Trung Quốc lên kế hoạch biến Thâm Quyến thành cốt lõi của cải cách
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao thuộc tỉnh Quảng Đông giáp Hong Kong, sẽ được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong các lĩnh vực như sử dụng đất, công nghệ và sáng tạo, kinh tế dữ liệu lớn và thuê chuyên gia nước ngoài, trong kế hoạch phát triển từ 2020 tới 2025.
Kế hoạch được công bố hôm 11/10, trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào 14/10, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Thành phố Thâm Quyến. Ảnh: Xinhua
Nội dung kế hoạch bao gồm một loạt lĩnh vực, từ cải cách thị trường tài chính tới phát triển thị trường dữ liệu, đồng thời kêu gọi Thâm Quyến đóng vai trò đầu tàu trong Khu vực Vịnh Lớn. Đây là một khu vực phát triển nhằm mục đích liên kết các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông thành một trung tâm kinh tế kinh doanh giống San Francisco và Vịnh Tokyo.
"Noi theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới.... trao cho Thâm Quyến quyền tự chủ lớn hơn để thực hiện cải cách trong các lĩnh vực mới và quan trọng", trích nội dung kế hoạch. "Nó hỗ trợ Thâm Quyến đi đầu trong cải cách và mở cửa từ một vị trí thuận lợi hơn, ở cấp độ cao hơn và mục tiêu lớn hơn. Thâm Quyến sẽ thúc đẩy hợp tác với Hong Kong ở cấp độ cao hơn và tăng cường vai trò của nó như một động cơ cốt lõi trong quá trình phát triển của Khu vực Vịnh Lớn, và làm tốt việc nêu gương xây dựng một thành phố kiểu mẫu đại diện cho một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và đầy sức sống".
Tài liệu đề cập đến từ "khám phá" 28 lần, thể hiện tham vọng của Bắc Kinh muốn biến Thâm Quyến thành nơi thử nghiệm chính sách mà chính quyền trung ương đang muốn làm nhưng chưa sẵn sàng triển khai trên toàn quốc.
Thâm Quyến là sự lựa chọn tất yếu bởi câu chuyện về thành phố từ một làng chài nhỏ vươn mình thành một đô thị sôi động thường được Bắc Kinh nhắc tới như một bằng chứng về sự quản lý hiệu quả của chính quyền.
Guo Wanda, phó chủ tịch điều hành của Viện Phát triển Trung Quốc, một tổ chức tư vấn ở Thâm Quyến, cho hay cải cách sẽ được thử nghiệm ở thành phố.
"Tài liệu nói rằng Thâm Quyến là lá cờ đầu trong việc mở cửa đất nước", Guo nói. "Thâm Quyến đang ở một vị trí thuận lợi trong việc tiến hành nhiều cải cách hơn nữa bởi nó có nền tảng tốt và nhiều vấn đề mà Thâm Quyến đối mặt cũng liên quan tới những khu vực khác ở Trung Quốc".
Nhưng ông lưu ý rằng so với 4 thập kỷ trước, khi mới bắt đầu cải cách và mở cửa, Thâm Quyến bây giờ đã khác hẳn.
"Một số cải cách mà kế hoạch nói tới đã đề cập đến những thách thức hiện tại của Thâm Quyến như thiếu quỹ đất và dịch vụ không tương xứng", Guo nói.
Đất đai đang ngày càng khan hiếm ở Thâm Quyến. Thành phố có diện tích hành chính chỉ bằng 1/3 Thượng Hải và 1/8 Bắc Kinh. Theo kế hoạch, thành phố sẽ có quyền tự chủ chuyển đổi và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích công nghệ và dân cư mà không cần chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng như chính quyền trung ương Bắc Kinh phê duyệt.
Quỹ đất dành cho nhà ở tại Thâm Quyến chỉ chiếm 22,6% tổng nguồn cung quỹ đất dành cho phát triển, khiến nó trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc với dân số chính thức hơn 12,5 triệu người.
Bắc Kinh không cho Thâm Quyến "thêm đất" bằng cách sáp nhập các thị trấn lân cập vào đơn vị hành chính, nhưng bật đèn xanh cho thành phố để tạo ra một thị trường đất đai tự do hơn.
Vương Vĩ Trung, bí thư đảng Cộng sản Thâm Quyến, từng phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, cho rằng cải cách sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi GDP đầu người của thành phố đã đạt 30.000 USD sau 4 thập kỷ phát triển kinh tế.
Zhang Hongqiao, một đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố Thâm Quyến, cơ quan lập pháp của thành phố, cho rằng tài liệu này không thể coi là thuốc chữa bách bệnh cho Thâm Quyến vì một số vấn đề của nó liên quan tới việc tách rời tương quan giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông cho hay việc chú trọng phát triển dữ liệu lớn sẽ là hướng đi tốt cho Thâm Quyến, cho phép thành phố thử nghiệm các biện pháp mới chưa từng thấy ở những khu vực khác tại Trung Quốc.
Zhang cũng lưu ý rằng kế hoạch không lập tức đưa ra giải pháp cho hai thách thức lớn nhất của thành phố là giá bất động sản cao và thiếu quỹ đất. Ông nghi ngờ liệu Thâm Quyến có thể đóng vai trò dẫn đầu ở Khu vực Vịnh Lớn không, bởi mọi thành phố trong khu vực này đều đóng vai trò khác nhau.
"Vai trò của mỗi thành phố trong Khu vực Vịnh Lớn thực sự phụ thuộc vào việc chúng có thể thích ứng với những thay đổi của tình hình đất nước và quốc tế hay không, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Đây không phải là điều mà kế hoạch này có thể giải đáp", Zhang nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-tham-vong-bien-tham-quyen-thanh-cot-loi-cai-cach-4175624.html