Trung Quốc đang giúp Úc thịnh vượng hơn nhờ giá quặng sắt tăng kỷ lục

15:00' 21-05-2021
Bất chấp mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu quặng sắt của Australia vẫn bình yên vô sự.


    Tiền từ Trung Quốc ùn ùn chảy vào túi Australia nhờ 1 mặt hàng: Triển vọng nào cho Canberra?

    Mặc dù căng thẳng Trung Quốc- Australia leo thang, nhưng quan hệ giao dịch quặng sắt song phương không hề bị ảnh hưởng. Nguồn: Reuters

    Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời các nhà phân tích và kinh tế học cho biết, mặc dù xung đột chính trị song phương kéo dài, nhưng Trung Quốc đang giúp cho Australia trở nên thịnh vượng hơn nhờ giá quặng sắt tăng kỷ lục, khiến cho doanh thu cho cả các tập đoàn khai mỏ và ngân sách chính phủ tăng cao.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định rằng "xứ sở chuột túi" khó có cơ hội tận hưởng một "sự bùng nổ" khai thác quặng kéo dài thêm một thập kỷ nữa.

    Tuy gần đây đã bắt đầu thảo luận về khả năng “chiến tranh” với Trung Quốc, Canberra có khả năng thu ngân sách thêm 37 tỷ AUD  trong năm qua do giá quặng sắt tăng vọt, vượt mức 230 USD/ tấn vào tuần trước. Mức giá này đã phá vỡ kỷ lục được thiết lập cách đây một thập kỉ là 200 USD/ tấn.

    Quặng sắt được bán với giá khoảng 80 USD/tấn trước khi chính phủ Trung Quốc triển khai chương trình kích thích kinh tế sau đại dịch trị giá 500 tỷ USD vào tháng 5 năm ngoái, đẩy cả nhu cầu và giá quặng sắt tăng cao.

    Các chuyên gia cho biết, đối với mỗi 10 USD giá quặng sắt tăng, ngân sách chính phủ Australia - dưới hình thức thuế công ty và tiền bản quyền - tăng khoảng 2,5 tỷ AUD, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Australia tăng 11 tỷ AUD.

    “Đây sẽ là một trong những đợt chuyển giao tài sản gây nhiều ngạc nhiên nhất giữa hai chính phủ Trung Quốc và Australia”, nhà phân tích về quặng sắt của tập đoàn Navigate Commodities, Atilla Widnell, cho biết. “Ngân sách của Bộ Tài chính Australia có thể hưởng lợi từ việc được bổ sung thêm 34- 37 tỷ USD nếu giá quặng sắt được duy trì trên 200 USD/tấn.”

    Bất chấp mối quan hệ căng thẳng song phương trong năm qua dẫn đến việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu các sản phẩm của Australia gồm cả than đá và rượu, hoạt động xuất nhập khẩu quặng sắt vẫn "bình yên vô sự". Giá trị xuất khẩu từ Australia vẫn tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu thép nguyên liệu thô tại Trung Quốc đại lục tăng cao do chính sách kích thích tại đây đã thúc đẩy hoạt động xây dựng bất động sản và cơ sở hạ tầng.

    Là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất của Bắc Kinh, Australia đáp ứng khoảng 60% nhu cầu quặng sắt ở nước này.

    Ba trong số bốn nhà xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc là BHP, Rio Tinto và Fortescue Metals Group đều là doanh nghiệp của Australia, các công ty này trả thuế doanh nghiệp cho Canberra cũng như tiền bản quyền cho quyền khai thác khoáng sản từ đất thuộc sở hữu của chính phủ liên bang và tiểu bang.

    Nguồn tiền đổ vào ngân sách Australia và các công ty khai mỏ đã vượt qua mức thu được trong đợt bùng nổ vừa qua đã kết thúc vào năm 2013. Ông Widnell nói, ngoài giá quặng sắt cao kỷ lục, chi phí cho nhân công khai thác hiện đã thấp hơn và Trung Quốc đang tiêu thụ khối lượng lớn hơn.

    Theo nhà phân tích quặng sắt và thép của tập đoàn CRU Group Erik Hedborg các công ty khai mỏ chỉ cần giá quặng sắt đạt mức 50 USD/tấn cho khoảng 2/3 lượng hàng xuất khẩu bằng đường biển là hòa vốn.

    Ông Widnell nói thêm, một số công ty khai thác quặng sắt Australia với chi phí thấp có thể vận chuyển quặng với giá thấp hơn nữa, khoảng 30 USD / tấn, giúp họ có được “lợi nhuận thuần lên tới 180 đô la USD/tấn”.

    Hôm 17/5, giá quặng sắt đóng cửa ở mức khoảng 217 USD/tấn sau khi giá bắt đầu trượt vào cuối tuần trước khi Bắc Kinh muốn ngăn chặn hành vi đầu cơ quặng sắt kỳ hạn. Sự gia tăng lợi nhuận cho các tập đoàn khai mỏ và chính phủ Australia đặt ra câu hỏi liệu Australia có đang trải qua một đợt bùng nổ khai thác khác nữa hay không.

    Nhà kinh tế kỳ cựu người Australia Stephen Koukoulas đang nhìn thấy những dấu ấn tương tự của sự bùng nổ vừa qua trong khoảng thời gian này.

    “Theo quan điểm của tôi, đang có sự bùng nổ khai thác - giá quặng cao, sản lượng xuất khẩu lớn và [chúng tôi đang thấy] thặng dư thương mại quốc tế hàng tháng lớn”, ông Koukoulas nói. “Chúng tôi thậm chí đang thấy lĩnh vực khai thác thảo luận về việc gia tăng chi tiêu vốn ở các mỏ mới và các mỏ mở rộng nhằm tận dụng lợi thế của giá thành cao. Và phần lớn mặt hàng xuất khẩu này có vẫn điểm đến là Trung Quốc, nơi Canberra vẫn đang duy trì thặng dư thương mại lớn.”

    Tiền từ Trung Quốc ùn ùn chảy vào túi Australia nhờ 1 mặt hàng: Triển vọng nào cho Canberra? - Ảnh 2.

    Ảnh: Alamy

    "Khó có sự bùng nổ 2.0"

    Theo một bài phát biểu năm 2010 của Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Ric Battellino lúc bấy giờ, “đặc điểm phân biệt của sự bùng nổ khai thác là sự gia tăng đáng kể trong đầu tư khai thác hoặc sản lượng khai thác - thường là cả hai - đều mang đến những hệ quả kinh tế vĩ mô lớn”.

    Theo ông Battellino, Australia đã trải qua khoảng 5 đợt bùng nổ, bắt đầu từ cơn sốt vàng vào những năm 1850 và kết thúc bằng đợt bùng nổ từ năm 2005 đến 2013, không chỉ là bùng nổ khoáng sản mà còn là bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng, với giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), than và các khoản đầu tư cũng gia tăng. Chìa khóa cho sự bùng nổ vừa qua là nhu cầu cao của thị trường Trung Quốc đối với những mặt hàng này.

    “Điều này phần lớn sinh ra từ nhu cầu tài nguyên của các nền kinh tế mới nổi, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm", ông Battellino nói.

    Theo một ghi chú hôm 14/5 của Marcel Thieliant, nhà kinh tế học cấp cao của Capital Economics, nhân tố kéo dài thời gian cho sự bùng nổ vừa qua là các khoản đầu tư vào các dự án khai thác mỏ, điều này đã ít được thể hiện rõ ràng hơn trong thời gian này, đặc biệt là với các chính sách giảm phát thải dài hạn của Trung Quốc. Ông Theiliant nói thêm, giá LNG cũng thấp hơn nhiều.

    “Chúng tôi nghi ngờ rằng các khoản đầu tư vào‘ quặng kim loại ’có thể tăng thêm một chút, do nó vẫn ở dưới mức đỉnh đạt được trong thời kỳ bùng nổ khai thác vừa qua”, ông Thieliant nói.

    “Tuy nhiên, các công ty sẽ quan tâm tới các kế hoạch giảm lượng khí thải carbon từ lĩnh vực thép của Trung Quốc. Và chúng tôi vẫn kỳ vọng các khoản đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc sẽ chậm lại do các nhà phát triển phải đối mặt với các quy định tài chính chặt chẽ hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm xuống mức 140 USD vào cuối năm. Như vậy, một sự bùng nổ đầu tư khai thác mỏ 2.0 là khó có thể xảy ra, ngay cả khi giá quặng sắt vẫn duy trì ở mức cao”, nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của tập đoàn AMP Capital cho biết.

    “Nhu cầu cấp thiết về xây dựng trong các dự án khai thác mỏ của thời kỳ bùng nổ vừa qua cũng không còn nữa, vì những bất ổn thương mại có nghĩa là doanh nghiệp khai mỏ trở nên cảnh giác hơn với việc gia tăng sản xuất thông qua đầu tư nhiều hơn".

    Trong khi đó, ông Thieliant kỳ vọng các tập đoàn khai mỏ Austalia sẽ phân phối lợi nhuận cho các cổ đông, vì vậy không chỉ doanh nghiệp và chính phủ mà người dân thường cũng có thể được hưởng lợi. Ông Oliver gọi đợt tăng giá quặng sắt hiện nay là một “đợt bùng nổ theo chu kỳ” do các tác nhân kích thích hậu đại dịch toàn cầu.

    “Nó cũng có thể phản ánh nhu cầu tiêu dùng cao đối với hàng hóa", ông Oliver nói.

    Điều này rất khác so với những năm 2000 khi nó phản ánh quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu hàng hóa vượt xa tiềm năng cung cấp toàn cầu. Vì vậy, hiện tượng này có thể mất đi nhanh hơn khi gói kích thích kinh tế kết thúc và nhu cầu của người tiêu dùng quay trở lại mức bình thường khi nền kinh tế mở cửa trở lại”.

    Cả Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên, và nhóm vận động hành lang lĩnh vực khai thác Hội đồng Khoáng sản Australia, đều không nhận định rằng giá quặng sắt hiện tại tăng là một sự bùng nổ. Tuy nhiên, ấn phẩm hàng quý về Tài nguyên và Năng lượng mới nhất của Australia phát hành trong tháng 5 dự báo rằng sản lượng xuất khẩu sẽ vẫn tăng mạnh trong 5 năm tới.

    Ngân hàng dự trữ Australia đã công bố nhận định đáng chú ý trong tuyên bố về chính sách tiền tệ cách đây hai tuần, khi cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy các tập đoàn khai mỏ lớn đang có kế hoạch mở rộng các khoản đầu tư liên quan đến quặng sắt khi giá quặng tăng cao hơn./.

     
     

     

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bronwyn Halfpenny MP Vùng: Thomastown. Phone: 9401 2711
Xem thêm

Article sourced from soha.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ