Tảng đá kỳ lạ được người đàn ông cất giữ hàng chục năm vì nghĩ là vàng
Thiên thạch nặng 17 kg được tìm thấy ở bang Victoria, Australia. Ảnh: Bảo tàng Melbourne
Năm 2015, khi đang dò tìm kim loại trong Công viên Vùng Maryborough gần thành phố Melbourne, thủ phủ bang Victoria, David Hole tình cờ phát hiện một khối đá bất thường: nó rất nặng, có màu nâu đỏ với một số đốm vàng, và đặc biệt khiến máy dò kêu lên.
Nghi ngờ có vàng bên trong, người đàn ông đã mang vật thể về nhà và thử mọi cách để mở nó ra, nhưng dù dùng cưa, máy khoan, máy mài, búa tạ hay thậm chí là ngâm trong axit, anh cũng không thể phá vỡ cấu trúc tảng đá.
Sau nhiều nỗ lực không thành, Hole gần đây quyết định mang "kho báu" của mình đến Bảo tàng Melbourne để nhận dạng và nhờ đó, biết được sự thật bất ngờ. Tảng đá mà anh nghĩ chứa đầy vàng hóa ra là một khối thiên thạch.
"Nó có vẻ ngoài trông như được đục đẽo và mãi giũa. Đó là do thiên thạch tan chảy khi ma sát với bầu khí quyển của Trái Đất", nhà địa chất Dermot Henry từ Bảo tàng Melbourne nói với tờ Sydney Morning Herald.
Henry cho biết thêm rằng ông đã phân tích rất nhiều tảng đá mà mọi người nghĩ là thiên thạch, nhưng suốt 37 năm làm việc tại bảo tàng, chỉ có hai mẫu vật trong đó thực sự là thiên thạch. Phát hiện của David Hole là một trong hai.
Mảnh thiên thạch này ước tính 4,6 tỷ năm tuổi và nặng tới 17 kg. "Nếu thử nâng một tảng đá trên Trái Đất có kích thước tương tự, bạn sẽ thấy nó không nặng như vậy", nhà địa chất Bill Birch tại Bảo tàng Melbourne, người cũng tham gia phân tích thiên thạch, chia sẻ.
Dermot Henry (trái) và Bill Birch (phải). Ảnh: Bảo tàng Melbourne
Sau khi sử dụng cưa kim cương để cắt một lát nhỏ, Henry và Birch nhận thấy thành phần của nó có tỷ lệ sắt cao, tương tự loại thiên thạch chondrite H5 thông thường. Họ cũng tìm thấy những hạt khoáng kim loại kết tinh được gọi là chondrule.
"Các mảnh thiên thạch cung cấp hình thức khám phá không gian rẻ nhất. Chúng đưa chúng ta ngược thời gian để nghiên cứu sự hình thành của hệ Mặt Trời, bao gồm cả Trái Đất. Một số thậm chí còn nhiều tuổi hơn cả hệ Mặt Trời, hé lộ cách các ngôi sao hình thành và phát triển để tạo ra những nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Một số thiên thạch hiếm hơn có thể chứa các phân tử hữu cơ như axit amin - khối xây dựng của sự sống", Henry nói thêm.
Hai nhà địa chất học không biết chính xác thiên thạch mà Hole tìm thấy đến từ đâu và đã rơi xuống Trái Đất được bao lâu, nhưng họ có một số phỏng đoán.
"Nó có lẽ xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, và bị đẩy khỏi quỹ đạo bởi sự kiện va chạm tiểu hành tinh, cuối cùng đâm vào Trái Đất", Henry cho biết. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ chỉ ra thiên thạch đã rơi xuống hành tinh của chúng ta từ 100 đến 1.000 năm trước.
Article sourced from vnexpress.net.