Xe điện giá rẻ của Trung Quốc dùng pin dung lượng cao, đối trọng Tesla hay cú lừa?
ĐỐI TRỌNG CỦA TESLA MODEL 3?
Sau những siêu phẩm xe điện làm chao đảo ngành xe, Tesla giới thiệu tới công chúng vào năm 2016 mẫu Tesla Model 3 - một mẫu sedan giá dễ tiếp cận khoảng 35.00 USD. Sau thông tin đó, nhiều người đã mơ tưởng có thêm sự lựa chọn hợp túi tiền ngoài Chevrolet Bolt, Nissan Leaf. Nhưng theo như Elon Musk giải thích thì giá nguyên liệu và chi phí logistic tăng cao đã tác động lớn đến mức giá của Tesla Model 3. Ngày nay, mẫu xe "giá rẻ" này của Tesla đã có mức giá lên tới khoảng 47.000 USD.
Tuy nhiên, ở nửa kia bán cầu so với Tesla, một hãng xe Trung Quốc vừa ra mắt một sedan chạy điện với những thông số gây choáng ngợp, nhưng lại đi kèm với mức giá khó tin. Cụ thể, Leapmotor cho ra mắt mẫu C01 với mức giá khoảng 27.000 USD (tương đương hơn 620 triệu đồng).
Leap C01 có kích thước chiều dài tương đương các mẫu sedan hạng E.
Leap C01 được giới thiệu với 5 phiên bản, phiên bản thấp nhất có thể đi được 500km/lần sạc; trong khi đó thì phiên bản cao cấp nhất với bộ pin 90kWh có thể đưa chiếc sedan dài 5052mm đi 716km mỗi lần sạc. Quãng đường mà mẫu xe này di chuyển được tính theo tiêu chuẩn CLTC - tiêu chuẩn dựa trên cách sử dụng hàng ngày của người Trung Quốc.
Không chỉ có bộ pin dung lượng lớn, Leap C01 sở hữu dáng vẻ mượt mà, khí động học với chỉ số cản gió chỉ 0,226. Một trong những điểm mà Leapmotor nhấn mạnh là việc đây là mẫu xe đầu tiên áp dụng công nghệ Cell-to-chassis (CTC): Giải thích một cách ngắn gọn, hãng thiết kế bộ khung mà ở đó tích hợp cả hệ thống khung gầm, pin và gầm xe làm 1, giúp loại bỏ công đoạn lắp ráp riêng biệt bộ pin vào xe.
Không gian để chân là một điểm cộng với khách hàng Trung Quốc.
Với kích thước thuộc phân khúc hạng E, không khó hiểu khi Leap C01 có không gian rộng rãi, nhất là không gian để chân của hàng ghế sau - thông số được cho là quan trọng với thị trường tỷ dân. Ngoài ra, mẫu sedan chạy điện này cũng có khoang hành lý rộng, có dung tích lên tới 500 lít.
Khoang nội thất của Leap C01 gây ấn tượng với cụm 3 màn hình tại tablo. Mẫu xe này được giới thiệu là trang bị chip Qualcomm 8155P, hỗ trợ cho các tính năng thông minh như nhận diện khuôn mặt, điều khiển bằng giọng nói. Các tính năng tiện nghi khác có thể kể tới như ghế thông gió có chế độ sưởi và mát-xa.
Hiện chưa có thông tin về việc Leap C01 sẽ phân phối tới các thị trường ngoài Trung Quốc.
Một số hình ảnh khác của Leap C01:
GIẤC MƠ XE ĐIỆN GIÁ RẺ
Dù được trang bị như những mẫu sedan hạng sang, Leapmotor dự tính sẽ bán ra mẫu xe này với mức giá chỉ khoảng 27.000 USD. Mức giá này khiến nhiều người băn khoăn, liệu đây có phải Tesla Model 3 2.0 hay không, nhất là trong bối cảnh giá Lithium (cấu thành quan trọng của pin xe điện) đang ở mức rất cao - trong năm vừa qua, giá Lithium đã tăng tới 500%.
Trong nhiều trường hợp, giá nguyên liệu thô tăng sẽ không tác động ngay tới những gì mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy tại thị trường, nhưng với Lithium thì có sự khác biệt. Tờ Bloomberg từng đưa tin rằng giá kim loại tăng cao có thể đẩy giá xe lên 1.000 USD.
Tất nhiên, mức tăng này chẳng thấm vào đâu nếu đặt vào những mẫu xe giá trị tới cả trăm nghìn USD, nhưng với những mẫu xe phổ thông có mức giá dễ tiếp cận như Leap C01 thì mức tăng này hẳn sẽ khiến nhiều người ái ngại.
Biểu đồ sản lượng (màu đỏ) và trữ lượng (màu vàng) Lithium toàn cầu năm 2019 theo số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (United States Geological Survey - USGS). Nguồn biểu đồ: Volkswagen AG
Argentina, Bolivia và Chi-lê được xem là "tam giam Lithium", là đầu mối cung cấp Lithium chính khi chiếm khoảng một nửa nguồn cung toàn thế giới. Kim loại này được khai thác tại các cánh đồng muối. Để khai thác Lithum, người ta sẽ dò và khoan các hồ ngầm và hút lên các dung dịch muối. Sau khi được hút lên, dung dịch muối này phải được phơi trong một thời gian dài, đôi khi lên tới 2 năm, để nước bay hơi đi, từ đó mới có thể xử lý Lithium.
Phương pháp khai thác Lithium hiện tại được đánh giá là cực kỳ thiếu hiệu quả, khi chỉ có khoảng 50% lượng Lithium được chiết xuất. Hiện nay, Úc đang là một "nhà cung cấp" mới nổi trên thị trường Lithium toàn cầu.
Hồ muối Lithium ở phía Bắc Argentina. Ảnh: Government of Jujuy
Không những mất thời gian, các đơn vị khai thác Lithium còn gặp nhiều vấn đề với giấy phép và luật pháp khi khai thác Lithium được đánh giá là gây hại tới môi trường. Quá trình sản xuất cần sử dụng tới cả nghìn lít nước và cần tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Nhiều hãng xe trên thế giới hiện đang tìm cách giảm thiểu tác động tới môi trường khi khai thác và sản xuất Lithium. Ngoài tìm kiếm phương thức khai thác hiệu quả hơn, các công ty còn hướng tới việc phát triển các công nghệ pin khác, giảm phụ thuộc vào các kim loại quý như Cô-ban, chứ không chỉ riêng Lithium.
Các công nghệ pin này có thể kể tới như pin thể rắn mà Toyota, StoreDot đã và đang nghiên cứu. Tuy nhiên, công nghệ pin thể rắn được cho là sẽ tới thị trường trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030. Không chỉ chưa có sẵn, pin thể rắn được cho sẽ không có mức giá dễ chịu.
Do vậy, việc có một mẫu xe điện giá rẻ có lẽ sẽ chưa phải là việc có thể hiện thực hóa một sớm một chiều, trừ phi các nhà sản xuất xe có cách tiếp cận táo bạo để hạ giá thành chiếc xe.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/xe-trung-quoc-di-700km-lan-sac-gia-hon-600-trieu-doi-trong-cuc-manh-cua-tesla-hay-cu-lua-2022060210211046.chn