Nga đang bị các đồng minh chủ chốt ’bỏ rơi’
Đồng minh lo ngại
Những động thái gần đây của một số đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ấn Độ, cho thấy họ đang trở nên thận trọng hơn trước các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Một số ngân hàng lớn ở Trung Quốc đã ngừng chấp nhận các khoản thanh toán từ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt.
Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Kyrgyzstan và Kazakhstann mới đây cũng đã đình chỉ quan hệ tài chính và ngừng chấp nhận thẻ thanh toán Mir của Nga. Mir là giải pháp thay thế khi các hệ thống thanh toán quốc tế Visa và Mastercard ngừng hoạt động tại Nga
Ấn Độ, từng là khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga, được cho là đã ngừng thanh toán dầu thô cao cấp của Nga. Trong khi đó, các công ty dầu mỏ của Nga đang phải đối mặt với sự chậm trễ lên tới vài tháng trong việc nhận các khoản thanh toán dầu thô và nhiên liệu do các ngân hàng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE lo ngại sự trả đũa từ Mỹ, theo Reuters.
Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng đang gặp khó khăn vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, ảnh hưởng đến tuyến đường cung cấp quan trọng cho Moscow và một tuyến đường mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng đã thúc đẩy cuộc chiến của họ ở Ukraine.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các quốc gia này đã duy trì mối quan hệ với Nga trong suốt khoảng thời gian chiến sự diễn ra và Moscow đang ngày càng nhích lại gần hơn với họ để giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt hiện có.
Reuters dẫn tám nguồn tin ngân hàng và nhà giao dịch cho hay một số ngân hàng ở Trung Quốc, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các yêu cầu tuân thủ lệnh trừng phạt trong những tuần gần đây. Điều này dẫn đến việc thanh toán tiền mua dầu thô cho Nga bị chậm trễ hoặc thậm chí bị từ chối.
Các ngân hàng ngày càng tỏ ra thận trọng trước các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ, bắt đầu yêu cầu khách hàng của họ cung cấp các văn bản bảo đảm rằng không có cá nhân hoặc tổ chức nào trong danh sách SDN (Quốc gia được chỉ định đặc biệt) của Mỹ tham gia vào một giao dịch hoặc là người thụ hưởng khoản thanh toán.
Hai nguồn tin cho biết tại UAE, các ngân hàng First Abu Dhabi Bank (FAB) và Ngân hàng Hồi giáo Dubai (DIB) đã đình chỉ một số tài khoản liên quan đến giao dịch hàng hóa của Nga.
Bốn nguồn tin khác thì cho biết ngân hàng Mashreq của UAE, Ziraat và Vakifbank của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các ngân hàng Trung Quốc là ICBC và Bank of China vẫn xử lý các khoản giao dịch nhưng việc này kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận việc các ngân hàng tại Trung Quốc chậm thanh toán vẫn tồn tại.
“Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn duy trì áp lực chưa từng có với Trung Quốc”, ông Peskov nói trong cuộc họp báo với các phóng viên.
“Tất nhiên, điều này tạo ra một số vấn đề nhất định, nhưng không thể trở thành trở ngại cho sự phát triển hơn nữa trong quan hệ kinh tế và thương mại của chúng tôi (với Trung Quốc)”, ông Peskov nhấn mạnh thêm.
Áp lực chưa từng có từ Mỹ
Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh cho phép Mỹ trực tiếp trừng phạt các ngân hàng nước ngoài tạo điều kiện cho các giao dịch quan trọng của Nga. Washington đe dọa sẽ chặn các ngân hàng tiến hành kinh doanh với các công ty hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng các tổ chức tài chính sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo rằng họ không cố ý hoặc vô tình tạo điều kiện cho hành vi gian lận và trốn tránh”.
“Chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng các công cụ mới do cơ quan này cung cấp để thực hiện hành động mang tính quyết định và triệt để chống lại các tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga", bà Yellen nhấn mạnh thêm.
Mỹ đã tăng cường trừng phạt Moscow kể từ khi chiến sự nổ ra. Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng sau khi dự trữ ngoại hối bị đóng băng và Moscow bị loại ra khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Tổng thống Mỹ Biden cũng tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng 3/2022, cho biết động thái này sẽ nhắm vào “huyết mạch chính” của nền kinh tế Nga.
Trong khi đó, nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7), EU và Australia áp đặt trần giá 60 USD/thùng dầu Nga và cấm các công ty bảo hiểm vận chuyển dầu đường biển của Nga nếu vượt mức giá này.
Trung tâm Wilson, một cơ quan cố vấn của Mỹ, cho biết trong phân tích hồi tháng 2 rằng "áp lực từ các biện pháp trừng phạt đang gia tăng và có tác động đến nền kinh tế Nga".
"Bất chấp những nỗ lực phản đối, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đang phát huy tác dụng. Thời gian và việc áp dụng các đòn trừng phạt khắc nghiệt sẽ có tác động thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế Nga", các chuyên gia của Wilson nhận định.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3683288