việt Nam, có tới gần 77% bệnh nhân đột quỵ là do tăng huyết áp. Đây cũng là lý do dẫn đến nguy cơ chảy máu não ở người trẻ. Đặc biệt, nhiều người trẻ bị tăng huyết áp nhưng không đi tầm soát để phát hiện bệnh, không được điều trị hoặc điều trị không thường xuyên, tự ngừng uống thuốc, dẫn tới đột quỵ và trường hợp nữ bệnh nhân trên là một ví dụ điển hình.

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị giãn dần và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.

    Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu.

    Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ. Vì vậy, việc kiểm soát huyết áp, nhất là ở người trẻ là vô cùng quan trọng để phòng nguy cơ đột quỵ.

    PGS Mai Duy Tôn đưa ra 3 khuyến cáo sau để giúp người trẻ đề phòng và điều trị đột quỵ kịp thời:

    - Thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

    - Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

    - Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt...) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/nguoi-phu-nu-40-tuoi-nguy-kich-sau-con-dau-dau-khi-dang-lam-viec-biet-nguyen-nhan-chi-biet-tu-trach-minh-c131a590297.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ