Tìm kháng thể - cuộc ‘đại xét nghiệm’ của Đức để trở về cuộc sống cũ
Các nhân viên y tế đến gõ cửa nhà ông Germann và đề xuất xét nghiệm tìm kháng thể. Ảnh: New York Times.
"Tôi không phải thủ phạm!",Germann nói và giơ tay lên, khiến cả hai vị khách bật cười.
Tuy nhiên, hai người không đến để bắt ông. Họ đề nghị ông cho giới chức y tế xét nghiệm máu để phát hiện kháng thể Covid-19, đều đặn mỗi tháng một lần trong vòng một năm, theo New York Times.
Nếu làm theo, ông Germann sẽ có thể giúp đỡ các nhà khoa học tìm ra cách kiểm soát virus corona, điều cuối cùng sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, và cứu sống nhiều mạng người.
"Đức làm hơn thế"
"Tất nhiên là tôi nói có. Tôi muốn giúp đỡ. Đây là một cuộc khủng hoảng tập thể. Chính phủ đang làm những gì họ có thể. Và tất cả mọi người phải góp sức của mình", Germann, quản lý dự án 41 tuổi của một công ty truyền thông, chia sẻ.
Và như thế, Germann và bạn gái của mình đã tham gia cùng 3.000 hộ gia đình ngẫu nhiên ở Munich vào một dự án tham vọng, với mục tiêu chính là để hiểu được có bao nhiêu người - thậm chí những người không có triệu chứng - đã có sẵn virus trong người, một thông số quan trọng để đưa ra quyết định về đời sống xã hội trong thời kỳ đại dịch.
Theo bài báo của New York Times, nghiên cứu này là một phần của cách tiếp cận mạnh mẽ, toàn diện chống lại virus corona mà chính phủ Đức đang áp dụng. Nếu thành công, họ sẽ trở thành mô hình để các quốc gia phương Tây học hỏi trong việc kiểm soát đại dịch và cùng lúc đưa cuộc sống trở về bình thường.
Nhiều quốc gia phát triển khác, trong đó có cả Mỹ, vẫn đang vật lộn trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm. Nhưng Đức đã làm hơn thế. Chính phủ nhắm tới mục tiêu lấy mẫu ngẫu nhiên toàn bộ dân số để tìm kháng thể trong những tháng tới.
Họ hy vọng có được cái nhìn toàn diện, có giá trị về mức độ lây nhiễm của virus, nó đã xâm nhập vào xã hội sâu như thế nào, mức độ nguy hiểm thật sự của nó và liệu người dân có thể phát triển khả năng miễn dịch hay không.
Kế hoạch tham vọng này sẽ làm sáng tỏ một câu hỏi quan trọng có thể giúp Đức di chuyển an toàn vào giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Giới chức sẽ đánh giá xem những hạn chế nào đã làm chậm sự lây lan của virus một cách hiệu quả nhất, và những biện pháp nào có thể được dỡ bỏ một cách an toàn.
Những câu hỏi tương tự đang được đặt ra ở khắp nơi trên thế giới. Các quốc gia khác như Iceland và Hàn Quốc đã xét nghiệm trên quy mô lớn dân số, hoặc kết hợp xét nghiệm với theo dõi bằng công cụ kỹ thuật số để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Việc xét nghiệm ngẫu nhiên người dân để tìm kháng thể, tuy tốn kém nhưng sẽ giúp các nhà khoa học Đức đánh giá chính xác mức độ lây lan của virus corona trong cộng đồng. Ảnh: New York Times.
Tại Italy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các xét nghiệm tìm kháng thể và tiềm năng về việc được cấp "giấy phép chứng nhận miễn dịch" đã tạo nên những cuộc tranh luận về cách thức và thời điểm mở cửa lại đất nước. Nhưng ngay cả những kế hoạch được chuẩn bị tốt nhất cũng có thể không như dự tính: Singapore đã cố gắng mở cửa đất nước trở lại và thấy những ca nhiễm tăng vọt.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang thúc giục các bang mở cửa trở lại trong bối cảnh chỉ còn nửa năm nữa là tới cuộc bầu cử, nhưng các chuyên gia cảnh báo chính quyền cần xét nghiệm rộng hơn nhiều để có thể dỡ bỏ các lệnh phong tỏa một cách an toàn.
Cả Anh và Mỹ đều trải qua tình trạng thiếu hụt xét nghiệm trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, và phải từ bỏ việc xét nghiệm trên diện rộng, thay vào đó xét nghiệm dựa trên địa điểm để bắt kịp sự lây lan của bệnh dịch. Tại Italy, chính quyền trung ương cũng bất đồng với lãnh đạo các vùng về quy mô của việc thực hiện xét nghiệm.
Đức tự sản xuất hầu hết các bộ dụng cụ xét nghiệm của họ, và đã xét nghiệm ở quy mô lớn hơn so với hầu hết nước khác - 120.000 xét nghiệm mỗi ngày và vẫn đang tăng lên - trong một quốc gia có 83 triệu người.
Tin vào chính phủ
Thủ tướng Angela Merkel, người cũng xuất thân từ một nhà khoa học, cho biết mục đích của chính phủ không gì khác ngoài việc truy tìm tới cùng những chuỗi lây nhiễm.
Tỷ lệ xét nghiệm cao cũng giúp nước Đức làm chậm sự lây lan của virus, và giữ cho số người tử vong tương đối thấp. Ngày càng có nhiều người Đức hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 hơn là số người nhiễm. Cứ 10 người bị nhiễm virus thì sẽ lây cho 7 người khác - tỷ lệ rất thấp so với các nước khác đối với một loại virus có khả năng lây lan mạnh mẽ theo cấp số nhân.
Như một kết quả tất yếu, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Merkel hiện đã cao hơn 80%, và hầu hết người Đức đều hài lòng với cách chính phủ ứng phó với dịch bệnh. Niềm tin rộng rãi vào chính phủ cũng mang lại cho nước Đức một lợi thế to lớn, và giải thích tại sao nhiều người sẵn sàng hợp tác khi bác sĩ tới gõ cửa đề nghị làm xét nghiệm máu.
Một trạm xét nghiệm lưu động Covid-19 ở Đức, quốc gia xét nghiệm trên diện rộng sớm nhất ở châu Âu. Ảnh: New York Times.
Nghiên cứu về kháng thể Covid-19 trong 3.000 hộ dân Munich được thực hiện bởi Khoa Truyền nhiễm và Y học Nhiệt đới của bệnh viện Đại học Munich, và được tài trợ một phần bởi chính quyền bang Bavaria. Đây là nghiên cứu lớn nhất trong số nhiều chương trình đang được triển khai tại nhiều nơi trên đất nước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy việc phát hiện kháng thể bảo đảm khả năng miễn dịch hiệu quả, và ngay cả khi có miễn dịch thì vẫn chưa biết nó kéo dài bao lâu.
Trên toàn quốc, viện Robert Koch, tổ chức khoa học trung ương phụ trách lĩnh vực y sinh, đang thử nghiệm 5.000 mẫu từ các ngân hàng màu trên cả nước mỗi 2 tuần, và thử nghiệm 2.000 người ở các điểm nóng về dịch để tìm ra kháng thể.
Dự án tham vọng nhât của viện là thử nghiệm ngẫu nhiên 15.000 người trên cả nước, bắt đầu vào tuần trước.
"Đức là nước đầu tiên nhìn về tương lai. Chúng tôi đang dẫn đầu trong việc nghĩ về những thứ phải làm tiếp theo", ông Michael Hoelscher, người đứng đầu phụ trách nghiên cứu ở Munich, nhận định và nói thêm rằng một số quốc gia đã đề nghị ông cung cấp giao thức để sao chép chương trình này.
Ông Hoelscher cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu kết luận rằng virus có thể lây lan trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng.
Lây nhiễm từ những người không có triệu chứng chính là thứ khiến cho việc ngăn chặn virus trở nên khó khăn hơn, vì một số lượng lớn các ca nhiễm không được phát hiện.
Cần dữ liệu để tránh rủi ro
Các nhà khoa học cho biết việc đo lường số ca nhiễm bệnh ẩn và hiểu được quy mô thực sự của căn bệnh là chìa khóa để điều chỉnh việc nởi lỏng dần các hạn chế xã hội, giảm thiểu việc mất thu nhập cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về số ca nhiễm không được phát hiện sau khi hoàn thành các nghiên cứu đại diện cho việc đó", ông Lothar Wieler, chủ tịch viện Robert Koch, nơi đang tiến hành một số xét nghiệm kháng thể, cho biết.
"Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Liệu chúng ta sẽ đi theo hướng nới lỏng phong tỏa, tăng cường miễn dịch trong mùa hè để làm chậm sự lây lan trong mùa đông và sau đó có thêm tự do cho đời sống xã hội? Hay là chúng ta sẽ cố gắng giảm thiểu lây nhiễm cho đến khi tìm ra vắc-xin?", giáo sư Hoelscher đặt câu hỏi.
"Đây là câu hỏi cho các chính trị gia, không phải cho các nhà khoa học. Nhưng các chính trị gia cần dữ liệu để đánh giá rủi ro", ông nói thêm.
Ông Hoelscher có ý tưởng cho việc nghiên cứu kháng thể khi đang tắm. Đó là hôm 19/3, một ngày trước khi bang Bavaria ra lệnh phong tỏa.
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta sắp sửa bước vào lệnh phong tỏa, thì vào lúc này chúng ta cần tìm ra chiến lược để thoát ra", ông nói.
Ngày hôm sau, ông viết một đề xuất ngắn với chính quyền bang Bavaria, và chỉ 6 tiếng sau ông được bật đèn xanh. Phải mất thêm 3 tuần cho đến khi các bộ xét nghiệm được sản xuất và mang tới nơi, một phòng thí nghiệm được lập ra và đội ngũ y tế bắt đầu tỏa ra khắp thành phố.
Sáu ngày sau khi họ lần đầu bấm chuông cửa nhà ông Germann, một bác sĩ và hai sinh viên y khoa đã quay lại căn hộ của ông - được đánh dấu 420 trên 3.000.
Các nhân viên y tế sẽ lấy các mẫu máu được thu thập và cho vào máy để phát hiện kháng thể. Ảnh: New York Times.
Họ mặc bộ đồ bảo hộ dùng một lần, đeo găng tay và kính mắt, một trong số họ ngồi xuống chiếc ghế gập họ mang theo và lấy một lượng nhỏ máu của ông Germann. Sau đó họ cởi đồ bảo hộ, cho vào túi, khử trùng mọi khu vực mà họ chạm vào rồi rời đi. Tất cả chỉ mất khoảng 10 phút.
"Tôi đã cảm thấy, wow, cứ như là một điệu nhảy hoàn hảo vậy. Thật ấn tượng khi nghĩ rằng họ đang có các đội làm như vậy trên khắp thành phố", ông Germann chia sẻ.
Kết quả sơ bộ của nghiên cứu có thể được công bố vào tháng 6.
Ông Germann sẽ có kết quả đầu tiên vào tuần tới, ông thấy rất tò mò.
"Bạn tự hỏi mình rằng, có phải lần cảm cúm trước của mình là vì nhiễm virus corona không?", người đàn ông nói.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2773269