Úc chống chịu tốt hơn trước áp lực lạm phát toàn cầu?
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Australia ở Sydney. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tạp chí Financial Review, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương), ông Philip Lowe, đang đánh cược rằng Australia chống chịu tốt hơn trước áp lực lạm phát toàn cầu so với các quốc gia khác.
Sắp đến lúc Australia nhận ra rằng liệu nước này một lần nữa có thực sự trở thành quốc gia may mắn và khác biệt với các quốc gia phát triển còn lại trên thế giới khi đề cập đến lạm phát và lãi suất hay không.
Ngày 4/4, Hội đồng quản trị RBA đã tạm dừng tăng lãi suất để có thời gian đánh giá tác động của 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp vừa qua, với tổng cộng mức tăng là 3,5 điểm phần trăm.
Thống đốc Philip Lowe hiểu rằng chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ và phải mất từ 12-18 tháng để việc tăng lãi suất tác động hoàn toàn lên nền kinh tế.
Các đợt tăng lãi suất của RBA từ tháng 5/2022 mới chỉ tác động đến khoảng 2/3 những người đang vay thế chấp do các ngân hàng chậm điều chỉnh các khoản trả nợ hàng tháng của khách hàng vay mua nhà và vì một bộ phận lớn các hộ gia đình đang được hưởng mức lãi suất cố định.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rõ ràng là mức lãi suất của RBA hiện đang là 3,6%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương khác như ở Mỹ (4,75-5%), Canada (4,5%), Anh (4,25%) và New Zealand 5,25% (mới tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 5/4).
Ông Philip Lowe đang đặt cược rằng Australia có khả năng chống chọi với áp lực lạm phát toàn cầu tốt hơn các quốc gia khác. Tiền lương không tăng quá "nóng" và RBA sẵn sàng kiên nhẫn hơn để đưa lạm phát trở về mục tiêu đến giữa năm 2025.
Phát biểu ngày 5/4, Thống đốc RBA nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ có tác động "mạnh mẽ" hơn ở Australia bởi vì hầu hết những người vay mua nhà đều vay thế chấp với lãi suất linh hoạt sẽ nhanh chóng bị điều chỉnh theo lãi suất thay đổi của RBA so với những người đi vay ở nước ngoài, thường vay với lãi suất cố định dài hạn.
Ông Lowe cho rằng: "Kể từ khi RBA bắt đầu tăng lãi suất, mức lãi suất thế chấp trung bình mà người Australia phải trả đã tăng nhanh hơn so với mức trung bình lãi suất ở các quốc gia khác".
Tuy nhiên, trước đó ông Lowe lập luận rằng các khoản vay mua nhà không phải là kênh duy nhất mà chính sách tiền tệ tác động. Lãi suất ảnh hưởng đến giá bất động sản, tỷ giá hối đoái, các quyết định tiết kiệm và đầu tư, nhu cầu tiền lương của người lao động và cơ chế định giá của các công ty.
Nếu tỷ giá của Australia vẫn thấp hơn nhiều so với các đồng tiền nước ngoài, thì đồng AUD có thể sẽ xuống thấp hơn nữa so với ngưỡng 0,67 USD, mức giá trong phiên giao dịch hôm 4/4, và điều này sẽ làm tăng "nhập khẩu lạm phát".
Liệu việc tạm dừng tăng lãi suất có kéo dài?
Có thể chúng ta sắp có dịp được kiểm chứng lý thuyết của ông Lowe rằng chính sách tiền tệ đang vận hành hiệu quả hơn ở Australia.
Nhà kinh tế học Paul Bloxham làm việc tại ngân hàng HSBC tin rằng RBA đã hoàn tất việc tăng lãi suất và đang chuẩn bị cho một đợt "tạm dừng dài hạn".
Ông Bloxham cho biết: "Việc tạm dừng này trái ngược với một số ngân hàng trung ương khác vốn đang tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian vừa qua. Chúng tôi thấy RBA đang đặt ưu tiên cao hơn trong việc nền kinh tế 'hạ cánh mềm' so với các ngân hàng trung ương khác, những ngân hàng vốn có vẻ tập trung nhiều hơn vào việc nhanh chóng hạ nhiệt lạm phát, bất chấp điều đó có nghĩa là suy thoái."
Thật vậy, tham vọng của người đứng đầu RBA là "đi trên con đường hẹp và đầy rủi ro" nhằm kiềm chế lạm phát và giữ cho tỷ lệ thất nghiệp thấp dưới 5%. Đây sẽ là một "di sản" hợp lý đối với ông Lowe, người đã có 40 năm làm việc trong ngân hàng trung ương với nhiệm kỳ thống đốc 7 năm, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên, "nói dễ hơn là làm". RBA có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn để đưa lạm phát từ 7,8% trong quý IV/2022 xuống ngưỡng mục tiêu là từ 2-3% theo như dự kiến của ngân hàng này vào giữa năm 2025.
Ngân hàng trung ương của Australia kỳ vọng lạm phát trong quý I/2023 sẽ giảm xuống còn khoảng 6,5% khi dữ liệu được công bố vào ngày 26/4 tới. Nhưng nếu lạm phát vẫn khó hạ nhiệt, ông Lowe sẽ cảm thấy buộc phải tăng lãi suất thêm lần nữa.
Giáo sư kinh tế Richard Holden của Đại học New South Wales (Australia) tin rằng RBA đã không dám tăng lãi suất và ngừng tăng sớm hơn, song cuối cùng sẽ phải nâng lãi suất tiền mặt lên trên 4% để giảm lạm phát.
Giáo sư Holden cho rằng: "Chúng ta không thể tụt khỏi đỉnh lạm phát một cách dễ dàng. Càng để lâu thì 'càng đau đớn' vì nó làm xói mòn thu nhập và tiền tiết kiệm của mọi người".
Ông thừa nhận rằng Australia có thể hơi khác so với Mỹ, vì có mức kích thích tài khóa tương đối thấp hơn (mặc dù vẫn rất lớn), khoảng 15% GDP so với 25% GDP của Mỹ trong thời kỳ đại dịch.
Ông Holden chia sẻ thêm: "Có lý do để tin rằng Australia hơi khác so với Mỹ, nhưng tôi không nghĩ rằng mức lãi suất của Australia sẽ hạ xuống tới mức khoảng 3%."
Một số yếu tố khác chi phối
Thống đốc RBA cho rằng tồn tại nhiều yếu tố tác động theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Về mặt tích cực, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp và các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ đại dịch trị giá 300 tỷ AUD đã tăng thêm tiền tích lũy tiết kiệm của người dân Australia, tương đương với khoảng 20% tổng thu nhập hộ gia đình hàng năm.
Ông Lowe đặt câu hỏi: "Không rõ những người đã tích lũy thêm tiền tiết kiệm sẽ sử dụng số tiền đó như thế nào: họ sẽ dùng để tiêu dần theo thời gian hay là tiền có thể được sử dụng để hỗ trợ chi tiêu trong năm nay và năm tới?"
Mặt khác, áp lực chi phí sinh hoạt đang siết chặt ngân sách của các hộ gia đình, giá nhà giảm làm sụt giảm tình hình tài chính và 35% các hộ gia đình có khoản vay thế chấp phải đối mặt với mức tăng đáng kể trong các khoản thanh toán bắt buộc.
Ông Lowe khẳng định: "Rõ ràng là lãi suất cao hơn đang tác động đến tổng chi tiêu của các hộ gia đình".
Ông hy vọng rằng Australia có thể tiếp tục tránh được sự tăng vọt về tăng trưởng tiền lương, yếu tố đã đẩy lạm phát và lãi suất ở Mỹ tăng cao.
Tăng trưởng tiền lương thấp hơn là một trong những lý do khiến Australia tránh được mức tăng lạm phát hai con số được ghi nhận ở một số nước. Chỉ số giá tiền lương tăng ở mức 3,3%, mức tương đối phù hợp, vào năm ngoái đang nằm trong giới hạn 4% mà Thống đốc Lowe cho là bền vững.
Nhà kinh tế học Paul Bloxham cho rằng: "Một yếu tố cho phép RBA tạm dừng tăng lãi suất là mặc dù lạm phát cao nhưng chưa dẫn tới việc tăng trưởng tiền lương tăng cao lên mức rủi ro".
Tuy nhiên, các công đoàn ở Australia đang thúc đẩy tăng lương khoảng 7% cho hơn 20% lực lượng lao động nước này để đáp ứng với lạm phát.
Nhà kinh tế Andrew Boak của Goldman Sachs hy vọng RBA sẽ đợi quyết định của Ủy ban Công bằng lao động Australia về mức lương và thưởng tối thiểu công bố vào tháng 6 tới, trước khi tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7/2023 và tháng 8/2023 để đưa tỷ lệ tiền mặt lần cuối lên 4,1%.
Ông Boak cho biết, RBA cũng có thể sẽ đánh giá việc các khoản vay thế chấp có mức lãi suất cố định chuyển sang mức lãi suất linh hoạt cao sau khi kết thúc quý II/2023. Ông nhận định: "Vào thời điểm đó, RBA sẽ hiểu rõ hơn về đà lạm phát trong quý II/2023 và quyết định của Ủy ban Công bằng lao động Australia về mức tăng lương và tiền thưởng tối thiểu".
Một câu hỏi quan trọng mà ngân hàng trung ương Australia đang phải đối mặt là liệu Australia có khác biệt về tiền lương hay áp lực trả lương sau này có thể phát sinh hay không, vì hệ thống thỏa thuận tiền lương ở Australia có "tuổi đời hàng chục năm" thường chậm trễ trong việc tăng lương.
Người lao động quay trở lại
Thống đốc Lowe cho biết: "Ở cấp độ tổng thể, tăng trưởng tiền lương vẫn phù hợp với mục tiêu lạm phát, với điều kiện là tăng trưởng năng suất cũng tăng lên. Hội đồng quản trị RBA vẫn cảnh giác với nguy cơ xảy ra vòng xoáy giá cả - tiền lương, do năng lực dự phòng của nền kinh tế hạn chế và tỷ lệ thất nghiệp đang thấp kỷ lục. Theo đó, RBA sẽ tiếp tục chú ý đến cả sự tăng trưởng về chi phí lao động và hành vi định giá của các công ty".
Khoảng 400.000 người nhập cư vào Australia mỗi năm được coi là chiếc "van giảm áp" cho các doanh nghiệp bằng cách bổ sung thêm nhiều lao động vào thị trường.
Thị trường lao động vẫn ổn định với tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 3,5%, thấp nhất trong vòng khoảng 50. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Australia ghi nhận rằng tình trạng thiếu lao động đang giảm dần. Các hoạt động quảng cáo việc làm và tuyển dụng đã giảm nhiệt so với giai đoạn cao hơn trước đây.
Mặt khác, sự trở lại của dòng người di cư mạnh mẽ đang góp phần làm giá nhà phục hồi đáng kinh ngạc.
Ông Geoff Lucas, một nhà phân tích bất động sản, cho biết số lượng người nhập cư tăng cao kỷ lục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá bất động sản trong 2 tháng qua.
Ông Lucas, Giám đốc điều hành của The Agency Group và là cựu Giám đốc điều hành của McGrath Real Estate, cho biết: "Dữ liệu của công ty tư vấn bất động sản CoreLogic gần đây nêu bật tâm lý tích cực của người mua, dẫn đến giá bất động sản tăng lần lượt 1,4% ở Sydney và 0,6% trên toàn quốc".
Ông kỳ vọng tâm lý trên sẽ được cải thiện hơn nữa trong những tuần tới vì những người đang vay thế chấp đang cảm thấy chu kỳ thắt chặt bước vào giai đoạn cuối.
Giám đốc điều hành của The Agency Group chia sẻ: "Chúng tôi vẫn thận trọng, vì có nhiều yếu tố cho thấy lạm phát khó khăn hơn so với một số ý kiến lạc quan khác, và tồn tại triển vọng cắt giảm lãi suất vào năm 2024, nhưng động thái tiếp theo có thể sẽ là tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn khó thay đổi hơn so với nhiều người mong đợi".
Các thị trường tiền tệ đang đánh cược rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể đã kết thúc và việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Tuy nhiên, như Giám đốc điều hành của ngân hàng Westpac, ông Peter King, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh của Financial Review tại Sydney, vấn đề quan trọng nhất không phải là lãi suất sẽ tăng cao đến đâu, mà quan trọng hơn là mức lãi suất này duy trì ở mức cao trong bao lâu./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/australia-co-mot-lan-nua-may-man-hon-cac-nuoc-khac-trong-kiem-soat-lam-phat/287347.html