Vấn nạn phân biệt giàu – nghèo tại Hàn Quốc
Gap là viết gọn của gapjil (갑질), chỉ thái độ và hành động kiêu ngạo, độc đoán của người có địa vị, quyền lực.
Gapjil: Hiện tượng phổ biến
Hàn Quốc phân cấp vị thế xã hội sâu sắc. Từ nửa cuối thế kỷ XX, nơi đây liên tục xuất hiện các chaebol (tập đoàn tài phiệt) và họ lớn mạnh không ngừng, nắm giữ từ kinh tế đến hậu thuẫn chính trị.
Gapjil là chuyện thường nhật trong xã hội trọng kẻ có tiền Hàn Quốc
Xã hội Hàn Quốc mặc định có tiền thì có quyền. Sau khi bước vào thế kỷ XXI, đất nước này liên tiếp xuất hiện bê bối gapjil. Chúng bao gồm từ gapjil tập thể (công ty lớn chèn ép, thâu tóm công ty nhỏ) cho tới gapjil cá nhân (chủ giàu bạc đãi, bạo ngược nhân viên, người làm).
"Hàn Quốc có tật xấu bao dung kẻ có tiền, có quyền và thờ ơ với người yếu thế, nghèo khổ," – nhà phê bình xã hội Park Gwon Il phản ánh. "Nếu ở các nước khác, lòng thù hận thường xuất phát từ mâu thuẫn giới tính hoặc chủng tộc thì ở đây, nó liên quan chặt chẽ đến phân cấp xã hội gab–eul".
Vì tự ti thân phận, địa vị, các eul Hàn Quốc nhẫn nhục chịu đựng gab lộng quyền
"Chúng tôi đánh giá con người dựa trên địa vị xã hội, quyền lực, ngoại hình và tiền bạc chứ không màng nhân phẩm," – giáo sư Shin Ho Chang (Đại học Sogang) thừa nhận. "Tiêu chuẩn phán xét này vô hình trung đề cao gab–eul, dung túng gabjil".
Hàng rào dây thép gai: Phân cách vật lý chia khu vực giàu – nghèo
Tại khu chung cư Gwanak Dream Town, Gwanak-gu, Nam Seoul, giữa các tòa nhà trung lưu và nghèo là rào chắn đan dây thép gai không thể vượt qua. Nó được dựng lên vào năm 2003, sau khi cư dân thuộc các tòa nhà có số từ 101 – 144 yêu cầu tách riêng khỏi 145 – 149.
Nguyên nhân: 145 – 149 là chung cư cho thuê, người thuê toàn là hộ nghèo. Các hộ trung lưu cho rằng, chúng khiến giá trị của 101 – 144 bị kéo xuống.
Rào chắn đan dây thép gai phân cách 2 khu chung cư giàu – nghèo Gwanak Dream Town
Tại 101 – 144, giá của mỗi căn hộ dao động từ 700 triệu – 1 tỷ won (tương đương 13 – 19 tỷ đồng). Nó ngang bằng với giá căn hộ tầm trung trên khắp Hàn Quốc. Tại 145 – 149, các chủ hộ chỉ là người thuê ở. Phí thuê hàng tháng chỉ từ 500.000 won trở xuống (tương đương dưới 9,6 triệu đồng).
Hàn Quốc có chính sách xây dựng các chung cư tập thể như 145 – 149, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp thuê ở với giá rẻ. "Người dân ở đó thường trình độ học vấn thấp, một số người còn khá lỗ mãng," - Yoo Deock Sin, cư dân 68 tuổi nói. "Đa phần họ phải sống vất vả, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều phải làm việc chân tay nặng nhọc tại các công trường. Nhiều người trông khá rách rưới, tồi tàn. Dáng vẻ đấy của họ khiến 101 – 144 khó chịu".
Thậm ghét người nghèo, liên lụy giáo dục trẻ em
Hàn Quốc có tổng cộng khoảng 1,7 triệu căn hộ. Mặc dù hàng rào phân cách giàu – nghèo như ở Gwanak Dream Town là hy hữu, nhưng định kiến kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử thì tồn tại mọi nơi, đặc biệt là trong khu vực thành thị. Mỗi lần lên kế hoạch xây dựng chung cư cho thuê, chính phủ Hàn Quốc lại đau đầu vì vấp phải phản ứng dữ dội từ tầng lớp trung – thương lưu. Họ kêu ca các căn hộ bình dân, giá rẻ ảnh hưởng tới giá trị bất động sản của mình.
Chung cư cho thuê là giải pháp hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả, nhưng lại khiến gab–eul thêm nặng nề
Chỉ từ tháng 5/2017 – 6/2019, Ủy ban Chống Tham nhũng và Quyền Công dân (Anti-Corruption and Civil Rights Commission) tiếp nhận 1068 đơn khiếu nại chống xây dựng chung cư cho thuê mới. Chúng chiếm hẳn 30% tổng khiếu nại liên quan đến kiểu nhà ở này.
Tại Seohyeon-dong, Seongnam, Gyeonggi, một số cư dân còn giăng biểu ngữ so sánh chung cư cho thuê với "trại tị nạn". Họ lên án, chung cư cho thuê đe dọa an toàn và an ninh người dân.
Doanh nghiệp tổ hợp căn hộ cho thuê giá rẻ xuyên Hàn Quốc quen thuộc nhất là Humansia. Họ lên và quản lý danh sách các căn hộ, tạo điều kiện cho người thuê dễ dàng tìm kiếm nơi ở phù hợp. Người Hàn Quốc kỳ thị Humansia, gọi những ai cần đến họ là hugar với nghĩa "khố rách áo ôm".
Trẻ em Hàn Quốc tiếp nhận gab – eul từ cha mẹ, biểu hiện thành bạo lực học đường
"Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh học sinh con nhà giàu bắt nạt học sinh con nhà nghèo," – thầy giáo Seo Jin Taek lên tiếng. "Khi hỏi nguyên do, các em đó trả lời vì mẹ dặn không được chơi với đám hugar".
"Trẻ con nào đã hiểu được gì," – Jin Taek chua chát. "Cha mẹ dạy sao thì chúng học theo y như vậy thôi".
Tổ chức phi lợi nhuận ChildFund, Hàn Quốc, thừa nhận: sự phân biệt đối xử và thái độ căm ghét người nghèo ảnh hưởng lớn lên trẻ em. Nó nghiêm trọng đến mức, nhiều trẻ em buông lời mạt sát bạn bè nghèo mà không hề bứt rứt.
Càng ở các khu giàu có, định kiến gab–eul càng nặng
Tháng 12/2015, Tổng công ty Nhà ở & Cộng đồng Seoul (Seoul Housing & Communities Corporation) tiến hành khảo sát 10.000 cư dân Seoul có con em đang học tiểu học. Họ cho thấy, chỉ có 57,1% không thành kiến với chung cư, nhà ở cho thuê. Tại các quận giàu có như Gangnam-gu, Seocho-gu, Songpa-gu, con số này thấp đến mức 37,5%.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/goc-toi-xa-hoi-han-quoc-van-hoa-phan-cap-xa-hoi-gab-eul-cam-ghet-va-khinh-miet-nguoi-ngheo-day-khac-nghiet-20211110234303864.chn