Điều hối tiếc của những người nghỉ hưu sớm

11:38' 06-01-2025
Brandon Ganch luôn cảm thấy thiếu thốn khi tiết kiệm 70% lương để nghỉ hưu tuổi 34, còn Alex Trias ám ảnh với việc xem danh mục đầu tư hàng ngày.


    Trong tập gần đây của chương trình radio Afford Anything (Mỹ), Brandon Ganch (biệt danh MadFientist) cho biết anh không hối tiếc khi gây dựng tài sản bằng cách tiết kiệm 70% thu nhập và nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, anh cho hay khoảng thời gian đó luôn cảm thấy thiếu thốn. "Cả tôi và vợ đều không mấy vui vẻ", anh nhớ lại.

    Trước khi nghỉ hưu sớm, cựu kỹ sư phần mềm cùng vợ sống rất tằn tiện để theo đuổi tự do tài chính. Hiện tại, khi đã có hai con, thói quen chi tiêu của Ganch bắt đầu thay đổi. Thay vì siêu tiết kiệm, anh ưu tiên chi cho những thứ cải thiện chất lượng cuộc sống, như mua nhà ở Scotland - nơi anh sống hiện tại. Đây là quyết định Ganch cho là "thuần xa xỉ", so với lối sống tằn tiện trước đây.

    "Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác sở hữu nhà. Tôi biết mọi thứ đều có giá của nó và không quá ám ảnh việc tiết kiệm từng đồng nữa", anh nói.

    Brandon Ganch trong một chuyến du lịch. Ảnh: Brandon Ganch

    Brandon Ganch trong một chuyến du lịch. Ảnh: Brandon Ganch

    Quan điểm của Ganch thay đổi sau khi đọc cuốn sách Die with Zero của Bill Perkins, trong đó nhấn mạnh phải cân bằng giữa mục tiêu độc lập tài chính và khả năng hưởng thụ cuộc sống, đừng chỉ tập trung tiết kiệm cho tương lai.

    Khi nhìn lại, Ganch ước rằng anh đã tham gia nhiều trải nghiệm hơn ở tuổi 20, như các bữa tiệc độc thân mà mình bỏ qua vì vé máy bay đắt đỏ. "Tôi không muốn ra ngoài uống đến say khướt dịp cuối tuần với bạn bè khi đã 40 tuổi. Nhưng tôi tiếc vì đã bỏ lỡ trải nghiệm đó năm 20 tuổi. Lẽ ra tôi đã có những giây phút vui vẻ, tiệc tùng và tán gẫu mọi chuyện với bạn bè", anh nói.

    Ganch đánh giá cao sự tự do mà nghỉ hưu sớm mang lại và vẫn muốn bảo toàn số tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, anh đã chi tiêu thoải mái hơn. "Đừng cố gắng tối đa hóa tài sản, mà hãy tối đa hóa trải nghiệm", anh nói.

    Cũng như Ganch, Alex Trias ước mình không quá tập trung cho mục tiêu nghỉ hưu sớm. Trias nghỉ hưu ở tuổi 41, sau đó cùng vợ chuyển đến sinh sống tại Bồ Đào Nha. Suốt nhiều năm, anh ám ảnh việc theo dõi biến động danh mục đầu tư.

    "Sự hối hận lớn nhất của tôi không phải về chi tiêu, mà là suy nghĩ. Lúc nào tôi cũng nghĩ về việc mua vào ở giá thấp, chờ đợi và bán ra khi giá cao. Tôi thậm chí không có thời gian nhìn lại xem mình đã căng thẳng đến mức nào", anh cho biết trên CNBC.

    Trias cho rằng việc quá quan tâm đến biến động tài sản ngày này qua ngày khác sẽ phản tác dụng. "Hãy tập trung vào thói quen bạn đang hình thành, thay vì chỉ chú ý đến kết quả", anh nói.

    Sam Dogen - nhà sáng lập website tư vấn tài chính Financial Samurai cũng không hối hận vì nghỉ hưu sớm ở tuổi 34. Nhưng anh ước mình đi làm thêm vài năm trước khi nghỉ.

    "Giờ tôi mới nhận ra mình vẫn quá trẻ khi nghỉ hưu. Một số người thậm chí cho rằng quyết định của tôi là vô trách nhiệm và bất cẩn, vì khi đó tôi mới bước vào thời kỳ thu nhập đạt đỉnh", anh kể lại.

    Dogen làm việc 13 năm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Khi nghỉ hưu, anh có 3 triệu USD tài sản, tạo ra thu nhập thụ động 80.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục làm việc một thời gian nữa, có lẽ anh sẽ tiết kiệm được nhiều hơn và khám phá được nhiều cơ hội hơn.

    "Nhìn lại thì, lẽ ra tôi có thể làm việc thêm ít nhất một năm nữa và tìm vị trí ở công ty mới. Tôi từng muốn làm việc ở nhiều nơi, như Hong Kong, Đài Loan, Bắc Kinh hay London. Khi đó, có thể tôi sẽ cảm thấy hấp dẫn và đi làm thêm vài năm nữa", anh nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/dieu-hoi-tiec-cua-nhung-nguoi-nghi-huu-som-4835663.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ