Dự luật hạn chế sinh viên quốc tế và tác động đối với nền kinh tế
Sinh viên tại trường đại học Sydney, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo Tạp chí The Conversation, Thượng viện Australia đang chuẩn bị nhóm họp để xem xét Dự luật sửa đổi (Chất lượng và toàn vẹn) về dịch vụ giáo dục cho sinh viên nước ngoài năm 2024 – dự luật liên quan đến việc hạn chế số lượng sinh viên quốc tế đến Australia, bắt đầu từ năm 2025.
Ngay từ khi ra mắt công chúng, dự luật này đã liên tiếp vấp phải sự phản đối và tranh cãi của các trường đại học, các nhà kinh doanh giáo dục và nhiều chính trị gia.
Một nghiên cứu độc lập - do Đại học Melbourne và Đại học Monash tài trợ – đã dự báo rằng việc áp đặt mức trần số lượng sinh viên quốc tế sẽ gây tổn thất đáng kể về doanh thu và việc làm, bao gồm cả những tác động lan tỏa nói chung lên nền kinh tế Australia.
Bên cạnh đó, một báo cáo mới mà The Conversation trích dẫn - do nhóm tác giả bài viết thực hiện cho Trung tâm nghiên cứu về di cư của Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định rằng vẫn còn nhiều lý do cho thấy việc Chính phủ Australia đưa ra giới hạn số lượng sinh viên quốc tế là một ý tưởng không phù hợp.
Giới hạn số lượng sinh viên quốc tế (hay còn được hiểu là áp mức trần sinh viên quốc tế) sẽ là một trong những biện pháp bổ sung cùng với những thay đổi về chính sách nhập cư gần đây mà Canberra đang theo đuổi – những thay đổi sẽ làm giảm số lượng sinh viên quốc tế đến nước này, với mục đích đưa số lượng sinh viên trở lại ngưỡng mục tiêu của chính phủ.
Điều gì xảy ra với dòng chảy sinh viên quốc tế?
Vào cuối năm 2023, sự phục hồi của ngành giáo dục quốc tế Australia, sau thời kỳ bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, đã xung đột với nguồn cung ứng về nhà ở. Nhu cầu thuê nhà tăng cao đẩy giá nhà thuê lên ngưỡng “không tưởng” và xuất hiện tình trạng thiếu chỗ ở. Chính phủ Australia đã tìm cách kiềm chế bớt hiện tượng này bằng cách nhắm trực tiếp vào lĩnh vực giáo dục quốc tế và thực hiện nhiều thay đổi về chính sách nhập cư.
Ngay trước khi công bố Ngân sách liên bang vào tháng 5/2024, Canberra đã công bố kế hoạch áp dụng mức trần số lượng sinh viên quốc tế, điều mà các nhà chức trách kỳ vọng sẽ đảo ngược dòng sinh viên nước ngoài đến Australia.
Nếu dự luật hạn chế sinh viên quốc tế được thông qua
Nếu dự luật được thông qua, Bộ trưởng Giáo dục Australia có quyền giới hạn số lượng sinh viên quốc tế căn cứ theo từng nhà cung cấp dịch vụ giáo dục, dựa trên tiêu chí về quy mô trường và khóa học. Từ ngày 1/1/2025, những áp đặt về số lượng cấp thị thực sẽ áp dụng cho sinh viên quốc tế mới và lượng sinh viên hiện đang học tập ở Australia sẽ được tính vào những năm tiếp theo.
Luật mới sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1.500 cơ sở giáo dục, nơi cung cấp hơn 25.000 khóa học tại 3.900 địa điểm trên toàn Australia. Các cơ sở trên gồm các trường học, cao đẳng giảng dạy bằng tiếng Anh, nhà cung cấp giáo dục nghề nghiệp, trường đại học và các cơ sở không phải là các trường đại học nhưng cung cấp dịch vụ giáo dục đại học như các trường cao đẳng chuyển tiếp mà nhiều sinh viên quốc tế theo học trước khi bước vào đại học.
Vào thời điểm hiện tại, chưa có kế hoạch nào nhằm giới hạn số lượng sinh viên học các trường phổ thông hoặc các cơ sở nghiên cứu. Trọng tâm của “mức trần” năm 2025 sẽ là các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục (không tính các trường phổ thông) ở Sydney, Melbourne và Brisbane vì đây là những thành phố tập trung đông sinh viên quốc tế.
Thách thức khi áp đặt mức trần sinh viên quốc tế
Với việc giới hạn số lượng khóa học, chính phủ liên bang Australia hy vọng sẽ khiến các sinh viên quốc tế hạn chế bớt việc lựa chọn những khóa học cho những ngành nghề phổ biến hiện nay, chẳng hạn như bằng cấp kinh doanh, thay vào đó hướng họ tới các khóa học nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ năng của Australia, chẳng hạn như y tế và giáo dục.
Lập luận cơ bản trong việc phản đối áp đặt mức trần nói trên là sinh viên có quyền tự do lựa chọn khóa học và nhà cung cấp giáo dục cho riêng mình. Trong khi đó, cơ sở chính sách của Australia nhằm thu hút lao động có kỹ năng cũng còn thiếu sót khi chỉ chưa đến 20% sinh viên quốc tế trở thành thường trú nhân tại Australia.
Một số cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, Cơ quan quản lý giáo dục đại học và Bộ Nội vụ (cơ quan quản lý thị thực sinh viên), đang rất lo ngại về điều đó. Họ đã công khai bày tỏ “những trăn trở” trong các bản đệ trình của Thượng viện lần này. Các cơ quan trên cho rằng họ không thể áp dụng giới hạn với các thiết lập hiện tại có sẵn.
Những thay đổi liên quan đến thị thực sinh viên
Hệ thống di trú cho sinh viên đến Australia đã có những thay đổi đáng kể trong năm qua và điều này làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Kể từ năm 2023, Chính phủ Australia đã đưa ra 9 thay đổi chính sách di cư lớn ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế trước đây và sau này, với 10 thay đổi được dự báo sẽ áp dụng vào cuối năm 2024.
Để có được thị thực, sinh viên dự định sang Australia du học cần phải đáp ứng trình độ tiếng Anh cao hơn và có khoản tiết kiệm lớn hơn để trang trải chi phí trong thời gian lưu trú tại Australia. Chính phủ Australia cũng đã đưa ra các chính sách nhằm ngăn chặn những sinh viên “không chính thức” đến Australia để làm việc thay vì học tập. Lệ phí xin thị thực cũng tăng gấp đôi lên 1.600 AUD (1.037 USD), điều này sẽ chuyển hướng nhu cầu của sinh viên sang các quốc gia khác.
Những thay đổi tiếp theo đồng nghĩa với việc các sinh viên sau khi tốt nghiệp có ít thời gian ở lại Australia hơn. Chính phủ Australia cũng đã ngừng cấp thị thực tạm thời cho sinh viên quốc tế trên 35 tuổi và bãi bỏ thời hạn gia hạn 2 năm của loại thị thực này.
Liệu các biện pháp trên đã đủ?
Một báo cáo do tác giả bài viết thực hiện, trong đó sử dụng dữ liệu theo tháng, cho thấy các chính sách của Chính phủ Công đảng Australia hiện nay đã có những tác động đáng kể đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả sinh viên học tại trường dạy nghề TAFE và các trường tư tương tự.
Đầu năm 2024, số lượng đơn xin thị thực được duyệt hàng tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005, không tính 2 năm đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Giáo dục đại học có khả năng phục hồi tốt hơn, nhưng số lượng thị thực được cấp vào đầu năm 2024 đã giảm xuống dưới mức trước khi bùng phát dịch bệnh.
Bỏ qua những thay đổi về chính sách, năm 2025 sẽ là năm “bình thường” hơn của lĩnh vực giáo dục quốc tế. Vài năm gần đây, Australia chứng kiến nhu cầu bị dồn nén từ năm 2020 và 2021, giai đoạn sinh viên quốc tế không thể đến Australia do đại dịch, kết hợp với những sinh viên đến nhập học vào khoảng năm 2022 và 2024. Khi những sinh viên này hoàn thành khóa học và rời khỏi Australia, ngành giáo dục quốc tế sẽ quay lại lịch trình thông thường khi số lượng sinh viên ra khỏi Australia bù đắp đáng kể cho số sinh viên đến đây.
Chính phủ Australia nên chờ đợi
Giữa tất cả những thay đổi này và sự gián đoạn có thể xảy ra do việc áp đặt mức trần, Australia đang bỏ lỡ một phần quan trọng trong mảnh ghép. Chính phủ Australia nên công bố mục tiêu cấp thị thực du học để làm cơ sở cho chính sách hạn chế của mình. Sau đó, họ cần chờ xem liệu đơn xin thị thực du học và các đơn đã được cấp thị thực cho phần còn lại của năm 2024 và học kỳ đầu tiên của năm 2025 có giúp Australia đạt được mục tiêu hay không.
Trường hợp chưa đạt được mục tiêu, Australia mới cần tính đến việc đưa trở lại chương trình nghị sự chính sách liên quan đến việc áp đặt mức trần theo từng nhà cung cấp dịch vụ giáo dục. Việc thúc đẩy mức trần vào thời điểm hiện tại có nguy cơ gây tổn hại lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và số sinh viên đăng ký theo học tại những cơ sở này. Tác hại của chúng sẽ lớn hơn tác dụng giảm bớt dân số tại Australia.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/du-luat-han-che-sinh-vien-quoc-te-va-tac-dong-doi-voi-nen-kinh-te-australia/342980.html