Úc đẩy mạnh tuyển dụng nhân lực nước ngoài để giải quyết khủng hoảng ở ngành y tế
Úc hiện đứng trước bờ vực khủng hoảng nguồn lực y tế nghiêm trọng, khi dự đoán sẽ thiếu đến 200.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe. Theo đó, nhiều bang đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp “chiêu mộ” nhân tài từ bên ngoài nhằm giải quyết bài toán y tế trước mắt.
Theo tờ The Guardian, một nghiên cứu do Ủy ban Kỹ năng quốc gia Úc thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy nước này sẽ thiếu hụt gần 100.000 nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, khuyết tật và tâm thần vào năm 2027. Con số này thậm chí sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050.
Úc sẽ thiếu hụt đến 200.000 nhân viên chăm sóc y tế vào năm 2050. Ảnh: AAP
Sự thiếu hụt sẽ trầm trọng nhất trong lĩnh vực chăm sóc người già và người tàn tật, nhân viên hỗ trợ điều dưỡng và chăm sóc cá nhân, thậm chí là thiếu hụt ở nhóm lực lượng quản lý y tế và phúc lợi.
Tuy đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, song theo báo cáo của Ủy ban Kỹ năng, hiện có tới 95% lực lượng chăm sóc y tế nước này có thu nhập dưới mức trung bình của Úc.
Nhóm nghề nghiệp lớn nhất là nhân viên chăm sóc và hỗ trợ cá nhân có thu nhập hằng tuần nằm ở mức thấp nhất, thấp hơn 523 AUD so với mức lương trung bình của Úc. Các chuyên gia y tế thì có thu nhập hằng tuần thấp thứ hai, thấp hơn mức trung bình 268 AUD.
Nhóm nghề nghiệp duy nhất có thu nhập hằng tuần cao hơn mức trung bình là các nhà quản lý sức khỏe và phúc lợi, ở mức 754 AUD.
Theo Bộ trưởng Kỹ năng Úc Brendan O’Connor, bài nghiên cứu hoàn thành dưới thời chính quyền Thủ tướng Scott Morrison (người tiền nhiệm của thủ tướng hiện tại là ông Anthony Albanese). Ông O’Connor chỉ trích chính quyền ông Morrison đã không công bố nghiên cứu và nói rằng việc phía chính quyền tiền nhiệm không hành động đã làm phức tạp thêm các vấn đề mà ngành y tế phải đối mặt.
“Nó được giữ bí mật vì chính phủ Tự do (của ông Morrison) muốn tránh đối phó với cuộc khủng hoảng mà lực lượng chăm sóc đang phải đối mặt, đặc biệt là về chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, cũng như chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tâm thần” - ông O’Connor nói.
“Chính quyền đương nhiệm cam kết hành động để cải thiện khả năng thu hút, giữ chân và tính bền vững của lực lượng chăm sóc y tế. Hợp tác với người sử dụng lao động, công đoàn và lĩnh vực này, chúng tôi sẽ biến chăm sóc y tế thành một lĩnh vực mà mọi người muốn làm việc, được tôn trọng và có giá trị” - ông O’Connor nhấn mạnh.
Bà Angela Lee, Giám đốc Phòng khám y khoa Blair Athol, cho biết cơ sở của bà hiện phục vụ khoảng 14.000 bệnh nhân và đang có chiều hướng gia tăng đáng kể. Bà chia sẻ với đài ABC rằng nhân viên ở đây phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng nhanh của người dân và bệnh nhân cũng phải đợi khá lâu mới được khám.
Theo The Guardian, chính quyền các bang của Úc đang thúc đẩy các hoạt động thu hút nhân lực y tế nước ngoài. Cụ thể, hồi đầu tháng 6, chính quyền New South Wales cam kết chi 4,5 tỉ AUD để tăng cường lực lượng y tế của bang lên hơn 10.000 người trong vòng bốn năm.
Thông tin này được đón nhận vô cùng tích cực trên khắp vùng Tasman, đến mức Giám đốc điều hành Tổ chức Y tá New Zealand Paul Goulter bày tỏ lo ngại rằng động lực tuyển dụng của Úc có thể khiến New Zealand mất tới 7.500 y bác sĩ cho nước láng giềng trong 12 tháng tới.
“Mặc dù luôn có một số y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe quay về nước nhưng có một cảm giác khá tệ rằng chúng tôi có thể mất nhiều nhân lực y tế hơn bình thường” - ông Goulter chia sẻ với đài Radio New Zealand.
Các bang khác của Úc cũng đã công bố các chiến dịch tương tự để thu hút nhân viên y tế nước ngoài. Theo trang health.vic.gov.au, chính quyền bang Victoria công bố nhiều hỗ trợ cho người nước ngoài đến làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng ở bang. Cụ thể, chính quyền bang sẽ hỗ trợ 10.000-13.000 AUD phí tái định cư đến bang Victoria. Những hỗ trợ khác bao gồm phí nhà ở, chăm sóc con cái, phương tiện đi lại…
Bang Victoria cũng đẩy tuyển dụng và đào tạo số lượng lớn nhân viên y tế trong bang để đối phó với tình trạng thiếu nhân viên y tế. Theo đó, chính quyền sẽ chi trả toàn bộ học phí đại học cho hơn 10.000 sinh viên học ngành y tá hoặc hộ sinh. Bên cạnh đó, tất cả sinh viên trong bang mới đăng ký khóa học điều dưỡng hoặc hộ sinh chuyên nghiệp vào năm 2023 và 2024 sẽ nhận được học bổng lên đến 16.500 AUD.
Trước đó, hồi tháng 10-2021, Ủy ban Phát triển kinh tế Úc (CEDA) đã đưa ra một số khuyến nghị dựa trên sự tham vấn rộng rãi với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, các tổ chức đào tạo, công đoàn và học giả. Theo đó, CEDA đề xuất tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho nhóm ngành nghề này, thu hút thêm nhiều người tham gia đào tạo đi kèm cải thiện các khóa đào tạo và đầu tư vào phát triển chuyên môn liên tục.
Theo CEDA, thu hút nhân lực y tế chất lượng cao từ nước ngoài, đầu tư vào công nghệ mới để giảm bớt gánh nặng về hành chính và vật chất cho nhân viên… cũng là những giải pháp tiềm năng để giải quyết gánh nặng hiện tại.•
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một thiệt hại nặng nề cho các hệ thống y tế trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có tới 180.000 nhân viên y tế đã qua đời trên toàn cầu từ tháng 1-2020 đến tháng 5 năm ngoái do virus SARS-CoV-2, theo The Guardian.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, đã có một sự thiếu hụt lớn về các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Báo cáo về tình trạng ngành điều dưỡng thế giới năm 2020 của WHO chỉ ra rằng lĩnh vực y tế toàn cầu đối mặt với mức thiếu hụt lên tới 5,9 triệu y tá trong năm 2018, chiếm khoảng 59% tổng lực lượng lao động y tế.
Trước đại dịch, WHO ước tính thiếu 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030 - hầu hết trong số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Thêm vào đó, tình trạng kiệt sức của đội ngũ nhân viên y tế có thể sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Hội đồng Y tá Thế giới (ICN) lo ngại về sự gia tăng các hoạt động đình công trên khắp thế giới và những tác động dai dẳng của dịch COVID-19 sẽ dẫn đến việc có thêm 3 triệu y tá bỏ việc sớm.
Ông Howard Catton, Giám đốc điều hành ICN, cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống y tế để giải quyết sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong tương lai, do dân số đang gia tăng và già hóa.
“Chúng tôi nghĩ rằng tất cả quốc gia nên hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp. Điều đó không có nghĩa là mọi người không thể đi làm ở nước ngoài nhưng chúng tôi muốn thấy các quốc gia có kế hoạch đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu của chính họ” - ông Catton nói.
Article sourced from plo.vn.