Ukraine mở chiến dịch truy quét tham nhũng trong quân đội

10:00' 12-04-2024
Ukraine đang đẩy mạnh nỗ lực chống sâu mọt tham nhũng trong ngành quốc phòng, song đối mặt các nhóm lợi ích có nhiều quyền lực.


    Các nhân viên an ninh Ukraine bịt mặt đã tiến hành nhiều cuộc đột kích, thu giữ hàng đống tiền mặt và bắt loạt nghi phạm trong chiến dịch truy quét nạn tham nhũng, hối lộ liên quan đến hoạt động mua sắm trong quân đội, từ nhu yếu phẩm phục vụ binh sĩ như trứng cho đến vũ khí cho nhu cầu chiến đấu như đạn pháo.

    Cùng lúc, một chiến dịch thầm lặng hơn đang được tiến hành bởi nhóm chuyên gia mới, trong đó có cựu giám đốc ngành năng lượng Maryna Bezrukova. Từ văn phòng của mình tại một trung tâm thương mại ở Kiev, bà đang tìm mọi cách đảm bảo các hợp đồng mua sắm vũ khí mới của Ukraine sẽ không bị những con "sâu mọt" đục khoét.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) kiểm tra các công sự mới cho binh sĩ ở khu vực Kharkov, miền đông Ukraine, ngày 9/4. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Volodymyr Zelensky (giữa) kiểm tra các công sự mới cho binh sĩ ở khu vực Kharkov, miền đông Ukraine, ngày 9/4. Ảnh: Reuters

    "Chúng ta cần thay đổi cả hệ thống", Bezrukova, người được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Tổng cục Mua sắm Quốc phòng Ukraine vào đầu năm nay, cho biết. "Nếu không, chẳng thể làm được gì".

    Giữa lúc Ukraine phải đối mặt với những thất bại trên chiến trường vào năm thứ ba của cuộc xung đột với Nga, tình trạng tham nhũng trong quân đội đang làm xói mòn động lực ủng hộ đối với nỗ lực chiến đấu cả trong và ngoài nước.

    Các cáo buộc tham nhũng tại Ukraine trở thành cái cớ không thể tốt hơn cho những đảng viên Cộng hòa tại quốc hội Mỹ để tiếp tục chặn gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev.

    Thiếu đạn dược và nhân lực, quân đội Ukraine đang phải vật lộn để giữ phòng tuyến trước đối thủ mạnh hơn nhiều. Tham nhũng cũng làm suy yếu tinh thần chiến đấu của binh sĩ và khiến nỗ lực thuyết phục người dân Ukraine ra chiến trường càng trở nên khó khăn hơn.

    Các nhà hoạt động chống tham nhũng Ukraine nói rằng bà Bezrukova có đủ khả năng thách thức những nhóm lợi ích trong quân đội hay những nhóm trung gian mờ ám khi đàm phán các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ USD.

    Theo họ, nỗ lực của bà nhằm giải quyết vấn đề mua sắm vũ khí có mang lại ý nghĩa lớn hơn so với hàng loạt vụ bắt bớ gần đây. Nhưng thách thức mà Bezrukova đối mặt là đặc biệt lớn.

    "Tất nhiên, điều đó không hề dễ dàng", Bezrukova thừa nhận, ví nhiệm vụ của bà giống như việc may một chiếc dù khi đang rơi tự do.

    Bezrukova được bổ nhiệm làm lãnh đạo sau khi Tổng cục Mua sắm Quốc phòng Ukraine chứng kiến hàng loạt vụ bê bối trong các hợp đồng. Các nhà báo điều tra Ukraine đã tiết lộ Bộ Quốc phòng nước này mua trứng cho binh sĩ với giá cao hơn gấp đôi giá thị trường. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng trong nỗ lực xoa dịu công chúng cũng như trấn an các đồng minh phương Tây.

    Cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện một số vụ bắt người liên quan đến tham nhũng, trong đó nổi bật nhất là doanh nhân Ihor Hrynkevych. Các công ty do ông đứng đầu đã giành được hợp đồng cung cấp quần áo và đồ lót cho lực lượng vũ trang Ukraine, dù trước đó hoạt động chủ yếu trong ngành xây dựng.

    Nhưng những công ty này không thể đáp ứng tiêu chuẩn được nêu trong hợp đồng về cung ứng quân trang, dẫn đến thiệt hại hơn 30 triệu USD. Hrynkevych bị bắt hồi tháng 12/2023 khi đang đưa khoản hối lộ 500.000 USD cho một quan chức an ninh.

    Cơ quan chức năng cũng mở một cuộc điều tra riêng biệt liên quan đến cáo buộc các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng biển thủ 40 triệu USD ngân sách dành để mua đạn pháo cho quân đội.

    Tân Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đã tuyên bố cải tổ quá trình mua sắm cho quân đội sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. "Mỗi đồng tiền bị đánh cắp đều phải trả giá bằng mạng sống và sự an toàn của binh lính chúng ta", ông nói trước quốc hội khi tuyên thệ vào mùa thu năm ngoái, gọi các quan chức tham nhũng là "những kẻ khủng bố".

    Tham nhũng đã ăn sâu, bám rễ trong ngành quốc phòng Ukraine hàng chục năm qua, với việc các nhà sản xuất thường xuyên hối lộ quan chức chuyên trách nhằm cấu kết đẩy giá trang thiết bị quân sự lên cao. Thay đổi điều này đã là rất khó khăn ngay cả trong thời bình.

    Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trước mắt cho binh lính, xóa bỏ tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng còn là chìa khóa để Ukraine hội nhập với phương Tây và trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU), mục tiêu dài hạn mà Kiev đang cố gắng hướng tới.

    Giới chức Mỹ khẳng định không có bằng chứng nào về việc 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế mà nước này cung cấp cho Ukraine kể từ xung đột bùng phát đến nay đã bị sử dụng sai mục đích. Nhưng họ cũng thúc giục Kiev cải cách quy trình mua sắm quốc phòng phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO.

    Umerov đã tập trung nỗ lực cải cách Bộ Quốc phòng vào hai đơn vị tối quan trọng là Cơ quan Điều hành Hậu phương, chịu trách nhiệm mua sắm nhiên liệu, quần áo, thực phẩm và tất cả vật tư khác cho lực lượng vũ trang, cùng Tổng cục Mua sắm Quốc phòng, chịu trách nhiệm mua vũ khí.

    Khi Bezrukova được đề nghị đảm nhận vị trí lãnh đạo Tổng cục Mua sắm Quốc phòng vào mùa thu năm ngoái, bà đang là thành viên ban điều hành công ty năng lượng quốc gia Ukrenergo. Tại đây, bà được đánh giá là người đã phát triển và thực hiện những chính sách mua sắm giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực.

    Maryna Bezrukova, lãnh đạo Cơ quan Mua sắm Quốc phòng Ukraine. Ảnh: WSJ

    Maryna Bezrukova, lãnh đạo Tổng cục Mua sắm Quốc phòng Ukraine. Ảnh: WSJ

    Bezrukova cho hay thông tin về những "sâu mọt" gian lận mua sắm trong lĩnh vực quốc phòng đã khiến bà cảm thấy "ghê tởm và rất khó chịu".

    Bà bắt đầu vai trò mới bằng việc kiểm tra nhân viên qua máy phát hiện nói dối. "Chúng tôi kiểm tra xem nhân viên có hợp tác với kẻ thù hay có hành vi tham nhũng hay không", Bezrukova giải thích. "Điều quan trọng là chúng tôi phải tin tưởng 100% vào đội ngũ của mình. Nếu kết quả cho thấy ai đó đang nói dối, nhóm sẽ tiến hành điều tra thêm".

    Tổng cục Mua sắm Quốc phòng nhận danh sách các loại vũ khí mà quân đội cần dựa trên những kế hoạch từ trước. Bezrukova có nhiệm vụ mua chúng với giá tốt nhất trong khả năng.

    Một trong những đề xuất đầu tiên của Bezrukova là sửa đổi luật để Ukraine có thể đàm phán các hợp đồng ba năm thay vì một năm. "Hệ thống không cho phép chúng tôi làm việc trên cơ sở hợp đồng dài hạn, đồng nghĩa chúng tôi đang mua hàng tồn kho hoặc được sản xuất ngắn hạn với giá cao", bà cho biết.

    Một vấn đề khác mà bà xác định được là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhánh khác nhau trong bộ máy an ninh Ukraine. Khi nhiều cơ quan cùng tranh giành hợp đồng, các nhà sản xuất vũ khí có thể ra giá cao hơn.

    Theo Bezrukova, phần lớn các hợp đồng vũ khí hiện nay của Ukraine đều thông qua bên trung gian, điều khiến họ phải trả giá cao hơn và khó kiểm soát nguồn cung hơn.

    "Chúng tôi đang cố gắng loại bỏ bên trung gian và trực tiếp liên lạc với nhà sản xuất, dù không phải lúc nào cũng khả thi", bà nói. "Không ai có thể cung cấp cho bạn mức giá tốt hơn chính nhà sản xuất".

    Nhưng nỗ lực của Bezrukova có thể gặp phải những thế lực đối kháng quyết liệt. Cơ quan Điều hành Hậu phương đã vướng vào các vụ kiện tụng và đối mặt với một chiến dịch bôi nhọ sau khi họ đưa ra những biện pháp làm suy giảm vị thế của các nhà thầu cung cấp thực phẩm truyền thống cho Bộ Quốc phòng.

    "Sẽ rất bất ngờ nếu những người hưởng lợi từ chương trình cũ hoan nghênh cuộc cải cách", Arsen Zhumadilov, người đứng đầu cơ quan, nói.

    Bất chấp những thách thức, Zhumadilov, người từng cải cách hoạt động mua sắm cho Bộ Y tế Ukraine, hồi tháng trước cho hay Cơ quan Điều hành Hậu phương đã tiết kiệm được khoảng 77 triệu USD. Trong một video, họ cho biết đã mua trứng với giá chưa bằng 1/3 mức giá mà cựu bộ trưởng quốc phòng từng phê duyệt.

    Theo Bezrukova, tình trạng quan liêu cũng tạo ra trở ngại lớn. Bộ máy chính phủ quá chậm chạp, không theo kịp những nhu cầu thay đổi nhanh chóng trên chiến trường. "Vấn đề không chỉ là tham nhũng, mà còn là vận hành kém hiệu quả", bà nhấn mạnh.

    Bất chấp quyết tâm của họ, các nhà hoạt động vẫn đặt câu hỏi liệu những người theo chủ nghĩa cải cách có đủ nguồn lực để theo đuổi nỗ lực chống tham nhũng hay không. Olena Tregub, thành viên hội đồng chống tham nhũng thuộc Bộ Quốc phòng, lưu ý rằng "ý chí chính trị nhằm giải quyết nạn tham nhũng khá lớn, nhưng vấn đề nằm ở nguồn lực hạn chế".

    Yêu cầu minh bạch thông tin cũng mâu thuẫn với nhu cầu giữ bí mật của quân đội, khiến các nhà hoạt động chống tham nhũng gặp khó khăn trong việc giám sát hoạt động mua sắm khí tài.

    Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyền ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

    Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyền ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters

    "Rõ ràng là chúng ta đang có giao tranh và hầu hết thông tin phải được giữ kín", Daria Kaleniuk, giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Chống tham nhũng, tổ chức phi lợi nhuận trụ sở ở Kiev, nhận xét. "Tuy nhiên, phải có chính sách để đảm bảo rằng chúng ta không mua vũ khí từ những bên trung gian vốn không thể giao hàng".

    Tetyana Nikolaienko, thành viên khác của hội đồng chống tham nhũng, thêm rằng còn phải xem liệu chính phủ có tiếp tục ủng hộ nỗ lực này hay không, khi họ chắc chắn phải đối mặt với những nhóm lợi ích lâu đời hơn trong tương lai. "Họ sẽ có rất nhiều kẻ thù", bà nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-chien-chong-sau-mot-trong-quan-doi-ukraine-4732455.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ