Số lượng trẻ em mắc bệnh về sức khỏe tâm thần đang dần gia tăng, một phần là do áp lực 'con nhà người ta'

22:00' 08-06-2022
Sao mẹ luôn so sánh con với người khác? Con có gì không bằng họ?, Thục Anh hét lớn, bỏ lên phòng khi bị mẹ chì chiết vì rơi khỏi top 5 của lớp.


    Đây là lần đầu tiên Thục Anh dám cãi mẹ. "Mọi chuyện vượt quá ngưỡng chịu đựng. Trong khi lũ bạn chê cười còn mẹ chỉ trích, không một ai đứng về phía em. Mẹ muốn hoàn hảo, nhưng em không thể", nữ sinh giải thích cho tình huống tối hôm trước.

    Thục Anh kể, trong hình dung của mẹ, cô phải là con người "tổng hợp từ hàng chục người khác". Đó là con trai của đồng nghiệp được tuyển thẳng vào đại học; con gái người hàng xóm đảm đang, biết quán xuyến việc nhà; hay đứa cháu họ có thể kiếm tiền từ năm cấp 2. Nữ sinh nói, những người đó có những cái giỏi nhưng cũng "đầy cái không bằng em". Có điều mẹ luôn cho rằng cô không bằng một góc của họ và đó là nguyên nhân khiến cô có thái độ thù ghét những người giỏi hơn mình.

    Chị Bích, mẹ Thục Anh, hiểu không nên gây áp lực lên con nhưng khi thấy cô bé kém con người khác, chị Bích sốt ruột và bắt đầu quát tháo. "Tìm các tấm gương tốt để con học theo có gì xấu? Thế hệ nào cũng phải chịu được áp lực mới thành công", người phụ nữ 39 tuổi phân trần.

    Thực tế cho thấy những phụ huynh như chị Bích đang nhầm lẫn giữa kỳ vọng và kỳ công. "Kỳ công là việc đồng hành, giúp con phát triển, đó là một quá trình dài và cần nhiều công sức, kiên trì. Kỳ vọng đặt áp lực vô hình buộc con phải làm theo, khiến đứa trẻ phải chịu áp lực học tập, điểm số, nay thêm áp lực từ gia đình", tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, nói.

    Áp lực mà Thục Anh và nhiều người trẻ khác gặp được giới nghiên cứu tâm lý quốc tế gọi tên là "peer pressure" - áp lực đồng trang lứa. "Hội chứng này tồn tại từ lâu, nhưng ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn dưới sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông đại chúng", ông Tùng Lâm nói.

    Peer pressure là hiện tượng xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng tuổi, cùng lớp hay đồng nghiệp...), phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Điều này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi khác nhau nhưng thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị tác động nhất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tư duy và nhân cách vẫn trong giai đoạn phát triển, từ những chuẩn mực xã hội hay khao khát hòa nhập và được công nhận.

    Tại Việt Nam chưa có có nghiên cứu cụ thể hoặc thống kê nào về tác động của "peer presure" với giới trẻ. Nhưng thống kê phân tích từ khóa tìm kiếm trên Google tại Việt Nam trong tháng 10/2021, có gần 40 nghìn lượt tìm kiếm về "Peer Pressure là gì và những giải pháp cho nó", tăng hơn 67,58% so với một tháng trước đó. Đây là mức tăng kỷ lục trong một năm qua và tiếp tục tăng.

    Trên thế giới, khảo sát của Parent for Future (mạng lưới các nhà hoạt động vì trẻ em và cha mẹ) chỉ 10% trong 860 người tham gia khảo sát nói rằng bản thân không bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa. Công ty chuyên nghiên cứu Barna Group (Mỹ) kết hợp với Impact 360 Institute thực hiện nghiên cứu năm 2021 và chỉ ra, cứ 5 người sẽ có 2 người thuộc Gen Z chịu áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, nguyên nhân nội tại bao gồm: áp lực thành công (56%) và áp lực cần phải hoàn hảo (42%). Về yếu tố bên ngoài, người trẻ thấy gánh nặng tâm lý vì bị đánh giá bởi thế hệ trước (42%) và kỳ vọng của cha mẹ (39%).

    Theo ông Tùng Lâm, áp lực từ gia đình dễ khiến trẻ bị tổn thương, tạo tâm lý chống đối, bực tức. Một số trường hợp dồn nén lâu ngày, không cảm thấy được tôn trọng dễ dẫn đến hành động dạt dột .

    Kỳ vọng của mẹ đẩy Thục Anh thành con người lầm lì, xa cách gia đình và liên tục làm đau bản thân như cách ngầm chống đối. Cô mắc chứng mất ngủ kéo dài, thi thoảng bật khóc và bực tức vô cớ. "Nhưng mẹ chỉ quan tâm thứ hạng trên lớp, đâu biết các vết sẹo trên cơ thể em", cô gái 17 tuổi thở dài.

    Bác sĩ Dương Minh Tâm, trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các triệu chứng của Thục Anh là hội chứng trầm cảm.

    Theo ghi nhận của ông, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, hội chứng trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng tăng. Có tới 39% số người tới khám tâm thần trong năm 2020 tại viện thuộc lứa tuổi 14-19. Trong đó, nhóm học sinh cuối cấp hai và cuối cấp ba chiếm đa số. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử, cùng sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay.

    Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung, 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm.

    Vấn đề này cũng được đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương nêu ra tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Theo bà Dung, áp lực học tập từ nhà trường, gia đình là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm cùng nhiều vấn đề tâm sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay.

    Số lượng người trẻ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần gia tăng, một phần do áp lực con nhà người ta. Ảnh: Freepik.

    Số lượng người trẻ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần gia tăng, một phần do áp lực "con nhà người ta". Ảnh: Freepik.

    Cũng vì muốn "như con người ta" mà nhiều phụ huynh ép con theo đuổi những việc không thuộc sở trường, thậm chí không có khả năng. Chị Anh Đào, 40 tuổi, ở Hải Phòng đăng ký con gái Minh Ngọc theo học đàn violin, tiếng Nhật và Đức vào cuối tuần. Ý định cho con học môn năng khiếu xuất phát từ việc đồng nghiệp liên tục khoe con cái nhiều tài lẻ, trong khi Ngọc lại không. Người phụ nữ 40 tuổi thừa nhận bản thân chạnh lòng, tự ti và mong con bằng một phần con nhà người ta.

    "Nhưng đó là sở thích và mong muốn của mẹ, không phải em. Mẹ luôn tự quyết và cho rằng bản thân luôn đúng", Ngọc, 16 tuổi, nói. Nữ sinh nói rằng bản thân từng muốn theo đuổi bộ môn graffiti (vẽ đường phố), nhưng mẹ khuyên "nên học những thứ con nhà người ta đều học". Thậm chí, cách ăn mặc, cắt tóc của Ngọc cũng do mẹ quyết định vì sợ bị người ngoài đánh giá.

    "Em cảm giác đang sống cuộc đời của mẹ. Mẹ không đặt mình vào vị trí của em mà chỉ muốn khoe sự giỏi giang của con với bạn bè", nữ sinh than thở.

    Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, ngoài mong muốn con thành đạt giỏi giang, nhiều phụ huynh ngầm có tư tưởng khoe con để thể hiện đẳng cấp. "Ngày nay hiếm người khoe nhà, khoe xe vì ai cũng có. Họ bắt đầu khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội như một chiến công. Nhiều người quan niệm con cái thành đạt ắt phải có cha mẹ giỏi", ông Thịnh nói và cho biết tư tưởng này xuất hiện từ lâu, nhưng ít người thừa nhận.

    Ngoài áp lực từ bố mẹ, chính bản thân người trẻ cũng tự tạo áp lực đồng trang lứa cho bản thân. Ngọc Diễm, 22 tuổi, ở quận 3, TP HCM là ví dụ. Vừa ra trường nhưng bạn bè của Diễm liên tục khoe mua nhà, mua xe thậm chí mở công ty riêng ở tuổi 22. Mỗi lần họp lớp, cô nhân viên văn phòng với mức lương 7 triệu cảm thấy vô cùng tự ti.

    Cảm giác thua kém "con nhà người ta" nhân lên khi Diễm lướt mạng xã hội. "Những bức ảnh khoe tài sản từ người cùng tuổi khiến tôi rất áp lực", Diễm thở dài. Cô từ chối mọi cuộc đi chơi, họp lớp và hạn chế về quê để tránh bị so sánh. "Tôi căm ghét bản thân vì không thể kiếm được nhiều tiền. Tôi là kẻ thất bại", Diễm tâm sự.

    Hành động chạy trốn của Diễm được chuyên gia gọi là "hội chứng con đà điểu", tức là không dám nhìn thẳng vào sự thật. "Trước một bức hình khoe khoang, người trẻ cần tỉnh táo xác định đó là tài sản tự thân hay có hỗ trợ. Nếu do họ làm ra, bạn cần khâm phục và học hỏi để vươn lên. Nhưng nếu là do thừa hưởng từ cha mẹ, chẳng có gì khiến bạn nhụt chí và hãy tiếp tục phấn đấu", ông Thịnh nói.

    Đình Trọng, 23 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội tự biến mình thành "con người ta". Anh xây dựng hình tượng người đàn ông giỏi giang, giàu có, thường xuyên đi du lịch, đến quán ăn sang trọng... Nhưng toàn bộ điện thoại, máy tính, xe máy hay chi phí đi chơi Trọng phải trả góp bằng khoản lương 8 triệu đồng một tháng. "Nhưng bù lại tôi không bị đem ra so sánh. Thậm chí nhiều người còn lấy tôi làm hình mẫu lý tưởng để con cái họ họ tập", Trọng nói.

    Mặt tích cực của áp lực đồng trang lứa là nó như cú hích giúp người trẻ phấn đấu. "Muốn đạt được thành công, tôi buộc phải nhìn thẳng điểm yếu và cố gắng", Mạnh Hùng, 20 tuổi, sinh viên đại học tại TP HCM nói.

    Để tránh ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa, Hùng hạn chế lên mạng xã hội và tập trung phát triển điểm mạnh của bản thân. Chàng trai 20 tuổi cho rằng việc so sánh năng lực với người khác là khập khiễng vì mỗi người có xuất phát điểm, mục tiêu và ước mơ khác nhau. "Thay vì sống trong tự ti, tôi muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Áp lực đồng trang lứa có đáng sợ hay không phụ thuộc vào cách chúng ta đón nhận và giải quyết nó", Hùng nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ap-luc-con-nha-nguoi-ta-4473374.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ